| Hotline: 0983.970.780

Phát huy giá trị di sản: Bài toán khó của xứ Thanh

Thứ Tư 03/08/2011 , 14:20 (GMT+7)

Thanh Hóa với 1.535 di tích lịch sử (DTLS) và danh lam thắng cảnh, thế nhưng việc phát huy giá trị các DTLS ở mảnh đất này cho đến nay vẫn là bài toán khó.

Thanh Hóa với 1.535 di tích lịch sử (DTLS) và danh lam thắng cảnh, thế nhưng việc phát huy giá trị các DTLS ở mảnh đất này, trong đó có Thành nhà Hồ và Khu DTLS Lam Kinh cho đến nay vẫn là bài toán khó. Và người dân chưa được hưởng lợi gì từ di sản.

Dân chưa hiểu giá trị di sản

Dù đã trở thành di sản chung của nhân loại nhưng những ai từng đặt chân Thành nhà Hồ đều không khỏi trăn trở khi cảnh quan, không gian di sản này hiện vẫn khá hoang sơ, chưa thu hút được du khách. So với các di sản khác, Thành nhà Hồ chưa được người dân biết đến nhiều. Người nhận thức được giá trị của di sản càng ít. Mặc dù các cấp quản lý di sản đã xác định, phát triển du lịch là nhu cầu bắt buộc, phải để di sản sống trong lòng nhân dân, đem lại lợi ích cho người dân sống trong vùng di sản nhưng việc phát huy giá trị của di sản thế giới Thành nhà Hồ vẫn chưa được như mong đợi.

Năm 2010, Thành nhà Hồ chỉ đón 30.000 lượt khách. Sau khi trở thành Di sản Văn hóa thế giới, lượng khách đến nơi đây cũng tăng không đáng kể. Trung bình khoảng 200 - 300 lượt/ngày và chủ yếu là các đoàn nghiên cứu, sinh viên. Một phần lượng khách là tự phát, chưa gắn với các tour du lịch. Hơn nữa, chưa có một sản phẩm, một dịch vụ du lịch nào phụ trợ, khiến doanh thu từ việc khai thác du lịch chưa đáng là bao.

Điều này được ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Thành nhà Hồ, thừa nhận: “Dù đã trở thành di sản thế giới nhưng thành vẫn chưa thu hút được nhiều du khách. Nguyên nhân là còn nhiều khó khăn so với các di sản khác để phát triển du lịch. Hiện tại, chúng tôi mới chỉ phục vụ du khách ở khu vực thành Nội, chưa có dịch vụ gì tại khu vực di tích, các khu khác như La thành chưa có đường đi vào, Nam Giao thì chưa có khu vệ sinh".

Cùng với Thành nhà Hồ, Lam Kinh là di tích lớn bậc nhất xứ Thanh với tổng diện tích hơn 140ha, nằm trên địa bàn huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, cách TP. Thanh Hóa 50km về phía Tây. Đây được xem là mảnh đất thiêng gắn với đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ về các vị vua Lê của dân tộc Việt Nam. Nếu khai thác di tích tâm linh này sẽ thu hút du khách. Song hiện nay, việc trùng tu xây dựng vẫn đang dang dở khiến du khách không mấy mặn mà. Con số du khách đến với Lam Kinh cũng tương đương với khách đến Thành nhà Hồ. 6 tháng đầu năm nay, chỉ có 15.000 lượt khách. Khu di tích Lam Kinh cũng chưa có dịch vụ phụ trợ nào ngoài vài hàng quán nước giải khát của một số hộ dân.

Ông Trịnh Đình Dương, Trưởng BQL Khu DTLS Lam Kinh, cho hay: “Do thiếu vốn nên các hạng mục chính nhằm tôn tạo khu di tích cũng chưa hoàn thiện. Chưa kể khu di tích cũng chưa có nhà quản lý, nơi đón tiếp du khách”.

Phải đem lại lợi ích cho dân

Các điểm di sản đều chưa có công trình phụ trợ, chưa có dịch vụ nhằm tạo công việc, đem lại lợi ích cho người dân. Hiện nay, nguồn thu của cả hai khu di tích Lam Kinh và Thành nhà Hồ đều chỉ dừng ở việc bán vé 10 ngàn đồng/lượt. Số tiền chưa đủ trả lương nhân viên của hai trung tâm bảo tồn này. Bên cạnh đó là một vài hộ dân bày bán nước giải khát phục vụ nhu cầu khách tham quan. Dịch vụ nhỏ lẻ, tự phát.

Bà Vũ Thu Hiền, người dân xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) cho hay: “Thấy thành được công nhận di sản, chúng tôi cũng mừng. Song ngày ngày đi làm qua thành mà cũng chưa thấy thay đổi gì. Chỉ có vài chục hộ dân bị dời khỏi khu vực vì sống gần di tích. Chúng tôi đồng ý chuyển thôi, nếu điều đó đem lại lợi ích cho Nhà nước”.

Ông Nguyễn Hữu Nhẫn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hoá, cho biết: “Di sản có cái gì để hấp dẫn du khách? Sản phẩm du lịch như thế nào? Đó là cả chiến lược mà chúng tôi phải thực hiện. Chúng tôi đã chủ trương quảng bá để thu hút du khách. Nhưng khi kéo được khách đến rồi, cũng phải làm sao để người dân có lợi được từ nguồn khách. Sắp tới, chúng tôi sẽ quy hoạch các làng nghề truyền thống ở khu vực phụ cận. Hiện đã có thương hiệu bánh chè lam Phủ Quảng (huyện Vĩnh Lộc). Chúng tôi sẽ quy hoạch làng nghề Xuân Giai, Đông Môn… vào khu vực đề cử di sản. Khi có tên trên bản đồ du lịch, không lo không có khách du lịch và người dân sẽ được hưởng lợi".

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất