| Hotline: 0983.970.780

Phận đời hiu hắt của mẹ già 90 tuổi chăm sóc 2 con tâm thần

Thứ Bảy 10/03/2018 , 08:01 (GMT+7)

Ở tuổi 90 nhưng cụ Lê Thị Nhị ở thôn Đọi Nhì, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam chưa bao giờ được ngủ ngon giấc bởi lo cho 2 người con mắc bệnh tâm thần từ nhỏ.

Chưa bao giờ hết khổ

“Hoàn cảnh nhà cụ Nhị ở đây ai cũng thương cảm, bao nhiêu năm qua nghèo đói vẫn nghèo đói, đến miếng cơm manh áo bà con cũng phải quyên góp ủng hộ cho gia đình”. Đó là đôi lời chia sẻ của ông Lê Văn Đắc, trưởng thôn Đọi Nhì.

13-48-16_2-nguoi-con-cu-cu-nhi-hu-nhu-khong-the-tu-lo-cho-bn-thn-deu-phi-mot-ty-do-me-gi-chm-soc
Cụ Nhị chăm sóc cho con gái

Nắm chặt 2 bàn tay, hướng mắt về phía người phụ nữ trung niên đang bần thần ngồi nép mình vào góc nhà, cụ Nhị buồn rầu: “Nó là con Nụ, năm nay cũng 57 tuổi rồi, em nó bị như thế từ nhỏ, chẳng nói chẳng rằng, chẳng biết làm gì cả”. Rồi chỉ tay về phía người đàn ông đang lảm nhảm nói cười hềnh hệch ngây dại 1 mình, cụ Nhị ứa nước mắt: “Đây là thằng Thắng, cũng 46 tuổi rồi, nó cũng bị bệnh tâm thần từ bé, suốt ngày nói nhảm rồi đi lang thang, phá phách các quán bán đồ của làng xóm, đói thì về, trông nom nó cực lắm”.

Nhớ về cuộc đời cơ cực của mình, cụ già đã gần 90 tuổi đưa bàn tay nhăn nheo quệt nước mắt, rồi tiếp tục câu chuyện. Hai cụ sinh hạ 7 người con, vì nhà đông con nên thường xuyên thiếu đói, các con lại chẳng được học hành đầy đủ. Hai người thì mắc bệnh tâm thần từ nhỏ, 5 người con khác cũng nghèo khó chẳng thể đỡ đần cha mẹ. Năm 2015, người con trai cả của cụ là Bùi Văn Đáng cũng phát bệnh tâm thần nặng, hiện giờ vợ con phải nhốt trong nhà.

Hơn nửa thế kỷ chăm sóc cho 2 đứa con tội nghiệp, người đàn ông đầu ấp tay gối của cụ đồng hành với cụ đến năm 2004 thì bỏ mẹ con cụ ra đi. Giờ đây chỉ còn mình cụ, mắt đã mờ, lưng thì còng rạp, chân đau mỏi nhưng cụ chẳng thể nghỉ ngơi. Bởi “bọn nó chẳng chịu ai, chỉ tôi mới chăm được chúng thôi! Tôi còn sống ngày nào thì lo cho chúng nó ngày đấy”.

Đưa mắt nhìn khắp ngôi nhà trống hoác, xiêu vẹo tôi không khỏi lo ngại cho mẹ con cụ. Như hiểu ý chúng tôi, cụ Nhị bảo: “Căn nhà này đã mục nát lắm rồi, trời mưa thì trong nhà cũng như ngoài sân, năm kia cái bếp cũng đã sập nên phải mang luôn vào trong nhà để nấu. Cái buồng thì bị sập một bức bao năm qua chưa xây được mà chỉ kê gạch tạm để đó. Những lúc trời mưa bão là phải nhờ người bắt 2 đứa kia đi nơi khác, vì sợ nhà sập lúc nào không biết được”.

13-48-16_2-nguoi-con-tm-thn-cu-cu-nhi-khong-the-tu-lo-ve-sinh-c-nhn-cho-bn-thn-nen-moi-sinh-hot-deu-phi-nho-vo-bn-ty-cu-me-gi-chm-soc
Cụ Nhị chăm sóc cho con trai

Anh Thắng bỗng khoa chân múa tay kêu đói. Mớ dải khoai ngứa vẫn chưa nhặt xong, cụ Nhị vội vàng xúc tạm bát cơm nguội, rắc lên vài hạt muối trắng. Nhìn các con ăn, từ trong hốc mắt sâu thẳm của người mẹ già chắt ra hai giọt nước lăn nhanh trên đôi gò má teo tóp. Cụ đã khóc, nhưng không còn nước mắt để rơi, bởi lẽ cuộc đời quá ư bất hạnh đã lấy đi hết mọi thứ của cụ, đến cả những giọt nước mắt cuối cùng.
 

Ước có được bữa cơm đầy đủ cá, thịt

Chừng 10 giờ sáng, với chiếc lưng còng gần sát đất, cụ Nhị khệ nệ xách giỏ rau đi bán. Theo chân cụ khoảng 500 mét, chúng tôi ghé khu chợ của xã Đọi Sơn. Nghe hỏi cụ Nhị, tiểu thương khắp chợ đều xúm lại kể về cảnh bần hàn của cụ.

Nói là hàng rau cho oai chứ thực chất chỉ lèo tèo vài ba thức rau đơn giản như cải bắp, hành ngò, cà chua, và dăm cân chanh, ớt… Gần 10 năm nay, dù tuổi ngày một cao, sức khỏe ngày một yếu nhưng cụ Nhị luôn là người đến chợ sớm nhất và ra về muộn nhất. Gánh rau của cụ mỗi ngày chỉ bán vỏn vẹn được chừng 20.000 đồng và chủ yếu là người ta thương tình nên mua giúp.

13-48-16_cn-nh-toi-tn-m-moc-cu-3-me-con-nh-cu-le-thi-nhi
Ngôi nhà cũ kĩ của cụ Nhị

Tuy cuộc sống khổ cực là vậy nhưng khi chúng tôi hỏi về ước mơ của mình, cụ Nhị chỉ có vỏn vẹn một điều ước: "Tôi già rồi, chân đi không nổi nữa. Còn ráng đi bán được ngày nào thì ráng. Tôi chỉ lo mình chết thì hai đứa con bệnh tật không ai chăm sóc. Tội nghiệp, chúng nó ngày nào cũng phải ăn cơm với nước mắm và rau hết. Nếu nếu có điều ước thật, tôi chỉ cầu mong cho gia đình có được bữa cơm có đầy đủ cá thịt, để các con tôi được ăn ngon những ngày cuối đời…".

13-48-16_cu-nhi-chi-uoc-co-duoc-bu-com-co-dy-du-thit-c-cho-2-con-tm-thn-nhung-duong-nhu-dieu-uoc-do-chi-l-qu-x-voi
Bữa cơm với muối trắng

Hoàn cảnh của cụ Nhị rất mong nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về cụ Lê Thị Nhị, ở thôn Đọi Nhì, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; hoặc Tuần san Kiến thức gia đình (số 14 Ngô Quyền, Hà Nội, ĐT: 024.38256492 - 0983.970780), chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

(Kiến thức gia đình số 10)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm