| Hotline: 0983.970.780

Phát triển cây bắp ở ĐBSCL

Thứ Ba 24/08/2010 , 10:49 (GMT+7)

NNVN đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo ngành nông nghiệp về phát triển cây bắp lai tại ĐBSCL.

Trồng xen canh 1 vụ màu hoặc nuôi 1 vụ cá tôm thay thế 1 vụ lúa trong năm đang được nhiều địa phương ở ĐBSCL triển khai. Trong đó, cây bắp lai được xem là cây trồng có nhiều triển vọng. NNVN đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo ngành nông nghiệp về phát triển cây bắp lai tại ĐBSCL.

Ông Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp: Diện tích cây bắp không ổn định

Đồng Tháp có trên 3.600 ha trồng bắp nếp và bắp lai, đạt sản lượng trên 30.000 tấn/năm. Phát triển cây bắp chính vụ xuân hè chiếm 2/3 diện tích cây màu của tỉnh, nông dân tập trung trồng ở các huyện Thanh Bình, Lấp Vò, Hồng Ngự nhưng chủ yếu là bắp nếp. Các huyện còn lại trồng bắp lai rải vụ trong năm 2 vụ lúa + 1 vụ bắp hoặc 1 vụ lúa + 1 vụ bắp + 1 vụ đậu nành. Cái khó hiện nay là diện tích trồng bắp đang bị thu hẹp vì chi phí đầu tư đang cao và không có nơi bảo quản tốt. Thời điểm giá lúa cao thì nông dân chuyển diện tích trồng bắp sang làm lúa vì thế diện tích không ổn định. Tỉnh có chủ trương khuyến khích nông dân phát triển cây bắp và cây đậu nành trên vùng đất cao thay thế cây lúa để giảm rủi ro.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, GĐ Sở NN-PTNT An Giang: Thuận lợi để phát triển cây bắp

Vùng đất An Giang rất thuận lợi để phát triển cây bắp, nhất là vùng đầu nguồn giáp với biên giới Campuchia mỗi năm lũ về cho lượng phù sa rất lớn. Việc phát triển cây màu ở các huyện giáp biên giới rất khả thi. Đặc biệt An Giang lại phát triển cây bắp lai mạnh hơn cây bắp nếp so với các tỉnh khác ở ĐBSCL, diện tích bắp lai trên 4.500 ha/năm, còn cây bắp nếp 4.338 ha/năm, chủ yếu trồng ở huyện Chợ Mới và Phú Tân.

Cây bắp lai hiện nay được nhiều nông dân mở rộng diện tích trồng vì cho năng suất khá cao, trung bình trên 10,8 tấn/ha/vụ, cao hơn so với các tỉnh lân cận từ 1-3 tấn/ha/vụ. Nông dân khi đã theo cây bắp, ít bỏ bắp chuyển lại trồng lúa. Trồng bắp thì bán không sợ ế ẩm, năng suất cũng cao và trồng được cả 3 vụ trong năm. Chỉ riêng ở huyện An Phú diện tích trồng bắp lai chuyên canh chiếm 30% đất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cử cán bộ khuyến nông giúp nông dân trồng bắp đem lại năng suất cao. Cái khó hiện nay, tỉnh mỗi năm cho sản lượng gần 70.000 tấn bắp, chưa có đầu ra ổn định.

Ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang: Nông dân và doanh nghiệp còn chờ nhau

Tiềm năng phát triển cây bắp ở Kiên Giang là rất lớn. Hầu hết các địa phương như Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Hòn Đất và TP Rạch Giá đều có thể đưa cây bắp trồng trên nền đất lúa, với diện tích lên đến hàng trăm ngàn ha. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua diện tích cây bắp ở Kiên Giang chỉ vào khoảng 100ha và được trồng rải rác nhiều nơi. Do làm manh mún nên giá thành cao, không thể cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu và doanh nghiệp cũng rất khó thu gom đủ số lượng lớn để bao tiêu.

Trong khi nông dân chờ doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua mới mạnh dạn đầu tư trồng tập trung thì ngược lại doanh nghiệp chờ có số lượng lớn mới triển khai. Chính vì vòng luẩn quẩn như thế nên cây bắp không phát triển được dù tỉnh có tiềm năng và nước ta vẫn phải nhập khẩu cả triệu tấn bắp mỗi năm. Hiện ngành vẫn chưa dám khuyến cáo nông dân phát triển cây bắp dù biết rằng tiềm năng và nhu cầu loại cây này là rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang: Không có người bao tiêu

Nhiều năm qua, nông dân các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A và TX Ngã Bảy đã đưa cây bắp vào trồng trên nền đất lúa rất hiệu quả, năng suất khá cao khoảng 4,5-5 tấn/ha. So với cây lúa, trồng bắp ít gặp rủi ro hơn do ít bị dịch hại, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, diện tích cây bắp của tỉnh hiện chỉ dậm chân tại chỗ với khoảng 1.600-1.700ha/năm. Nguyên nhân chính là do không có doanh nghiệp nào hợp đồng bao tiêu, nông dân phải tự bươn chải và rất dễ bị thương lái ép giá.

Ông Lê Dũng, GĐ Sở NN-PTNT Cà Mau: Tỉnh vẫn chưa có vùng trồng bắp tập trung

Qua trồng thử nghiệm của người dân cho thấy cây bắp rất phù hợp với nền đất ở Cà Mau. Tuy nhiên, hiện nay cây bắp chủ yếu được nông dân trồng rải rác trên các bờ liếp vuông tôm, ruộng lúa là chính chứ chưa có vùng quy hoạch tập trung. Do đó, diện tích không đáng kể. Nguyên nhân chính là do thị trường đầu ra chưa ổn định nên nông dân không mặn mà. Muốn phát triển cây bắp thì nhà nước cần có chích sách khuyến khích, hỗ trợ, nhất là liên kết với các đơn vị sản xuất đưa giống mới, tập huấn kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Phan Nhựt Ái, GĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long: Cây bắp thích hợp cả 3 vụ trong năm

Toàn tỉnh Vĩnh Long có 12.000 ha đất trồng bắp quanh năm, tập trung nhiều ở các huyện ven sông Hậu và sông Tiền như Trà Ôn, Bình Tân, Bình Minh, Vũng Liêm và Tam Bình, nhưng chủ yếu phát triển các loại giống bắp nếp còn bắp lai chưa phát triển được nhiều. Tỉnh có nhiều chính sách kết hợp với các Cty sản xuất giống trong và ngoài nước mong muốn phát triển cây bắp lai để làm cây màu chủ lực nhưng khi triển khai thí điểm xuống nông dân hầu như không đạt hiệu quả. Tỉnh rất mong muốn trồng được cây bắp lai, lấy đó phát triển nguồn thức ăn cho gia súc và thủy sản. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 5 nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Cây bắp rất thích hợp cả 3 vụ trong năm, không đòi hỏi kỹ thuật nhiều so với một số loại cây trồng khác, thời gian sinh trưởng ngắn. Nông dân trồng luân canh 1 vụ lúa + 1 vụ bắp + 1 vụ rau màu, hoặc 1 vụ lúa 2 vụ bắp. Thậm chí, phát triển cây bắp trồng trên đất bờ cây ăn trái kém hiệu quả, có thể lãi cao gấp đôi so với trồng lúa.

Tỉnh Vĩnh Long đang áp dụng mô hình phát triển cây bắp trong vụ xuân hè chiếm khoảng 600ha, khi thu hoạch lúa ĐX xong là xuống giống trồng bắp. Định hướng quy hoạch phát triển vùng chuyên canh cây bắp nếp đến năm 2011 sẽ tăng lên thêm 5.000 ha, chủ yếu ở huyện Bình Tân và Trà Ôn vì nằm cặp sông Hậu địa thế thuận lợi nguồn nước tưới và thổ nhưỡng rất thích hợp cho cây bắp phát triển.

Ông Phạm Văn Quỳnh – GĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ: Trồng bắp ít, nhà máy không mua

Cần Thơ là vùng đất phù sa ngọt. Đất ven sông Hậu màu mỡ, trong nhiều năm qua từng chuyển dịch theo mô hình lúa-màu (bắp, đậu nành, đậu xanh, mè, các loại rau…) rất phù hợp với hơn 20.000ha. Riêng cây bắp, không chỉ cây bắp công nghiệp mà còn trồng cả giống bắp ngọt. Xét về điều kiện đất, nước, kỹ thuật canh tác, nông dân vùng ngoại thành đều có thể đưa cây bắp xuống ruộng được hết. Tuy nhiên, nhiều năm qua cây bắp đưa xuống ruộng chỉ chừng 400-500ha, không thể tăng hơn được. Vì trồng bắp công nghiệp dài ngày, trên 3 tháng; giá bắp bán ra lợi tức không cao hơn những giống cây trồng khác như rau, đậu, mè. Điều cần nhất là giá sản phẩm phải có lời để nông dân quyết định có trồng hay không. Chính vì chưa có thị trường ổn định hoặc ngược lại là nếu trồng qui mô nhỏ lẻ thì sản lượng không có bao nhiêu, nhà máy chế biến thức ăn gia súc cũng không mua.

Ông Hồ Quang Cua, PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng: Khó thuyết phục nông dân

Hồi sau khi tái lập tỉnh Sóc Trăng vào năm 1993, tại xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên chúng tôi cùng nông dân từng sản xuất giống F1 cho các giống bắp Pacific 11, Pacific 60… Về sau này ở An Thạnh 3, Cù Lao Dung, Trung tâm khuyến nông Sóc Trăng từng có mô hình đưa cây bắp công nghiệp về thành công. Lúc cực thịnh cây bắp nơi đây nông dân trồng hơn 1.000ha, giống bắp G49, C919 đạt năng suất 6-7 tấn/ha. Tuy nhiên nông dân cho rằng trồng bắp cực công, thu hoạch bán cũng khó, nếu dự trữ dễ bị mốc. Bắp là cây trồng có nhu cầu nước không cao, thích hợp vùng đất giồng cao nên mùa thuận vẫn là vụ xuân hè, mùa khô hạn.

Ở Cù Lao Dung hiện có hơn 10.000ha cây hằng niên, trong đó mía luân canh với một số cây trồng khác, nông dân chọn lựa tùy theo hiệu quả kinh tế so sánh từ các cây trồng khác. Có thể nói mô hình trồng bắp nông dân làm được hết. Thế nhưng muốn đưa cây bắp xuống ruộng bây giờ tôi nghĩ khó thuyết phục nông dân, do tính toán về mặt hiệu quả. Theo vùng đất ven sông Hậu, Kế Sách nổi trội với hiệu quả vườn cây ăn trái; Long Phú có vườn cây ăn trái, mía; Cù Lao Dung có cây mía chủ lực trong nhiều năm qua… Như thế cây bắp muốn phát triển đại trà rất khó, do tính cạnh tranh với cây mía, với các loại cây ăn trái và ngay cả luân canh với lúa cũng khó. Lý do, bắp đưa xuống ruộng tới kỳ thu hoạch phải gấp rút thu dọn sạch nền đất để trả lại nền đất cho vụ lúa sau. Cứ 5 tấn bắp thì phần xác thân cây, gốc rễ phải dọn mất tới 15 tấn. Nông dân tính ra chi phí lao động ngán lắm. 

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm