| Hotline: 0983.970.780

"Phận bạc" hồng Nhân Hậu

Thứ Tư 26/02/2014 , 11:12 (GMT+7)

Đất làng Nhân Hậu vẫn nằm đấy, nhưng chẳng thấy bóng dáng cây hồng. Thứ quả đặc sản của quê hương cố nhà văn Nam Cao giờ gần như đã bị xoá sổ.

Việt Nam là đất nước của nhiều loại trái quý, mùa nào thức ấy. Những đặc sản trứ danh một thời như hồng Nhân Hậu, cam chanh Ninh Giang, quýt Hương Cần, dừa Tam Quan, măng cụt Lái Thiêu… đang dần mai một, song nhiều nơi vẫn dở dang kế hoạch phục tráng, bảo tồn. 

Đất làng Nhân Hậu vẫn nằm đấy, nhưng chẳng thấy bóng dáng cây hồng. Thứ quả đặc sản của quê hương cố nhà văn Nam Cao nức tiếng thơm ngon khiến ai nghe thấy, nhìn thấy cũng phải chảy nước miệng, xuýt xoa thèm thuồng giờ gần như đã bị xoá sổ.

Niềm tự hào của miền quê chiêm trũng

Đã có thời, hồng Nhân Hậu phủ kín đất Đại Hoàng (nay là làng Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Cỡ chừng rằm tháng Tám, khi trăng thu lộ nguyên hình, tròn như cái nong, cái nia của bác nông dân, ghé vào bất kỳ nhà nào, người ta cũng muốn căng hết khứu giác mà hít lấy hít để cái hương vị ngọt thơm dịu nhẹ của trái hồng chín mọng lan tỏa khắp không gian.

Và cũng đã có thời, người dân làng Nhân Hậu say trồng hồng đến mê mẩn. Để tạo điều kiện cho những người trồng hồng có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, Hội những người trồng hồng của xã đã ra đời, quy tụ hàng trăm hội viên tham gia. Khoảng giữa những năm 90 của thế kỷ XX, trong khi nhiều gia đình vùng chiêm trũng huyện Lý Nhân vẫn thiếu gạo ăn thì chỉ cần 2 trái hồng không hạt của làng Nhân Hậu đã đổi được hơn 1 kg thóc (giá thóc năm 1995 khoảng 3.000 đồng/kg).

Xưa kia, khu vườn rộng khoảng 6 sào Bắc bộ của gia đình cố nhà văn Nam Cao ở xóm 9 (làng Đại Hoàng) rợp bóng cây hồng không hạt và chuối ngự. Những năm tháng túng bấn, cơm độn hết khoai đến sắn ăn vẫn không đủ no, quả hồng vẫn là thức quà lý tưởng để gia đình tác giả truyện ngắn “Chí Phèo” chống đói.

Cụ Trần Hữu Đạt - em trai cố nhà văn Nam Cao, năm nay đã 92 tuổi, là một trong những người đầu tiên xây dựng và phát triển Hội những người trồng hồng của xã Nhân Hậu xưa (nay là xã Hoà Hậu). Tuy mắt đã mờ, tai đã lãng, trí nhớ đã hao hụt đi khá nhiều nhưng cụ vẫn nhớ như in vườn hồng của gia đình nở hoa vào tháng Giêng âm lịch, đến tháng Tám mới trẩy quả ăn được.


Ông Trần Hữu Đạt, em trai nhà văn Nam Cao kể về một thời huy hoàng của cây hồng Nhân Hậu trên đất Đại Hoàng

Cụ Đạt kể: “Nghề trồng hồng cũng lắm gian truân. Cây táo, cây bưởi, cây chanh đã đậu quả khơ khớ rồi là chắc mẩm được thu hoạch, nhưng cuống hồng vốn yếu, gặp trận gió mạnh quả còn xanh to như cái chén vẫn rụng đồm độp. Tréo ngoe thay, thứ quả rễ lìa cành ấy lại chín trong mùa mưa rơi bão giật, có năm nhiều gia đình gần như mất sạch vì ông trời làm mình làm mẩy.

Càng mất mùa, hồng Nhân Hậu càng đắt, càng đắt thì càng quý. Dân gian có câu: “Người chẳng đáng một đồng, còn đòi ăn hồng một hột”, huống chi hồng trồng trên đất này chẳng có hột nào, bóc vỏ xong là có thể yên tâm cắn đánh phập đến khi hai hàm răng va đập vào nhau mà không thấy vướng”.

Hồng Nhân Hậu có hai loại là hồng ngâm và hồng mòng. Theo kinh nghiệm của các cụ cao niên làng Nhân Hậu, hồng ngâm dù đã chín trên cây nhưng vẫn có vị chát, ăn không ngon. Vì thế, khi quả hồng đương độ dở dở ương ương, người ta sẽ hái xuống, sau đó cắt lá chuối ngự, xé nhỏ lót quanh thùng kín, đổ tro bếp lên, vùi từng quả hồng xuống rồi đổ ngập nước ấm. 3 - 5 ngày sau chất chát trong quả hồng thôi ra, ngọt lịm, khi gọt vỏ bổ ra vẫn cứng, ăn giòn sần sật.

Đối với hồng mòng, để khử chát, người làng Nhân Hậu không ngâm nước tro bếp mà giấm bằng đèn dầu, hương nhang hoặc lò trấu. Khi chín, trái hồng có màu đỏ đậm như quả cà chua, vỏ mỏng như một lớp màng mà vẫn cứng. Lạ ở chỗ khi lớp vỏ bên ngoài bị trầy xước, một lớp keo mới sẽ tiết ra tại điểm tổn thương và đông cứng lại, tạo nên một lớp vỏ mới. Nhờ đó, trái hồng bảo quản được rất lâu.

“Ly hương” về vùng đất mới

Ông Trần Bá Tự (68 tuổi), trước đây cũng là hội viên Hội trồng hồng của xã, nhớ về quá khứ mà nao lòng: “Những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, 1 gốc hồng trồng lâu năm có thể thu vài tạ quả. Chẳng cần phải vất vả chở hàng ra chợ bán, thương lái ùn ùn kéo về hỏi mua. Nhiều gia đình bán một cây hồng đổi được 3 tạ lúa, đời sống no đủ.

Những cây hồng tổ lâu năm của gia đình cụ Trần Bá Đạt; cụ Trần Ngọc Miễn (85 tuổi)… cứ dăm bữa nửa tháng lại bị gia chủ bới đất tìm những đoạn rễ cây to như ngón trỏ rồi cầm con dao sắc lẹm chém đứt bán cho khách mang về giâm. Mãi sau này, các nhà khoa học mới nghiên cứu phương pháp ghép hồng.

Cũng trong thời gian đầu những năm 90 của thế kỷ XX, những người dân xã Nhân Hậu đi xây dựng kinh tế mới tại tỉnh Hà Bắc cũ (sau này tách thành tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) đã đem cây hồng đặc sản của quê hương lên trồng tại các khu đồi trống huyện Lục Ngạn (thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang ngày nay).


Từ nhỏ bà cụ Trần Ngọc Miên (85 tuổi) đã thấy cây hồng trong vườn nhà

Nhiều chủ vườn ở Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn cũng tìm cách gây giống hồng không hạt trên mảnh đất của mình. Cây hồng Nhân Hậu bắt đầu hành trình ly hương từ vùng trũng Lý Nhân leo lên vùng đồi trung du, đất dốc. Thay đổi môi trường sống, hồng không hạt trồng tại vùng cao được cái to quả, mã đẹp, vỏ bóng mịn nhưng lại kém ngọt và cứng như quả hồng được trồng trên đất Đại Hoàng.

Từ chợ lớn, chợ trung, chợ cóc đến gánh hàng rong đều có sự hiện diện của trái hồng không hạt. Sự cạnh tranh khốc liệt của quy luật kinh tế thị trường đã dần che lấp ánh hào quang của hồng Nhân Hậu.

Trong khi đó, đất đai ở xã Hoà Hậu vốn chật hẹp, diện tích đất nông nghiệp bình quân/người chỉ đạt 0,47 sào (bao gồm cả đất vườn, đất ruộng và ao hồ), không thể tạo ra vùng SX hàng hoá quy mô lớn. Người dân vẫn phải tự sản tự tiêu. Đầu năm 2000 bắt đầu xảy ra hiện tượng nông dân phá vườn hồng trồng chuối ngự Đại Hoàng.

Theo ông Trần Đức Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Hậu: Trước nguy cơ suy giảm diện tích trồng hồng không hạt, năm 2002, Sở NN-PTNT Hà Nam, Quỹ Môi trường toàn cầu đã phối hợp với UBND huyện Lý Nhân triển khai dự án gìn giữ và bảo tồn gen giống cây bản địa quý hiếm vùng đồng bằng chiêm trũng Lý Nhân gồm chuối ngự Đại Hoàng và hồng không hạt Nhân Hậu (gọi tắt là V02/002). Tuy nhiên, dự án mới chỉ hoàn thành được một nửa “sứ mệnh” của mình đó là bảo hộ địa giới hành chính và xây dựng thương hiệu cho chuối ngự Đại Hoàng.

Từ năm 2004, địa phương đã tiến hành khảo sát và chỉ dẫn địa giới hành chính cho cây hồng Nhân Hậu, nhưng lãnh đạo xã Hoà Hậu cũng chia sẻ rằng chính quyền chỉ có hướng bảo tồn và gìn giữ nguồn gen giống cây bản địa quý hiếm của địa phương thôi, còn phát triển lên thì cần phải tính đến nhu cầu của thị trường. Và xã cũng không có đủ tiền để làm những dự án lớn nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân.

Năm 2005 - 2006, khi giá hồng chạm đáy (từ 2.500 - 3.000 đồng/kg), những hộ gắn bó máu thịt với nghề trồng hồng hàng chục năm cũng đành cắn răng cắn cỏ cầm búa chim bổ gốc để trồng những loại cây năng suất hơn như táo, ổi và chuối ngự. Khu vườn rộng 6 sào rợp bóng cây hồng của gia đình cố nhà văn Nam Cao cũng nằm trong xu thế đó. Ông Trần Hữu Đạt chỉ giữ lại vỏn vẹn 3 gốc hồng để giữ lại cây quý của làng.

Năm 2012, cả xã Hoà Hậu còn giữ được 2 cây hồng có tuổi đời khoảng 100 năm. Nhưng trong đợt mở đường thôn xóm cứng hoá bê tông xây dựng NTM năm 2013 tại xóm 13, cây hồng một người ôm không xuể của ông Trần Bá Đạt nằm sát mép đường đã bị chặt phăng gốc. Còn lại duy nhất 1 cây hồng cổ thụ của cụ bà Trần Ngọc Miễn vẫn sống.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng cụ Miễn bảo: “Người ta có mang cả trăm triệu đến đây tôi cũng không bán cây hồng. Cả xã này còn được vài chục gốc hồng chứ mấy, phải giữ để con cháu còn biết vị trái hồng Nhân Hậu nó như thế nào”.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.