| Hotline: 0983.970.780

Phập phồng đưa gạo sang Nhật

Thứ Năm 02/08/2012 , 10:19 (GMT+7)

Sau mấy năm bị gián đoạn vì dư lượng thuốc trừ sâu, năm nay, gạo Việt Nam lại có cơ hội trở lại thị trường Nhật Bản.

Sau mấy năm bị gián đoạn vì dư lượng thuốc trừ sâu, năm nay, gạo Việt Nam lại có cơ hội trở lại thị trường Nhật Bản. Nhưng quá trình xuất khẩu trở lại những lô hàng đầu tiên sang Nhật đang không suôn sẻ khi “bệnh cũ” vẫn tái phát ở một số lô gạo.

Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV, trong buổi làm việc giữa Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản với Cục BVTV Việt Nam, đại diện Nhật Bản đã cho hay trong năm nay, nước này sẽ mở quota nhập khẩu 20.000 tấn gạo chất lượng cao từ Việt Nam. Như vậy, kể từ năm 2008 đến nay, gạo Việt Nam lại mới có cơ hội trở lại thị trường Nhật Bản. Một thị trường mà theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương, tổng lượng gạo cần nhập khẩu trong năm nay vào khoảng 600 ngàn tấn.

Tuy nhiên, do từng có “dớp” nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu (chủ yếu là hóa chất trừ rầy acetamiprid), nên dù cửa đã mở, việc đưa gạo Việt Nam trở lại thị trường Nhật Bản chẳng hề dễ dàng gì. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, TGĐ Cty CP XNK An Giang, để xuất được gạo sang Nhật Bản, nhà xuất khẩu phải vượt qua hơn 500 chỉ tiêu, chủ yếu là kiểm tra dư lượng về thuốc trừ sâu. Yêu cầu của phía Nhật Bản khi cấp quota trở lại cho gạo Việt Nam cũng thể hiện khá rõ điều này. Đó là gạo chỉ lấy từ vùng lúa của tỉnh An Giang. Đơn vị được thực hiện xuất khẩu là Cty TNHH Angimex – Kitoku (liên doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản). Phía Nhật Bản sẽ kiểm tra chất lượng gạo xuất khẩu, nhất là chỉ tiêu về dư lượng thuốc trừ sâu. Đầu tiên là lấy mẫu kiểm ngay tại An Giang. Tiếp đó là lấy mẫu kiểm tra khi xuất gạo xuống tàu. Lần thứ 3 là lấy mẫu kiểm tra khi tàu cặp cảng Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo thông báo từ doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ có 18.000 tấn gạo chất lượng cao đã được ký hợp đồng xuất khẩu sang Nhật Bản. Đến thời điểm này, sau khi vượt qua các bước kiểm tra ngặt nghèo, tàu đầu tiên chở 6.000 tấn đã sang tới Nhật Bản. Tàu thứ 2 chở 6.000 tấn gạo cũng sắp cập bến Nhật Bản. Nhưng tàu thứ 3 lại đang gặp trở ngại.

TS Nguyễn Hữu Huân cho hay, cho đến giờ, trong tổng số 6.000 tấn gạo cho tàu thứ 3, phía Nhật Bản mới đồng ý 4.000 tấn. Nguyên nhân là do có một số lô gạo lại bị phát hiện nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, mà thủ phạm vẫn là cái tên quen thuộc: acetamiprid. Những lô hàng có dư lượng acetamiprid, đương nhiên bị Nhật Bản lắc đầu. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu lại đang phải chạy đôn chạy đáo tìm 2.000 tấn gạo khác thay thế, mà yêu cầu tối thượng là khi qua kiểm tra, không còn thấy mặt acetamiprid cũng như bất kỳ một loại thuốc trừ sâu nào khác.

Việc vẫn phát hiện dư lượng acetamiprid trong gạo Việt Nam, nhất là ngay tại vựa lúa An Giang, không chỉ ảnh hưởng tới việc xuất khẩu gạo sang Nhật Bản mà còn làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng nhiều nông dân trồng lúa vẫn còn lạm dụng thuốc trừ sâu, nhất là sử dụng bừa bãi các loại thuốc trừ rầy có hoạt chất acetamiprid.

Năm 2007, khi Nhật Bản thông báo về việc phát hiện một số lô gạo Việt Nam có dư lượng chất này, Cục BVTV đã chỉ đạo các Chi cục BVTV tăng cường tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về việc sử dụng các loại thuốc có acetamiprid, trong đó tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc này kể từ khi lúa bắt đầu trỗ. Các DN sản xuất thuốc trừ rầy có acetamiprid cũng được yêu cầu ghi rõ trên chai thuốc là “Không sử dụng từ khi lúa bắt đầu trỗ”. Các Chi cục BVTV phải tăng cường kiểm tra lưu thông và sử dụng thuốc trừ sâu có acetamiprid, xử lý nghiêm các doanh nghiệp không đăng ký sử dụng trên lúa mà lại quảng cáo sử dụng trên lúa, các trường hợp khuyến cáo nông dân sử dụng quá mức, các tờ bướm tờ rơi hướng dẫn không đúng nội dung đăng ký. Các yêu cầu trên vẫn được thực hiện trong suốt 5 năm qua, vậy mà gạo An Giang (nơi có 80% diện tích lúa đã áp dụng “3 giảm, 3 tăng”) vẫn bị phát hiện có dư lượng acetamiprid. Mà theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, không thể chấp nhận việc gạo Việt Nam vẫn có dư lượng thuốc trừ sâu.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm