| Hotline: 0983.970.780

Phận đời lận đận của nữ hoàng bơi lội một thời

Chủ Nhật 11/03/2018 , 14:40 (GMT+7)

“Sải rộng ra!”, “chân đạp dứt khoát lên!”… người phụ nữ có vóc dáng cao cao vừa hô hào, động viên vừa dõi ánh mắt đầy nếp nhăn, cương nghị về phía các vận động viên khuyết tật đang lặn ngụp dưới làn nước.

Các học viên bơi đến đâu, chị lại đi dọc trên bờ đến đấy dùng cánh tay còn lành lặn của mình chỉ bảo từng động tác, hướng dẫn chi tiết các kỹ thuật.
 

I. Người phụ nữ đang ngày đêm truyền lửa cho các vận động viên tại Khu thể thao dành cho người khuyết tật tại số 1B Lê Hồng Phong, Hà Nội là kiện tướng Trần Nguyên Thái (SN 1966). Trong sự nghiệp của mình, chị Thái đã vô địch nhiều kỳ Paragame, các giải thi điền kinh và từng phá kỷ lục thế giới nội dung bơi 200m.

09-04-05_nh-1
Trần Nguyên Thái rước đuốc tại Paragame 21

Kết thúc buổi huấn luyện, chị Thái một mình lặng lẽ lên xe buýt trở về căn nhà nhỏ trên phố Lê Quý Đôn. Căn phòng chỉ rộng chừng 15m2, tối tăm, ẩm thấp, treo đầy những tấm ảnh, huân huy chương, bằng cấp, giấy khen… Chỉ tay vào những tấm huy chương treo trên tường, chị Thái nói: “Đây là động lực tinh thần để mình cố gắng. Quả thực chúng cũng chỉ có ý nghĩa tinh thần thôi vì chẳng giúp gì được mình trong cuộc sống hiện tại cả”.

Sinh ra với một thân thể hoàn toàn bình thường khỏe mạnh, đến 2 tháng tuổi, ngọn lửa oan nghiệt đã cướp đi một bàn tay và một phần diện mạo của chị. Từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài giờ học, chị Thái phải đi mò cua bắt ốc tại đầm Định Công gần nhà phụ giúp gia đình. Có những đoạn sâu nước đến tận cổ, muốn bắt được ốc, trai phải ngụp xuống nên dần dần chị quen nước, thích bơi lội.

Thích học bơi nhưng mặc cảm, tự ti nên chị Thái chỉ có cách học lỏm, mỗi khi thấy có thầy dạy bơi ở bể là đi vào gần nghe giảng và làm theo. Chị chỉ dám đi buổi sáng sớm, khi có rất ít người và môn ưa thích là bơi ếch để đôi tay không lên khỏi mặt nước.

Sau này, nhờ nhiều cơ duyên chị được giới thiệu vào đội tuyển bơi của người khuyết tật. Đến với sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp một cách tình cờ khi đã khá lớn tuổi nhưng chị vẫn đạt được nhiều thành công mà các vận động viên trẻ còn phải mơ ước.

“Khi ấy tôi chỉ suy nghĩ đơn giản lắm, vào đội bơi thì được đi bơi không mất tiền, đỡ tốn 300, 500 đồng, thế thôi là thích lắm rồi…”, chị Thái chia sẻ.

Từ cuối thập niên 90 đến những năm 2000 là thời kỳ đỉnh cao vinh của Trần Nguyên Thái. Ngoài việc giành được nhiều thành tích trong sự nghiệp thể thao, chị Thái còn là vận động viên khuyết tật đầu tiên của Việt Nam được vào học tại Đại học Thể dục Thể thao.

09-04-05_nh-2
Những ngày “thống trị” đường đua xanh

Khép lại những ngày vàng son, chị Thái trở về cuộc sống đời thường với trăm ngàn mối lo toan. Chị lăn lộn đủ nghề từ bán sách báo cũ, cho đến hiện tại, chị làm công tác trợ giảng tại Khu thể thao dành cho người khuyết tật với mức lương chỉ “ráo mồ hôi” là hết.
 

II. Cuộc sống chật vật khó khăn là vậy nhưng đối với  Trần Nguyên Thái đó không phải vấn đề gì to tát. Chị vẫn thường cười nói: “Mình kiếm được bao nhiêu thì ăn tiêu bấy nhiêu thôi, chỉ hơi tiếc công sức trước đây đã phấn đấu mong trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp không thành”.

Từng ánh mắt, nụ cười, cử chỉ của chị Thái dù nói về cuộc đời nghiệt ngã, đau khổ nhưng vẫn sáng lên nghị lực phi thường.

Đang say sưa kể về những câu chuyện quá khứ, có gia đình gồm 2 bố mẹ dắt tay 1 đứa con nhỏ cầm cành đào đi ngang qua quán cà phê chúng tôi ngồi. Chị Thái bất giác dừng câu chuyện, lặng lẽ đưa mắt nhìn theo. Người phụ nữ can trường, mạnh mẽ bỗng chốc trở nên yếu đuối đến lạ. Trong ánh mắt của chị bây giờ chỉ còn niềm hạnh phúc đơn sơ mà người con gái nào cũng mong muốn… một gia đình nhỏ.

Có người từng hỏi nhiều vận động viên, người khuyết tật bị nặng hơn chị vẫn lập gia đình, sao chị vẫn một mình? Biết người hỏi có ý tốt, quan tâm đến mình nhưng mỗi lần nghe thấy chị vẫn cảm giác như bị đánh một đòn mạnh vào giữa lồng ngực. “Mỗi lần có người hỏi vậy mình chỉ cười và bảo có lẽ cái “duyên” chưa đến với mình thôi”, chị Thái ngậm ngùi nói.

Chị kể, khi nhận được thiệp mời cưới con của hàng xóm, họ hàng hay đồng nghiệp khiến chị cảm thấy chạnh lòng. Trong cuộc chuyện, nhiều người cứ nghĩ chị từng là vận động viên thành công phải có cuộc sống sung túc lắm. Thực chất chị vẫn phải chạy ăn từng bữa, một mình lẻ bóng đi về trong căn phòng cô quạnh.

09-04-05_nh-3
Trần Nguyên Thái hiện nay

Chị Thái chia sẻ, chơi thể thao là cách để vượt qua mặc cảm, chị ước mình trẻ ra thêm độ 10 tuổi vì tuổi nghề ngắn quá. Kết thúc sự nghiệp vận động viên, chị không thể trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp chính thức nhưng vẫn cố gắng làm công tác trợ giảng. Hàng ngày trao truyền những kinh nghiệm quý báu giúp đỡ biết bao cuộc đời vượt qua khó khăn, nhất định không đầu hàng số phận.

(Kiến thức gia đình số 10)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất