| Hotline: 0983.970.780

Phát triển bò sữa bền vững

Thứ Năm 24/07/2014 , 13:20 (GMT+7)

Để phát triển đàn bò sữa của nước ta lên 300 ngàn con, sản lượng sữa đạt gần 1 triệu tấn vào năm 2020, ngành chăn nuôi Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.

Trong đó, chính sách về đất đai, công tác nâng cao chất lượng giống phải được coi trọng hàng đầu.

Sản lượng sữa chỉ đáp ứng 28%

Tại hội thảo “Mô hình tổ chức, công nghệ mới trong chăn nuôi bò sữa và đánh giá phát triển chăn nuôi bò sữa theo Quyết định 167/2001/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 về một số biện pháp và chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa” sáng qua (23/7) ở Hà Nội, ông Lã Văn Thảo, Trưởng phòng Gia súc lớn (Cục Chăn nuôi) cho biết: "Thống kê sơ bộ đến ngày 1/4/2014, tổng đàn bò sữa của nước ta đạt 200,4 ngàn con. Năm 2013, sản lượng sữa tươi SX trong nước đạt hơn 450 ngàn tấn, đáp ứng khoảng 28% tổng lượng sữa tiêu dùng trong nước hằng năm.

Năng suất sữa bò trung bình cả nước đạt 5,186 tấn/chu kỳ năm 2013 (cao hơn các nước trong khu vực châu Á). Đã có trên 20 ngàn hộ gia đình chăn nuôi bò sữa, tạo việc làm cho 50 ngàn lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động dịch vụ".

Tuy nhiên, ông Thảo cũng nhận định, việc phát triển ngành chăn nuôi bò sữa đang gặp phải không ít khó khăn. Thứ nhất, giá con giống không ngừng tăng. Từ 11 - 14 triệu đồng/con năm 2000 tăng lên 60 - 70 triệu đồng/con năm 2012 - 2013. Việc sốt giá bò giống đã làm tăng chi phí khấu hao con giống trong cơ cấu giá thành sữa.

Các hộ gia đình và địa phương (như Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Cần Thơ…) mới nuôi bò sữa vừa thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, vừa mua con giống đắt, tăng chi phí đầu vào, chăn nuôi không hiệu quả bị thua lỗ, một số nơi chán chường không chăm sóc bò sữa nên đàn bò gầy yếu, ít sữa, giảm số lượng đầu con.

Quy mô chăn nuôi bò sữa hộ gia đình ở Việt Nam nhỏ, giá thức ăn và các dịch vụ khác cao là những nguyên nhân làm tăng giá sữa. Ngoài ra, hệ thống thu mua và bảo quản sữa còn rất hạn chế ở những vùng mới phát triển chăn nuôi bò sữa do thiếu thiết bị làm lạnh, các dụng cụ chuyên dùng. Khả năng tiếp nhận sữa ở các điểm mua còn yếu, việc mua sữa ở các vùng xa chưa đảm bảo…

Nâng cao chất lượng giống

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, PGĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết: "Thành phố đã xây dựng được 12 xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm với tổng đàn trên 10.000 con vào cuối năm 2013, sản lượng sữa bình quân đạt 80.427 kg/ngày.

Các công ty chế biến các sản phẩm từ sữa trực tiếp thu mua sữa cho người chăn nuôi thông qua các trạm thu gom sữa trên địa bàn, với giá sữa bình quân 12.600 đồng/kg, là mức giá rất cao.

"Muốn nông dân đẩy mạnh đầu tư chăn nuôi bò sữa quy mô lớn thì phải thay đổi nhận thức của họ. Không phải chăn nuôi bò sữa để xoá đói giảm nghèo mà để làm giàu.
Và điều quan trọng không kém là thu hút doanh nghiệp vào cuộc để họ xây dựng vùng nguyên liệu và tạo đầu ra cho sản phẩm. Khi họ nhìn thấy các nhà máy chế biến sữa sừng sững ở địa phương mình thì không có gì phải băn khoăn chuyện đầu tư”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thủ đô vẫn ở quy mô nhỏ. Số hộ nuôi từ 1 - 5 con chiếm tới 84%. Bên cạnh đó, chất lượng giống còn thấp, đo đó mới chỉ đạt năng suất 4.500 kg sữa/chu kỳ (trong khi ở nhiều nước đã đạt trên 6.000 kg/chu kỳ). Do đó, nâng cao chất lượng giống là yêu cầu cấp bách đối với chăn nuôi bò sữa tại Hà Nội".

Cũng theo ông Sơn, trước mắt phải có chính sách hỗ trợ phối giống cho bò sữa bằng tinh phân ly giới tính, tinh ngoại có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, nhân nhanh đàn bò sữa trong nước theo công nghệ tạo bò sữa lai F1, F2, F3… với 50%, 75%, 87,5% máu bò HF trở lên.

Sử dụng tinh bò HF để thụ tinh nhân tạo cho bò lai Sind đủ tiêu chuẩn để tạo bò sữa lai F1 HF và tiếp tục sử dụng tinh bò HF phối cấp tiến với các con lai để tạo bò lai F2, F3.

Thiếu đồng cỏ

Một trong những khó khăn trong phát triển chăn nuôi bò sữa của các tỉnh, thành phố là thiếu diện tích đất trồng cỏ. Ông Bùi Như Ý, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc chia sẻ: “Tại thời điểm này, tính cho 1 bò sữa có sản lượng sữa trung bình 5.000 kg/chu kỳ, với giá thành SX 1 kg sữa bò tươi là 10.388 đồng/kg, lãi bình quân 25 - 28 triệu đồng/năm/con. Bà con rất hào hứng đầu tư vào con vật này.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất trồng cỏ, làm chuồng trại ra xa khu dân cư chưa thực hiện được. Do đó, nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách về đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh”.

Theo ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng: "Hiện tại, sản phẩm sữa của người chăn nuôi tỉnh Sóc Trăng được HTX Nông nghiệp Evergrowth thu mua. HTX phải chở sữa lên tận TP.HCM để bán cho Cty sữa Cô gái Hà Lan nên tốn khá nhiều chi phí vận chuyển và bảo quản sữa, ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi.

Trong thời gian tới, Sóc Trăng sẽ ưu tiên phát triển chăn nuôi bò sữa trên cơ sở nông hộ, trang trại nhưng nhất thiết phải hình thành các tổ hợp tác, HTX để liên kết, tương trợ nhau cùng phát triển".

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám:

"Sau 13 năm thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, ngành chăn nuôi bò sữa đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, lượng sữa bình quân đầu người chỉ đạt 14,8 kg/người/năm là rất thấp, bởi lượng sữa bình quân đầu người trong khu vực là 35 kg/người/năm.

Chúng ta có lợi thế đặc biệt về thị trường tiêu thụ sữa trong nước, hơn nữa phát triển chăn nuôi bò sữa nằm trong chiến lược ưu tiên tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Do đó, cần đẩy mạnh đầu tư KHCN để mở rộng vùng chăn nuôi bò sữa, phá vỡ tư duy chỉ những vùng cao nguyên mới có điều kiện thuận lợi cho nuôi loài vật này".

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.