| Hotline: 0983.970.780

Phân bón khó khăn chồng chất

Thứ Sáu 03/04/2015 , 09:22 (GMT+7)

Chính sách thuế VAT mới cùng giá điện tăng 7,8%, giá cước vận tải cả đường sắt, đường bộ, đường thủy đều tăng, trong khi giá nông sản thấp cộng giá than quá cao đang khiến các DN SX phân bón khó khăn.

Gồng mình chống đỡ

Như NNVN đã phản ánh, bắt đầu từ 1/1/2015, Luật thuế mới chính thức có hiệu lực, trong đó quy định phân bón là mặt hàng không thuộc diện phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT).

Điều đó, đồng nghĩa với việc các DN SX phân bón không được hoàn thuế đầu vào như trước đây, bởi không còn phải chịu thuế đầu ra nữa.

Tuy nhiên, trước đây do phần lớn thuế đầu vào đều cao hơn thuế đầu ra (6 - 15%) nên mỗi năm các DN SX phân bón sau khi cân đối sẽ được hoàn một khoản tiền thuế khá lớn từ vài chục cho tới cả trăm tỷ đồng/năm.

Hiện các DN phân bón đã có công văn kiến nghị lên Chính phủ xem xét về việc áp dụng chính sách thuế mới này, nhưng xem ra vô cùng khó khăn và bế tắc.

Trong khi chính sách thuế vẫn đang phải nghe ngóng, chờ Nhà nước xem xét thì trong tháng 3/2015, Tập đoàn Điên lực VN (EVN) chính thức thông báo giá điện tăng 7,8%/năm nên các DN SX phân bón vốn đã khó khăn lại càng chật vật hơn.

Theo lãnh đạo Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển (VAFDCO), với mặt bằng giá điện mới, mỗi năm VAFDCO tăng thêm chi phí điện 1 - 2 tỷ đồng, cộng với khoản thuế được hoàn hàng năm khoảng 15 tỷ đồng không còn nữa, chưa kể giá cước vận tải đường sắt bắt đầu tăng từ tháng 4/2015 nên kế hoạch lợi nhuận năm nay của Cty có thể không đạt cao.

Cũng trong tâm trạng lo lắng với chính sách thuế mới cộng việc giá điện tăng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Phân lân Ninh Bình (NIFERCO) Phạm Mạnh Ninh chia sẻ, việc giá điện tăng cũng có ảnh hưởng tới lợi nhuận của DN, song không quá lớn, chỉ vào khoảng 1 - 1,5 tỷ/năm.

Điều mà ông Ninh lo nhất hiện nay vẫn là chính sách thuế VAT mới khiến mỗi năm DN của ông mất luôn khoản tiền hoàn thuế tới 15 tỷ đồng.

Và với mục tiêu lợi nhuận kinh doanh năm 2015 là 45 tỷ đồng (bằng 2014), trong khi khoản tiền 15 tỷ hoàn thuế hàng năm không còn nữa đang là một gánh nặng rất lớn tới HĐQT và Ban Giám đốc của Cty.

Cũng cùng chung quan điểm với các DN trên, lãnh đạo Cty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Cty CP DAP VINACHEM (Hải Phòng) cho rằng, 2015 được Chính phủ coi là năm hỗ trợ DN, nhưng hiện các chính sách thuế, giá điện, vận tải và đặc biệt là giá than gần như không có sự ưu đãi nào với các DN SX phân bón.

Trong khi đây là những đơn vị tạo công ăn việc làm rất lớn, làm gia tăng giá trị tài nguyên và đóng góp cho ngân sách nhà nước không hề nhỏ mỗi năm.

Giải cứu đạm Ninh Bình

Tuy nhiên, khó khăn của các DN SX phân bón trên chưa thấm vào đâu so với Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Giám đốc Đạm Ninh Bình cho biết, đạm Ninh Bình đang đứng trước núi khó khăn bởi theo tính toán, từ khi tiếp nhận tạm thời quyền vận hành nhà máy (tháng 9/2012) đến hết tháng 10/2014, Đạm Ninh Bình đã lỗ khoảng 1.444 tỷ đồng và không còn đủ kinh phí để tiếp tục các hoạt động SXKD.

Nguyên nhân chính là do giá ure hiện quá thấp, chỉ vào khoảng 7.200 - 7.600 đồng/kg, trong khi giá thành SX của Đạm Ninh Bình hiện lên tới 8.100 - 8.200 đồng/kg.


Đạm Ninh Bình đang rất cần được Chính phủ giải cứu

Bên cạnh đó, do Dự án bị chậm tiến độ, thiết bị trong dây chuyền công nghệ chưa ổn định trong quá trình chạy ban đầu dẫn đến chi phí SX lại càng cao hơn. Đặc biệt, giá than liên tục tăng là một trong những khó khăn hàng đầu mà đạm Ninh Bình đang phải “bù đầu” đối mặt.

Trước thực tế nguy cấp này, đầu năm 2015 Bộ Công thương đã có Công văn số 1014/BCT-HC gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho Đạm Ninh Bình, nhất là về giá than.

Xét đề nghị của Bộ Công thương, ngày 27/2/2015, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1382/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhằm tháo gỡ những khó khăn cho Đạm Ninh Bình.

Trong Công văn có nêu rõ, về giá than cám 5aHG bán cho SX điện trong nhà máy SX phân bón của công ty: Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng như quy định về giá bán than cho các đơn vị SX điện hiện hành.

Về giá than cám 4aHG bán cho SX phân bón, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hiệp thương giá theo quy định của Luật giá.

Được biết, tới đây, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Vinachem, Vinacomin và các bên liên quan sẽ cùng ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung, vừa giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho DN, vừa đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.

Nhưng theo Phó TGĐ Đạm Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Minh, cái khó nhất với Đạm Ninh Bình hiện nay vẫn là giá than nguyên liệu (4aHG). Bởi than nguyên liệu là yếu tố chính để SX đạm từ than và quyết định tới 60% giá thành đạm.

Trong khi đó, giá bán than nguyên liệu của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) liên tục tăng tới 4 lần từ 2012 đến nay.

Theo Quyết định số 2832/QĐ-TKV ngày 31/12/2014 của Vinacomin thì từ 1/1/2015, giá than cám 4aHG (chưa VAT) của Vinacomin là 2 triệu đồng/tấn. Trước biểu giá này, phía Đạm Ninh Bình cho biết, so với giá than được tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án, giá than hiện nay đã tăng khoảng 270%, trong khi giá phân đạm không tăng nhiều, thậm chí đang giảm theo giá dầu thế giới.

Chính vì thế, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Cty mẹ của Đạm Ninh Bình đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bán than cám 4aHG cho SX phân bón từ nay đến hết năm 2020 với mức giá 1.795.281 đống/tấn (chưa VAT) để tháo gỡ khó khăn cho Đạm Ninh Bình.

Tuy nhiên, việc cố định giá bán than (như đề nghị của Vinachem và Đạm Ninh Bình) trong thời gian dài là khó khăn bởi giá bán than cũng đang dần theo giá thị trường. Nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, lại là các DN trong nước, có thể xem xét hỗ trợ giá bán than cám 4aHG cho Đạm Ninh Bình trong thời nhất định nhằm tháo gỡ một phần gánh nặng quá lớn cho DN.

Phía Vinacomin thì cho rằng, việc khai thác than hiện nay ngày càng khó khăn do khai thác ở độ sâu ngày càng lớn, chi phí tăng cao, do đó Vinacomin cũng đề nghị giá than nguyên liệu cho SX phân bón của đạm Ninh Bình theo cơ chế giá thị trường và theo Luật giá?

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.

Bình luận mới nhất