| Hotline: 0983.970.780

Phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển cho lúa Bao Thai Định Hóa

Thứ Năm 03/07/2014 , 09:10 (GMT+7)

Cây lúa được bón phân Văn Điển phát triển cân đối, cứng cây dầy lá cả vụ không phải phun thuốc sâu, lúa không đổ non, bông chùng ít lép, vỏ hạt vàng sáng.

Diện tích lúa đặc sản Bao Thai của huyện Định Hóa (Thái Nguyên) có gần 5.000 ha phân bố ở 23 xã, thị trấn.

Do địa hình đồi núi cao, ruộng thung lũng, bậc thang có độ dốc lớn nên bị rửa trôi mạnh, PH đất chua dưới 4,2 nghèo lân, nghèo các chất dinh dưỡng trung, vi lượng. Những năm gần đây năng suất, chất lượng lúa Bao Thai không ổn định, sâu bệnh gây hại nhiều, lúa thường đổ non.

Qua khảo sát thực tiễn SX cho thấy, nguyên nhân chính là khâu sử dụng phân bón. Do chưa được hướng dẫn đầy đủ về kỹ thuật nên bà con các dân tộc ở đây chỉ theo thói quen, kinh nghiệm, có loại phân nào dùng loại ấy, điển hình là thường dùng quá nhiều phân đạm, vì bón đạm thấy lúa xanh non "mát mắt" hoặc nếu có sử dụng phân tổng hợp thì chủ yếu là phân NPK thông thường có ba thành phần dinh dưỡng đạm, lân, kali, thiếu hẳn các chất dinh dưỡng trong vi lượng.

Vụ mùa 2010, Hội Nông dân huyện Định Hóa phối hợp với Cty CP Phân bón Văn Điển thực nghiệm mô hình bón phân đa yếu tố NPK Văn Điển tại hai xã Bộc Nhiêu và Bảo Cường. Phân bón Văn Điển là loại phân bón đa chất, ngoài ba chất dinh dưỡng đa lượng là đạm, lân, kali (NPK) còn có các chất trung lượng là vôi, Mg, Si, S và 6 chất vi lượng là Zn, Bo, Fe, Mangan, Coban, Cu.

Trong đó, loại phân bón lót bà con nông dân sử dụng là NPK 6.11.2 có các chất dinh dưỡng (N 6%, P 11%, K 2%, Ca 20% , Mg 10%, SiO2 15%, S 2% và các chất vi lượng Zn, Fe, Mn, Co, Cu tổng dinh dưỡng là 74%).

Loại phân bón thúc là NPK 16.5.17 có các chất dinh dưỡng (N 16%, P 5%, K 17%, Ca 8%, Mg 5%, SiO2 7%, S 2% và các chất vi lượng Zn, Fe, Mn, Co, Cu tổng dinh dưỡng là 60%).

Thực nghiệm bón phân đa yếu tố NPK Văn Điển tại hai xã, mỗi xã có diện tích là 0,5 ha. Mô hình tại xã Bộc Nhiêu canh tác giống lúa Bao Thai, tất cả các biện pháp kỹ thuật canh tác đều như nhau chỉ khác là loại phân và liều lượng phân sử dụng. Bón lót trước cấy 550 kg/ha (20 kg/sào 360 m2) NPK 6.11.2 và bón thúc 220 kg/ha (8 kg/sào) NPK 16.5.17.

Còn nền phân đối chứng của 4 hộ nông dân là 190 kg/ha ure (7 kg/sào) + 420 kg supe lân (15 kg/sào + 85 kg kali (3 kg/sào). So sánh về cơ cấu các yếu tố dinh dưỡng thì nền phân bón Văn Điển hơn hẳn nền đối chứng là vôi 127 kg, Si 92 kg, Mg 67 kg, S 13,8 kg/ha cùng các chất vi lượng. So sánh giá trị đầu tư phân bón thì hai công thức tương đương nhau.

Kết quả thu hoạch, ruộng bón phân Văn Điển cho năng suất 59,6 tạ thóc/ha, ruộng đối chứng bình quân của 4 hộ nông dân 50,7 tạ thóc/ha. Như vậy ruộng bón phân Văn Điển cao hơn ruộng đối chứng 890 kg thóc/ha (27,8 kg/sào) tăng 15%.

Vụ xuân 2011, Hội Nông dân huyện Định Hóa tiếp tục thực nghiệm phân bón Văn Điển cho lúa lai tại xã Điềm Mạc diện tích 0,5 ha cho kết quả nền bón phân Văn Điển cho năng suất cao hơn nền đối chứng 19%, không phải dùng thuốc BVTV.
Từ 3 mô hình thực nghiệm bón phân Văn Điển nêu trên các cấp Hội Nông dân huyện Định Hóa phối hợp với Cty CP Phân bón Văn Điển tập huấn chuyển giao KHKT sử dụng phân bón Văn Điển thâm canh lúa của địa phương. Hàng vạn hội viên nông dân đã ứng dụng kết quả thực nghiệm phân bón Văn Điển mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Bà Hà Thị Huấn, thôn Trú 4, xã Bộc Nhiêu cho biết: "Gia đình tôi có 2 sào lúa nằm trong vùng thực nghiệm bón phân Văn Điển, còn lại 3 sào ngoài vùng thực nghiệm bón phân đơn tôi thấy cây lúa được bón phân Văn Điển phát triển cân đối, cứng cây dầy lá cả vụ không phải phun thuốc sâu, lúa không đổ non, bông chùng ít lép vỏ hạt vàng sáng.

Năng suất thực thu 225 kg/sào, 3 sào lúa còn lại ngoài vùng thực nghiệm cây yếu lá mỏng, giàn lúa không đồng đều, phải đánh 2 lượt thuốc trừ sâu cuốn lá, khô vằn; năng suất chỉ đạt 161 kg/sào. Tỷ lệ gạo xay xát thấp".

Mô hình 2 thực hiện tại xã Bảo Cường cũng canh tác giống lúa Bao Thai. Nền phân Văn Điển vẫn sử dụng 2 loại phân nêu trên. Bón lót 690 kg (25 kg/sào), NPK 6.11.2 và bón thúc 280 kg (10 kg/sào) NPK 16.5.17. Còn nền đối chứng bón 190 kg ure (7 kg/sào) + 550 kg supe lân (20 kg/sào) + 85 kg kali (3 kg/sào).

Về giá trị đầu tư phân bón giữa hai nền tương đương nhau. So sánh về cơ cấu các yếu tố dinh dưỡng thì nền phân Văn Điển hơn đối chứng 133 kg vôi, 70,3 kg Mg, 96,6 kg Si, 14,5 kg S/ha. Các kỹ thuật canh tác khác đều giống nhau.

Kết quả thu hoạch nền trình diễn phân bón Văn Điển cho năng suất 61,3 tạ thóc/ha. Còn nền phân đối chứng của bình quân 6 hộ nông dân đạt 55,7 tạ thóc/ha thấp hơn nền bón phân Văn Điển 560 kg thóc /ha (20 kg/sào).

Cuối tháng 10/2010, hội nghị tham quan đầu bờ mô hình bón phân Văn Điển được tổ chức tại xã Bảo Cường, ông Lương Văn Lành - Bí thư Huyện ủy Định Hóa trực tiếp lội ruộng ngắt hàng chục bông lúa Bao Thai từ ruộng bón phân Văn Điển và ruộng đối chứng so sánh và nhận xét: "Lúa được bón phân Văn Điển hạt thóc vàng sáng hơn, giàn lúa cao hơn đối chứng 10 - 15 cm, tỷ lệ lép thấp hơn đối chứng 6%, rất ít sâu bệnh, giàn lúa đồng đều không đổ non, số hạt trên bông cao, cho năng suất cao hơn đối chứng khoảng 15%, chất lượng gạo tốt hơn. Phân bón Văn Điển phù hợp với đồng ruộng của Định Hóa".

Các đại biểu đến tham dự hội nghị đầu bờ thống nhất đánh giá phân bón Văn Điển đã giải quyết cơ bản 3 trở ngại lớn trong canh tác lúa đặc sản của Định Hóa là giảm thiểu sâu bệnh gây hại, ít dùng thuốc BVTV, hạn chế lúa đổ non nâng cao năng suất và chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu SX lúa hàng hóa đặc sản mang thương hiệu "Bao Thai Định Hóa".

Khuyến cáo sử dụng cho lúa vụ mùa: Mức bón (kg/sào 360 m2)

Giống lúa

Bón lót

Bón thúc đẻ nhánh

Lúa đặc sản Bao Thai

200 - 300 kg phân chuồng + 20 - 25 kg NPK 6.11.2 hoặc 20 - 25 kg NPK 5.10.3

8 - 10 kg NPK 16.5.17 bón sau cấy 10 - 15 ngày

Lúa thuần

200 - 300 kg phân chuồng + 20 - 25 kg NPK 6.11.2 hoặc 20 - 25 kg NPK 5.10.3

10 - 12 kg NPK 16.5.17 bón sau cấy 7 - 10 ngày

Lúa lai (Tạp giao)

200 - 300 kg phân chuồng + 20 - 25 kg NPK 6.11.2 hoặc 20 - 25 kg NPK 5.10.3

12 - 14 kg NPK 16.5.17 bón sau cấy 7 - 10 ngày

Lưu ý: Phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển hơn hẳn các loại phân bón NPK thông thường ở chỗ có đủ 13 chất dinh dưỡng như đã nêu ở trên. Sử dụng NPK Văn Điển tức là cùng một lúc bón đủ 13 chất dinh dưỡng, cây lúa đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng nên cây khỏe, phát triển cân đối, bộ rễ ăn sâu chống sâu bệnh, chống đổ ngã tốt.

Phân bón Văn Điển chứa 15% chất Si giúp cho cây lúa chống lại các đối tượng sâu bệnh gây hại, chất Mg 10% làm cho lúa tăng cường quang hợp tạo năng suất cao, chất vôi từ 15 - 20% khử chua, khử độc do gốc rơm rạ phân hủy bảo vệ an toàn cho bộ rễ lúa sau cấy, bén rễ hồi xanh nhanh hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng, các chất vi lượng tổng hợp các vitamin, muối khoáng hòa tan nâng cao hương vị và chất lượng gạo. Bón phân NPK Văn Điển bà con nông dân không phải bón thêm bất ký loại phân nào khác.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.