| Hotline: 0983.970.780

Phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi

Thứ Hai 08/12/2014 , 08:56 (GMT+7)

Sau đây là đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường phân cấp để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác CTTL.

Trong thời gian qua, chính sách phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi (CTTL) đã được triển khai thực hiện tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Mặc dù còn những hạn chế nhất định, nhưng việc thực hiện chính sách phân cấp quản lý, khai thác CTTL ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Sau đây là đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường phân cấp để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác CTTL.

Kết quả thực hiện phân cấp quản lý, KTCTTL

Các quy định về phân cấp quản lý, khai thác CTTL: Phân cấp quản lý, khai thác CTTL là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ CTTL.

Phân cấp để phát huy được vai trò của các bên liên quan, đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở và sự tham gia của người hưởng lợi tham gia quản lý, khai thác, đảm bảo công trình có chủ quản lý thực sự, qua đó nâng cao hiệu quả CTTL.

Vì vậy, nội dung về phân cấp quản lý, khai thác CTTL đã được quy định trong các Văn bản quy phạm pháp luật ngành thủy lợi, bao gồm: Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ CTTL (2001), Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ và Thông tư số 65/2009/TT-NNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ NN-PTNT. Các nội dung hướng dẫn phân cấp quản lý, khai thác CTTL được cụ thể hóa, chi tiết trong Thông tư 65.

Kết quả triển khai tại các địa phương: Sau 5 năm thực hiện Thông tư 65, đã có 39/63 địa phương trên toàn quốc (62%) thực hiện phân cấp theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Trong đó, có 14 tỉnh xây dựng mới quy định về phân cấp, 14 tỉnh điều chỉnh quyết định cũ cho phù hợp với hướng dẫn, 11 tỉnh rà soát, đánh giá quy định đang thực hiện đã phù hợp với hướng dẫn của Bộ.

Một số địa phương do đặc thù hệ thống CTTL (các tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long) hoặc do lịch sử, tập quán trong quản lý, khai thác CTTL phục vụ SX nông nghiệp nên vẫn giữ nguyên hình thức quản lý, khai thác CTTL.

Kết quả thực hiện phân cấp quản lý, khai thác CTTL theo Thông tư 65

TT

Tỉnh, TP

Tổng số

Trong đó

Phù hợp Thông tư 65, không sửa QĐ

Đã sửa theo Thông tư 65

Xây dựng mới theo Thông tư 65

 

Cả nước

39

11

14

14

 1

Miền núi phía Bắc

10

2

4

4

 2

Đồng bằng sông Hồng

8

1

2

5

 3

Bắc Trung bộ

4

2

-

2

 4

Duyên hải Nam Trung bộ

4

1

3

-

 5

Tây Nguyên

3

1

1

1

 6

Đông Nam bộ

4

1

2

1

 7

Đồng bằng sông Cửu Long

6

3

2

1

Phân cấp quản lý, khai thác CTTL theo quy mô phục vụ: Đa số các tỉnh đều phân cấp quản lý công trình theo quy mô như sau: Đối với công trình có quy mô phục vụ liên huyện và tỉnh, các doanh nghiệp khai thác CTTL, Ban Quản lý thuỷ nông tỉnh là đơn vị trực tiếp quản lý công trình.

Đối với các công trình quy mô phục vụ cấp huyện, việc quản lý, khai thác được phân cấp cho đơn vị sự nghiệp trong tỉnh (Trung tâm, Ban, Cụm, Trạm) hoặc hoặc kiện  toàn và giao cho các Tổ chức Hợp tác dùng nước (HTDN) để quản lý. Các công trình có quy mô phục vụ trong phạm vi xã, việc quản lý, khai thác được phân cấp cho các Tổ chức HTDN, một số nơi giao cho cá nhân quản lý kênh nội đồng, trạm bơm nhỏ.

Số lượng công trình được phân cấp quản lý theo công trình: Theo kết quả tổng hợp từ số liệu báo cáo của địa phương, đến nay số lượng công trình được phân cấp quản lý, khai thác bao gồm 3.191 hồ chứa; 11.499  đập dâng; 7.036 trạm bơm điện; 4.068 cống các loại và hàng chục ngàn tuyến kênh các loại.

Hầu hết việc phân cấp quản lý CTTL của các tỉnh đều căn cứ theo tiêu chí của Thông tư 65. Tuy nhiên, do những đặc thù về điều kiện tự nhiên và trình độ quản lý, một số địa phương thực hiện phân cấp theo tiêu chí có sự khác biệt (thấp hơn) so với quy định cho phù hợp với thực tế.

Về hồ chứa và đập dâng: Việc quản lý, khai thác các hồ chứa, đập dâng ở một số địa phương chưa thực hiện phân cấp như hướng dẫn tại Thông tư 65.

Tại Yên Bái, do trình độ năng lực của các Tổ chức HTDN tại các huyện còn yếu, nên Công ty Thủy nông Nghĩa Văn được tỉnh giao quản lý công trình hồ chứa dung tích lớn nhất 0,3 triệu mét khối và cao đập có chiều cao từ 6m.

Tỉnh Thái Nguyên, ngoài quy định về dung tích, chiều cao đập, còn quy định tiêu chí phân cấp theo diện tích tưới. Hiện nay Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL tỉnh đang quản lý hồ có dung tích 20 nghìn m3, đập có chiều cao từ 4,5m.

Tại tỉnh Đắk Nông, do các xã hầu hết không có cán bộ thủy lợi, nhận thức của người dân còn thấp nên từ năm 2014, tỉnh có chủ trương phân giao toàn bộ công trình được đầu tư từ ngân sách nhà nước về Công ty quản lý.

Tỉnh Kon Tum, ngoài việc quy định tiêu chí phân cấp của hệ thống còn thêm quy định công trình phân cấp phải trên cùng một hệ thống công trình có khu tưới liên hoàn. Do đó, Ban Quản lý thuỷ nông tỉnh đang quản lý tới hồ chứa có dung tích 5 nghìn m3, đập cao 6m.

Về trạm bơm điện: Hầu hết các tỉnh đều phân cấp cho các Công ty quản lý các trạm bơm phục vụ cho diện tích từ 100 ha. Tuy nhiên, tại một số hệ thống lớn tại các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các trạm bơm điện được phân cấp cho Công ty có diện tích phục vụ lớn hơn, từ 150 - 200 ha.

Đánh giá kết quả thực hiện

Thực hiện chính sách phân cấp quản lý CTTL, nhiều tỉnh, thành (Thái Bình, Hải Phòng, Đồng Nai, Cao Bằng) đã đi đầu và mạnh dạn phân cấp, bàn giao các CTTL trước đây doanh nghiệp hay tổ chức nhà nước quản lý cho Tổ chức HTDN.

Đối với các tỉnh như Tuyên Quang, Lào Cai có truyền thống phân cấp quản lý, khai thác CTTL từ trước, công tác quản lý, khai thác CTTL ngày càng nền nếp, ổn định hơn. Hiệu quả công trình ngày càng được nâng lên, đáp ứng đủ nhu cầu nước cho SX và dân sinh.

Một số tỉnh đã hoàn thành phân cấp theo Thông tư 65 sớm như Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Hà Nam… đều khẳng định rằng công trình được giao cho Tổ chức HTDN tuy chưa có nhiều chuyển biến rõ nét về chất lượng, nhưng vẫn đảm bảo phục vụ diện tích gieo trồng hàng năm.

Một số tồn tại

Một số tỉnh chưa thực hiện phân cấp quản lý, khai thác CTTL bao gồm Bình Phước, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng. CTTL ở các tỉnh này chủ yếu do công ty thủy nông, một số ít công trình đơn giản, phạm vi phục vụ nhỏ do các doanh nghiệp hoặc các đơn vị sự nghiệp quản lý. Do tính đặc thù, các tổ chức HTDN ít hoặc không tham gia quản lý CTTL.

Một số tỉnh thực tế có phân cấp nhưng chưa ban hành quyết định cụ thể như Phú Thọ, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lâm Đồng. Các địa phương này có giao công trình cho nhiều đối tượng quản lý, nhưng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, không chính thức. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí, nhiều công trình lại chuyển giao về các doanh nghiệp khai thác.

Việc chuyển giao công trình và củng cố Tổ chức HTDN vẫn mang tính hình thức để phù hợp với chính sách mới. Trên thực  tế các công trình do tổ chức thủy nông cơ sở quản lý đều là công trình có quy mô phục vụ trong phạm vi 01 xã, kỹ thuật quản lý vận hành đơn giản, hoặc công trình do dân tự đầu tư xây dựng.

Một số tỉnh trước đây đã phân cấp quản lý công trình nhưng hiện nay chưa thực hiện rà soát, điều chỉnh theo quy định của Thông tư số 65 (Hà Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đăk Lăk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau). Hầu hết các tỉnh phân cấp công trình có quy mô phục vụ trong phạm vi xã, công trình có kỹ thuật vận hành quản lý đơn giản, gắn với đặc thù địa phương.

Một số giải pháp tăng cường phân cấp quản lý, khai thác CTTL

Hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý, khai thác CTTL đặc biệt là chính sách về tài chính bền vững cho các tổ chức quản lý khai thác nhất là cho Tổ chức HTDN.

Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 65: Xem xét tiêu chí phân cấp công trình theo hướng giảm quy mô, đặc biệt các tiêu chí về đập dâng, hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn. Bổ sung hướng dẫn chi tiết các nội dung, trình tự thực hiện phân cấp để địa phương dễ triển khai.

Đối với việc xác định cống đầu kênh, cần giảm quy mô cống đầu kênh đối với công trình vùng miền núi và đồng bằng sông Cửu Long, bổ sung hướng dẫn cách xác định vị trí cống đầu kênh, hướng dẫn chuyển giao kênh liên xã cho tổ chức HTDN.

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 75/2004/TT-BNN ngày 20/12/2004 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn việc thành lập, củng cố và phát triển tổ chức HTDN: Tổ chức HTDN hoạt động hiệu quả, bền vững là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển giao phân cấp quản lý công trình.

Tuy nhiên, Thông tư số 75/2004/TT-BNN ngày 20/12/2004 đã ban hành được 10 năm, đến nay có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế, do vậy, cần xây dựng văn bản mới thay thế.

Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực quản lý, khai thác cho cán bộ, nhân viên ở địa phương, trọng tâm là cấp huyện, xã trực tiếp tham gia quản lý, khai thác CTTL.

Kiện toàn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước thủy lợi ở các cấp để tăng cường năng lực thực thi các quy định về quản lý, khai thác CTTL trong đó có phân cấp.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.