| Hotline: 0983.970.780

Phập phù lúa lai F1: Không dễ

Thứ Năm 20/03/2014 , 07:00 (GMT+7)

Để chủ động nguồn giống, tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều điểm SX hạt giống lúa lai F1. Dù rất nhiều cố gắng nhưng chưa thành công.

Từ năm 2000, Bình Định đã đưa giống lúa lai vào SX để thực hiện chuyển đổi cơ cấu từ 3 sang 2 vụ lúa/năm, nhưng vẫn đảm bảo năng suất, sản lượng. Để chủ động nguồn giống, tỉnh đã tổ chức nhiều điểm SX hạt giống lúa lai F1. Dù rất nhiều cố gắng nhưng chưa thành công.

Mở rộng

Khi bắt đầu thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, những diện tích lúa bấp bênh dần được chuyển đổi SX từ 3 sang còn làm 2 vụ ăn chắc, giống lúa lai là lựa chọn số 1 cho công cuộc chuyển đổi này. Nhờ được tỉnh hỗ trợ tiền mua giống nên nông dân tham gia rất đông, cao điểm Bình Định SX mỗi năm có đến 7.000 ha lúa lai.

Diện tích lúa lai ngày càng mở rộng, nhu cầu sử dụng giống ngày càng tăng. Nhưng do chưa chủ động được nguồn giống tại chỗ để cung ứng cho nông dân nên bà con phải mua giống với giá cao để SX, dẫn đến chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến thu nhập.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển lúa lai, nhiều năm sau đó Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo nguồn lúa giống tại chỗ. Bắt đầu từ năm 2001, tỉnh lần lượt triển khai 7 điểm SX hạt giống lúa lai F1 với nhiều giống khác nhau tại các xã Nhơn Hậu, phường Nhơn Thành (TX An Nhơn); Cát Thắng (Phù Cát); Ân Nghĩa (Hoài Ân); Tây Xuân (Tây Sơn)... với các giống Nhị ưu 838, Bác ưu 903, Bác ưu 253, TH3-3… thích nghi với điều kiện thời tiết ở tỉnh này.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Bình Định, chất lượng hạt giống lúa lai F1 SX tại đây tương đương với hạt giống lúa lai SX ở một số tỉnh phía Bắc nước ta, kể cả ở Trung Quốc. Từ những thành công ban đầu, Bình Định có kế hoạch xây dựng đề án SX hạt giống lúa lai F1 để tạo nguồn giống tại chỗ phục vụ SX.

Theo đề án SX lúa lai giai đoạn 2011-2015, hoạt động SX hạt giống lúa lai F1 được thực hiện tại các xã Tây An, Tây Vinh (Tây Sơn); Nhơn Lộc, Nhơn Mỹ (TX An Nhơn) với diện tích tăng dần; trong đó năm 2011 là 80 ha, năm 2012 là 100 ha, 2013 là 150 ha, 2014 và năm 2015 mỗi năm SX 200 ha, năng suất 25 tạ/ha. Như vậy, đến năm 2015, Bình Định sẽ cơ bản chủ động được nguồn hạt giống lúa lai F1 cho SX trong tỉnh.

Khó làm

Tuy nhiên, việc SX hạt giống lúa lai F1 không hề dễ dàng chút nào. Có thể lấy xã Cát Thắng (Phù Cát) làm ví dụ. Đây là địa phương có 2 vụ liền SX hạt giống lúa lai F1. Đầu tiên là vụ ĐX 2004-2005, xã này SX hạt giống lúa lai F1 thuộc tổ hợp lai 3 dòng Bác ưu 253 trên diện tích 40 ha tại 2 thôn Long Hậu và Phú Giáo, 182 hộ nông dân tham gia.

Nông dân Phạm Tân ở thôn Phú Giáo từng tham gia mô hình nói trên, cho biết: “Làm hạt giống lúa lai F1 khó lắm. Ngoài phải thường xuyên theo dõi chăm sóc lúa bố, mẹ ở từng thời điểm; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác ruộng cấy, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, điều tiết nước tưới; còn phải sử dụng các loại kích thích nhất là GA3 (Giberiic axit 32) cho lúa bố, mẹ trỗ đồng loạt, tạo khả năng trỗ thoát và thò vòi nhụy của dòng mẹ, tạo tư thế truyền phấn hợp lý, thụ phấn tốt.

Ngoài ra còn sử dụng Kalahydrofosfat để thúc đẩy quá trình phân hóa đòng, tăng trọng lượng và màu sắc của hạt. Đặc biệt là khâu thụ phấn bổ sung đóng vai trò quan trọng nhất, nó quyết định tỷ lệ kết hạt cao hay thấp, do vậy quá trình chăm sóc phải điều chỉnh cho lúa bố, mẹ trỗ bông trùng khớp, tiến hành thụ phấn bổ sung khi mẹ bắt đầu nở hoa, mỗi ngày kéo phấn từ 3 - 4 lần, từ 10 - 12 giờ, lần kéo sau cách lần trước 15 - 20 phút, kéo liên tục 8 -10 ngày.

Bên cạnh đó công tác khử lẫn được tiến hành liên tục ngay từ khâu mạ đến lúc thu hoạch…Kết quả năng suất cho bình quân đạt 26 tạ/ha, có lãi hơn nhiều so với làm lúa thương phẩm".

Sang vụ ĐX 2005-2006, nông dân Cát Thắng tiếp tục SX hạt giống lúa lai F1 trên diện tích 80 ha với các giống Bác ưu 253, Bác ưu 903, với 176 hộ tham gia. Lần này kết quả cho ngược lại, năng suất giống Bác ưu 253 chỉ đạt bình quân hơn 17 tạ/ha, giảm 500 kg/ha so vụ trước; còn giống Bác ưu 903 chỉ đạt 15 tạ/ha, thảm hại hơn trong đó có khoảng 8 ha năng suất chỉ đạt 300 - 400 kg/ha.

Nguyên nhân được cho là do lũ muộn ở đầu vụ nên gieo mạ và xuống giống chậm so với thời vụ gần 1 tháng. Điều kiện thời tiết bất lợi, lúa trỗ gặp nhiệt độ cao, ngưỡng 35 - 36 độ C làm cho cây lúa trỗ không thụ phấn được.

Cơ bản nhất là do điều chỉnh lúa bố và mẹ trỗ không được khớp nhau. Giống Bác ưu 903 thì lúa trỗ sớm so với lúa mẹ khoảng 7 ngày và giống Bác ưu 253 thì lúa bố trỗ sớm so với lúa mẹ khoảng 3 ngày, do đó dẫn đến năng suất thấp.

Tỉnh ủng hộ

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành một số chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp vào Bình Định liên kết SX hạt giống lúa lai F1. Ví như sẽ tạo điều kiện về kho bãi, sân phơi để họ thuận lợi hơn trong SX”,
ông Phan Trọng Hổ.

Ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, nhớ lại: “Làm hạt giống lúa lai F1 khó quá, phải tuân thủ quy trình kỹ thuật cực kỳ nghiêm ngặt, trong khi nông dân chỉ muốn dễ làm, dễ ăn. Thêm vào đó do khí hậu ngày càng biến đổi thất thường, khiến việc SX hạt giống lúa lai F1 gặp rủi ro nhiều nên hoạt động này dừng lại”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hổ, thời gian gần đây Bình Định kêu gọi những doanh nghiệp chuyên SX giống lúa vào làm hạt giống lúa lai F1 trên địa bàn để phần nào chủ động về hạt giống. Những đơn vị SX hạt lai F1 theo cơ cấu giống của tỉnh sẽ được hưởng hỗ trợ ban đầu.

Bình Định có lợi thế về thời vụ SX lúa giống vụ ĐX sớm hơn các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên nên nhiều công ty giống cây trồng trong nước về đây SX lúa giống để cung ứng cho các thị trường nói trên. Nhờ đó, nông dân Bình Định hiện đã tiếp cận được với nhiều giống lúa lai có chất lượng như: TH3-3, Bio404, D ưu 527, Syn6, Nghi hương 2308...

“SX hạt giống lúa lai cho các doanh nghiệp, nông dân sẽ được cán bộ kỹ thuật của họ hướng dẫn quy trình kỹ thuật kỹ càng nên trình độ thâm canh của nông dân sẽ ngày được nâng cao, từng bước tiếp cận với công nghệ SX tiên tiến.

Thêm vào đó, SX hạt giống lúa lai F1 người nông dân sẽ có thu nhập cao hơn so SX lúa thương phẩm, vì hạt giống thu mua lại được tính cao gấp 3 - 4 lần lúa thường. Ngoài ra, sau mỗi vụ SX nông dân có được ít giống để dùng. Do đó, doanh nghiệp nào vào đây tổ chức SX hạt giống lúa lai F1 sẽ được chúng tôi ủng hộ hết mình ”, ông Hổ cho biết thêm.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.