| Hotline: 0983.970.780

Phận nghèo chạy thận

Thứ Hai 05/07/2010 , 12:08 (GMT+7)

Mỗi tuần, bệnh nhân nào còn sức khỏe thì phải chạy thận nhân tạo 2 lần, người yếu hơn phải 3 lần chạy thận nhân tạo tại khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đà Nẵng.

Những bệnh nhân suy thận mãn đang chờ xin cháo từ thiện

Họ là những người nghèo, rất nghèo, cùng mang trong cơ thể mình một căn bệnh nan y mà tên gọi y học của nó là suy thận mãn tính. Mỗi tuần, bệnh nhân nào còn sức khỏe thì phải chạy thận nhân tạo 2 lần, người yếu hơn phải 3 lần chạy thận nhân tạo tại khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đà Nẵng.

 

Hành lang bệnh viện là nhà

Tôi có mặt ở hành lang của khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đà Nẵng khi trời vừa hửng sáng. Lúc này, nhiều bệnh nhân điều trị thận nhân tạo theo chu kỳ và người nhà của họ đã thức dậy để vừa thu dọn chỗ ngủ của mình để trả lại mặt bằng cho bệnh viện. Một mặt phải tranh thủ để xách cặp lồng xuống sân bệnh viện đứng chờ xin cháo từ những nồi cháo thiện để có cái ăn cho mình và người nhà mỗi buổi sáng…

Vừa dọn dẹp chăn màn trên hành lang bệnh viện, chị Hồ Thị Hường (SN 1966), quê ở xã Quế Xuân (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) vừa rơm rớm nước mắt kể với tôi rằng, cách đây 3 tháng, mẹ chị là bà Nguyễn Thị Cao (70 tuổi), lâm bệnh nặng, sau một thời gian chạy chữa ở quê nhà vẫn không có kết quả nên phải nhập viện để điều trị ở khoa Nội tiết niệu – Bệnh viện Đà Nẵng. Nằm ở khoa Nội tiết niệu được chừng hơn 1 tháng thì chuyển xuống chạy thận ở khoa Thận nhân tạo…Từ đó đến nay, hai mẹ con chị phải chọn một góc nhỏ trên hành lang bệnh viện để làm nơi trú ngụ.

Chị Hường cho biết thêm, mỗi buổi sáng chị phải dậy thật sớm để đi chờ xin cháo từ thiện mang về cho buổi ăn sáng của cả hai mẹ con. Buổi trưa, đôi lúc có một tổ chức hay cá nhân giàu lòng nhân ái nào đó đến bệnh viện cho cơm, bánh hoặc bánh mì thì mẹ con chị cũng đỡ được một phần chi phí. Buổi tối, thường là chị Hường phải đi ra trước cổng bệnh viện để mua cơm bụi, lúc thì chị ăn hết 10.000 đồng/bữa, nhưng những lúc giá cả đắt đỏ thì chị phải ăn đến…12.000 đồng; còn mẹ chị vì đâu yếu nên chỉ ăn chừng 5.000 đồng đến 7.000 đồng mỗi bữa mà thôi. Lúc nào khỏe thì bà Cao chạy thận 2 lần/tuần, nhưng lúc mệt thì phải chạy 3 lần/tuần. Lần đầu chạy thận nhân tạo phải đóng 1 triệu đồng, lần kế đến là 800.000 đồng, rồi 600.000 đồng và cuối cùng là 400.000 đồng/1 lần chạy thận.

Bà Cao là đối tượng có bảo hiểm y tế dạng hộ nghèo, vì vậy bà nằm trong diện bệnh nhân chạy thận phải đồng chi trả với bệnh viện 5% viện phí. Như vậy, mỗi lần chạy thận nhân tạo theo chu kỳ điều trị, bà Cao phải nộp 20.000 đồng. Số tiền này có thể đối với nhiều người là không quá lớn, nhưng với một gia cảnh quá mức khó nghèo như mẹ con bà Cao thì quả đây là một gánh nặng trên hành trình đi tìm sự sống.

Nằm cạnh mẹ con bà Cao trên hành lang bệnh viện này là mẹ con chị Nguyễn Thị Thi (SN 1960), quê ở xã Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Đã nhiều tháng qua, chị Thi phải bám trụ lại lới hành lang bệnh viện để nuôi con trai của mình là bệnh nhân suy thận mãn Nguyễn Văn Quang. Quang năm nay 28 tuổi, trước đây em cũng là một thanh niên rất mạnh khỏe, siêng năng làm lụng để phụ giúp cha mẹ vượt qua hoàn cảnh đời sống kinh tế khó khăn. Đang đi làm bình thường với bạn bè thì bổng dưng đỗ bệnh. Chị Thi đưa con ra Bệnh viện Đà Nẵng để chạy chữa tính đến nay đã gần nửa năm tròn.  

Chị Thi đang chăm sóc con trai trên hành lang bệnh viện

Mỗi tuần cứ đều đặn 3 lần Quang phải chạy thận nhân tạo. Bao nhiêu của cải trong gia đình cái gì có thể bán được là vợ chồng chị Thi đã bán để chữa bệnh cho con. Ấy vậy mà số phận oái oăm thay, Quang không những thuyên giảm bệnh tình mà còn mắc thêm chứng bệnh thần kinh sau bao ngày phải chạy thận nhân tạo. Ngày mới ra bệnh viện Đà Nẵng, Quang còn đi lui, đi tới một mình, còn giúp mẹ những việc lặt vặt mỗi khi sức khỏe được cải thiện. Bây giờ thì không, ngày nào em cũng phải sống nhờ vào bàn tay chăm sóc của mẹ, đôi khi lên cơn mất trí, Quang nhìn mẹ như một người nào đó rất xa xăm…

Chị Thi nghẹn ngào kể với tôi rằng: Bác sỹ ở đây cho phép tôi đưa cháu vào Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP. Hồ Chí Minh để làm xét nghiệm cho cháu để xác định vấn đề thần kinh, nghe vậy thì thấy lòng khấp khởi, nhưng khi người ta thông báo rằng mọi chi phí trong việc đi làm xét nghiệm này gia đình phải tự trang trải, vậy là thôi. Bây chừ, cứ nhắm mắt đưa chân theo số phận giữa cuộc đời, chạy thận cho Quang được thêm ngày nào tốt ngày đó…

Ngày mới vào bệnh viện, gia đình chị Thi phải chi trả viện phí quá nhiều, nay thì chị đã mua cho Quang được một suất bảo hiểm y tế tự nguyện, vậy là mỗi lần chạy thận nhân tạo, gia đình chị chỉ phải trả 20% viện phí. Mỗi ngày, ngoài những suất cơm, cháo từ thiện chị Thi đi xin được, hai mẹ con cũng phải chi phí cho cuộc sống chừng vài chục nghìn đồng…khó khăn cứ từng ngày chồng chất lên đôi vai hao gầy của chị, nhưng với tấm lòng bao dung vô bờ của một người làm mẹ, chị Thi nói rằng sẽ theo con cho đến lúc sức cùng lực tận thì thôi…

Vừa điều trị vừa bươn bả kiếm sống

Cùng hoàn cảnh phải sống nhờ vào hành lang bệnh viện như mẹ con chị Thi còn có cha con ông Phạm Phu (SN 1930), ở xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi; bà Trương Thị Phước (SN 1940), ở xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; ông Huỳnh Củng (SN 1945), ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi… Ông Phu là thương binh trong kháng chiến, bây giờ sinh sống bằng nghề nông, ông ra Đà Nẵng đã gần một năm nay để nuôi anh con trai 32 tuổi tên là Phạm Văn Chí bị suy thận mãn. Cha con cứ lay lắt ở hành lang bệnh viện như thế nuôi nhau mỗi tuần 3 lần chạy thận nhân tạo.

Ông Phu nói rằng: Phải sống vạ vật ở đây thôi chứ không thể đưa con ông về quê được, bởi lẽ cứ mỗi lần lên cơn đau là phải cấp cứu kịp thời. Giá của một lần chuyển bệnh nhân đi cấp cứu từ quê ông ra Đà Nẵng hiện nay có lấy giá hữu nghị lắm cũng đã một triệu rưỡi. Bà Phước ở hành lang bệnh viện này chỉ có một mình, bà tự lo liệu mọi chuyện từ ăn uống đến chữa bệnh. Bà bảo rằng, bà có hai người con nhưng cuộc sống vô cùng nghèo khó, chồng bà năm nay đã ngoài bảy mươi lăm tuổi, lại ốm đau nằm liệt giường nên hai người con phải thay nhau chăm sóc ông ở quê. Cuộc sống của bà hiện nay nhờ vào cộng đồng và những người xung quanh là chính.

Y tá trưởng Hồng Hoa đang chăm sóc bệnh nhân

Trao đổi với tôi ngay trên hành lang của khoa Thận nhân tạo, Y tá trưởng Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết thêm: Hiện nay khoa Thận nhân tạo có 156 bệnh nhân đang điều trị theo chu kỳ; số bệnh nhân lưu động khoảng 5-7 bệnh. Trong số đó có 30 bệnh nhân hiện đang phải đồng chi trả viện phí ở mức 20%; có 2 bệnh nhân phải đóng hoàn toàn viện phí; số còn lại phải đồng chi trả 5% viện phí. Do thời gian điều trị tại đây quá dài ngày, cho nên hầu hết bệnh nhân ở đây đều nằm trong diện nghèo khó.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Đa, Trưởng khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Đà Nẵng bày tỏ quan điểm: “Việc đồng chi trả viện phí bảo hiểm y tế là một chủ trương đúng, nó làm tăng tính trách nhiệm của người bệnh. Tuy nhiên, điều khó khăn là những bệnh nhân mãn tính lại có thời gian điều trị dài ngày, chi phí điều trị lớn. Vì vậy rất cần phải có một giải pháp dành riêng cho các bệnh nhân mãn tính, việc tiếp tục miễn phí cho những bệnh nhân này có lẽ sẽ phù hợp hơn”.

Em Trần Truyền Nhân, quê Quảng Ngãi đã điều trị ở khoa Thận nhân tạo gần 4 năm, trước đây cha chăm sóc, nay cha đã mất, một mình Nhân phải lo lắng cho cuộc sống và bệnh tật của mình. Hàng ngày ngoài giờ phải nhập viện để chạy thận nhân tạo, Nhân sắm cho mình một bồ đồ nghề đánh giày, và cứ thế em lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Đà Nẵng để đánh giày kiếm sống và kiếm tiền chữa bệnh. Cùng cảnh ngộ như Nhân còn có nhiều bệnh nhân khác như bà Trương Thị Bông; bà Ngô Kim Chi; em Võ Như Trọng; em Võ Thùy Vân…đây là những bệnh nhân có thời gian điều trị dài ngày, hoàn cảnh gia đình lại hết sức neo đơn nên thường là ngoài giờ chạy thận họ phải tự bươn chải để kiếm sống. Có người thì đi xin rửa chén bát ở các quán ăn gần bệnh viện; người thì đi bán vé số; người thì đi nhặt rác để bán cho những đề-pô phế liệu…

Trao đổi về tình cảnh hiện tại của những bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo, bác sỹ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng cho hay: Đa số bệnh nhân đều có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, vì vậy khả năng họ có thể đồng chi trả viện phí là rất thấp. Trên thực tế, đã có nhiều bệnh nhân đã phải bỏ trị hoặc cắt giảm số đợt điều trị theo chu kỳ vì không đủ tiền tạm ứng chi trả viện phí. Nếu cứ như thế này sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân vì bỏ trị 2 đến 3 lần có thể dẫn đến các đợt cấp của suy thận mãn, bệnh nhân sẽ bị phù phổi cấp, suy tim và rất dễ dẫn đến tử vong…

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã  'Sóng ngầm' ở vùng biên: [Bài 2] Cận cảnh gã 'đồ tể' xẻ thịt thú rừng

Người đàn ông bóp 'cò' chiếc khò ga, một ngọn lửa xanh lè phun lên mình con voọc chà vá đang nằm co quắp, cứng đơ trên tấm ván gỗ. Mùi lông cháy khét lẹt…

Bình luận mới nhất