| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 19/01/2010 , 10:26 (GMT+7)

10:26 - 19/01/2010

Phạt 500 triệu - Nặng hay nhẹ?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, mức phạt cao nhất cho “tội danh” này có thể lên đến 500 triệu. Những nhà làm luật cho rằng, mức phạt với số tiền được coi là lớn trên có thể có sức răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Chuyện Cty Vedan làm ô nhiễm môi trường xảy ra từ năm 2008, giờ “xới” lại e rằng cũ. Nhưng nói ra để có thể làm một phép so sánh cho số tiền 500 triệu đồng/lần phạt, là to hay bé, nặng hay nhẹ?

Theo thống kê của cơ quan chức năng, nhờ “lợi dụng môi trường”, Cty này đã thu được lợi nhuận vô cùng lớn. Năm 2007, doanh số của Vedan đạt 270 triệu USD, tăng 12% so với năm 2006. Chỉ tính riêng quý I năm 2008, trước khi bị phát hiện làm ô nhiễm sông Thị Vải, Vedan đã có doanh thu đến 182 triệu USD, lãi ròng gần 9 triệu USD, tương đương hơn 150 tỷ đồng.

Cứ cho là Vedan vi phạm ở mức cao nhất của khung hình phạt làm ô nhiễm môi trường, thì số tiền phạt 500 triệu đồng mỗi lần vi phạm phỏng có ý nghĩa gì, có thấm tháp vào đâu so với số 150 tỷ lãi ròng trong một quý kia?

Cũng lại chuyện ô nhiễm môi trường, theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2009 có tới 4.545 vụ với hơn 4,3 nghìn tổ chức và cá nhân gây ô nhiễm bị phát hiện, xử lý, đó là chưa kể đến phần chìm chưa thống kê hết. Ở một nước với số dân trên 86 triệu người, công nghiệp đang phát triển như Việt Nam, số vụ vi phạm trên trong một năm đáng phải giật mình, vì nước láng giềng với ta như Trung Quốc, con số cũng chỉ bằng phân nửa.

Trong một cuộc họp mới đây do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì, thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, có nhiều ý kiến cho rằng, nên đưa vào luật để truy tố tội danh pháp nhân hoặc người đứng đầu pháp nhân về hành vi gây ô nhiễm môi trường, thay cho việc chỉ phạt hành chính như hiện nay.

Việc truy tố và khép tội danh hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường đã được nhiều nước áp dụng và đã thành công. Những nhà soạn luật của Việt Nam cũng nên áp dụng, nếu chúng ta không muốn còn có thêm nhiều “anh Vedan” nghêng ngang nữa, và không muốn cơ quan công quyền phải “mỏi tay” đi phạt.

Bình luận mới nhất