| Hotline: 0983.970.780

Pháp siết chặt an ninh ngày bầu cử

Thứ Hai 24/04/2017 , 11:30 (GMT+7)

Hàng ngàn cảnh sát chống khủng bố, bạo động đã được huy động triển khai tại khắp các điểm bỏ phiếu trong cuộc chạy đua vòng 1 vào Điện Elysses hôm 23/4.

An ninh Pháp đã được siết chặt tại khoảng 67.000 địa điểm bỏ phiếu trước mối đe dọa khủng bố sau vụ xả súng hôm 20/4 vừa qua. Cụ thể, nước Pháp phải huy động tổng lực 50.000 cảnh sát và các lực lượng hỗ trợ cho 7.000 người thuộc lực lượng đặc biệt chống khủng bố mang tên Opération Sentinelle.

Lực lượng an ninh được triển khai tại khắp các điểm bỏ phiếu

Theo BBC và AP, các cuộc thăm dò dư luận trước ngày 23/4 cho thấy, trong số 11 ứng cử viên Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới tham gia cuộc bầu cử vòng 1 thì chưa có bất kỳ gương mặt nào vượt trội.

Tuy nhiên có 4 ứng cử viên sáng giá nhất gồm các ông Francois Fillon- đại diện cánh hữu; ứng cử viên tự do Chủ tịch Phong trào "Tiến bước" Emmanuel Macron; ông Jean Luc Melenchon - Chủ tịch đảng "Nước Pháp bất khuất" và bà Marine Le Pen- Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu. Các con số thống kê sát ngày bầu cử cho thấy, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu có thể sẽ rất cao cộng thêm một loạt các biến cố vừa qua, đặc biệt là vụ tấn công khủng bố ở đại lộ Champs Elysees tối 20/4 đã khiến cuộc bầu cử năm nay hết sức khó lường.

Theo AFP, các điểm bỏ phiếu trên nước Pháp đã đồng loạt mở cửa vào 8h sáng và đóng vào 19h, một số nơi đóng lúc 20h. Trước đó, tại các vùng lãnh thổ hải ngoại, cử tri Pháp cũng đã đi bỏ phiếu sớm. Có tổng cộng khoảng 47 triệu cử tri Pháp đăng ký đi bầu cử năm nay.

Tuy nhiên, tỷ lệ không đi bầu được dự đoán khá cao, có thể lên tới 28% tổng số cử tri do bất mãn trước tình hình kinh tế, thất nghiệp, an ninh bị đe dọa, cũng như hàng loạt các vụ bê bối dính líu đến các ứng cử viên tổng thống. Nhiều người dân Pháp khẳng định, không có gương mặt nào thực sự nổi bật để họ có thể trao gửi niềm tin lãnh đạo đất nước. Theo giới phân tích, tỷ lệ cử tri vắng mặt cao hay thấp trong ngày hôm qua sẽ là một yếu tố quyết định đối với cuộc bầu cử.

Tuy nhiên trong số 4 ứng cử viên dẫn đầu thì cơ hội lọt vào vòng 2 được dự báo sẽ thuộc về nữ Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu Marine Le Pen. Vị  trí  còn lại sẽ là  cuộc  đua tam mã khá cân sức giữa các ứng cử viên cánh hữu- cựu Thủ tướng Francois Fillon- ứng cử viên 39 tuổi  Emmanuel Macron và ứng cử viên Jean Luc Melenchon.

Sau nhiều bê bối chính trị liên quan đến các ứng cử viên dẫn đầu, ông Jean Luc Melenchon, trong lần thứ hai tham gia cuộc chạy đua vào Điện Elysees đã bất ngờ ghi điểm mạnh nhờ khả năng hùng biện và thuyết phục cử tri cũng như do ông được đánh giá là nhân vật “trong sạch nhất". Tuy nhiên, sau vụ khủng bố tối thứ Năm vừa qua, tỷ lệ ủng hộ dành cho ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon lại  bất  ngờ tăng mạnh do truyền thống cánh hữu cũng như cá nhân cựu Thủ tướng Francois Fillon được đánh giá là người có khả năng nhất trong việc dẫn dắt nước Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố.

Do khả năng ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen lọt vào vòng 2 được khẳng định rất cao nên nhiều chính trị gia trong nước đã kêu gọi cử tri dùng lá phiếu một cách "hữu ích" trong vòng hai để bầu cho ứng cử viên không phải của đảng mình nhằm loại trừ nguy cơ nước Pháp có một Tổng thống cực hữu.

Mặc dù rất nhiều chuyên gia và người dân nhận định nếu ứng cử viên cực hữu trúng cử sẽ là thảm kịch cho toàn nước Pháp, song nguy cơ này vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn một khi rất đông cử tri không đi bỏ phiếu, trong khi lực lượng trung thành với bà Le Pen lại rất quyết tâm. Theo giới phân tích, chính sự căng thẳng và chán chường của dân chúng về nhiều mặt tại nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu sẽ là bức tranh toàn cảnh của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay.

Theo lịch trình, hai ứng cử viên giành chiến thắng tại cuộc bầu cử vòng một sẽ tiếp tục cuộc đua vòng hai vào ngày 7/5 tới. Và nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì tân Tổng thống Pháp sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 14/5.

Theo Reuters, kết quả bỏ phiếu bầu Tổng thống Pháp được toàn thế giới dõi theo bởi nó là một dấu hiệu để chứng minh rằng, liệu phong trào dân túy tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang lên hay đã bắt đầu lắng xuống. Nếu một trong hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen chiến thắng ở vòng đầu bỏ phiếu đầu tiên thì sẽ là một cơn địa chấn trong chính trị và như vậy trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 sẽ không có đảng chính thống nào từng lãnh đạo nước Pháp trong vài thập niên qua còn hiện diện.

"Đó không phải là sự phân chia giữa cánh tả với cánh hữu mà là một cuộc xung đột giữa hai quan điểm", Jerome Fourquet, người đi thăm dò ý kiến của hãng Ifop cho hay.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất