| Hotline: 0983.970.780

Phát triển cây lâm sản ngoài gỗ

Thứ Năm 19/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Bò khai, rau sắng và sơn tra (táo mèo) là những cây lâm sản ngoài gỗ (LSNG) làm thực phẩm có giá trị kinh tế cao. 

* “Lấy ngắn nuôi dài” thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn

Từ việc thu hái tự nhiên, đến nay các loài cây này đã trở thành hàng hóa, được người tiêu dùng biết đến với thương hiệu đặc sản vùng Tây Bắc.

Từ kết quả nghiên cứu gây trồng thành công, cây sơn tra, rau sắng, rau bò khai được chuyển giao kỹ thuật cho nông dân thông qua dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2012-2014 với mục tiêu phát triển các mô hình trồng cây LSNG có chu kỳ khai thác ngắn, tạo ra thu nhập thường xuyên cho người làm nghề rừng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp, mở ra hướng kinh doanh rừng bền vững cho bà con nông dân vùng cao.

Cây trồng giàu tiềm năng

LSNG gắn liền với cuộc sống của hơn 24 triệu đồng bào miền núi sống trong và gần rừng, có nơi nguồn thu từ LSNG chiếm 10 - 20% trong thu nhập kinh tế hộ gia đình. Gây trồng LSNG trên diện tích đất lâm nghiệp được giao hoặc khai thác, thu hái và chế biến LSNG từ rừng tự nhiên đã thu hút hàng vạn lao động khu vực nông thôn. 
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến năm 2014, có 36/63 tỉnh gây trồng, thu hái LSNG với diện tích 1,6 triệu ha, chiếm 13% diện tích đất có rừng trong phạm vi toàn quốc, trong đó diện tích LSNG có khả năng khai thác, thu hái từ rừng tự nhiên là 1,1 triệu ha; diện tích được trồng là hơn 469.790 ha.

Nằm trong chương trình khuyến nông Trung ương đẩy mạnh khai thác lợi thế phát triển kinh tế lâm nghiệp, từ năm 2012 - 2014, dự án "Xây dựng mô hình trồng cây LSNG làm thực phẩm" đã được triển khai với 3 đối tượng cây trồng chính gồm bò khai, rau sắng và sơn tra. Dự án do Th.S Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Nghiên cứu & chuyển giao KHCN, Trường ĐH Tây Bắc làm Chủ nhiệm.

Dự án có quy mô 170 ha, sử dụng nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương, triển khai trên địa bàn một số huyện của 4 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái. Trong 3 năm thực hiện (2012 - 2014), dự án đã xây dựng được 15 mô hình trên tổng số 43 điểm trình diễn.

Tham gia mô hình người dân được hỗ trợ 100% cây giống, một phần vật tư và phân bón, riêng đối với mô hình trồng cây sơn tra, các hộ dân tham gia dự án thuộc vùng khó khăn, được hỗ trợ 100% phân bón. Trong thời gian triển khai dự án, có gần 2.000 lượt người đã được đào tạo, tập huấn, tham quan mô hình và được trang bị những kiến thức về kỹ thuật trồng chăm sóc, bảo vệ, thị trường tiêu thụ LSNG.

Mục tiêu của dự án hướng tới giúp người dân phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên LSNG, tăng thêm thu nhập từ 15 - 20% sau thời gian tham gia dự án; đồng thời mở ra cho người dân sống bằng nghề rừng ở vùng Tây Bắc cơ hội đầu tư trồng rừng gỗ lớn, làm giàu từ rừng nhờ có thu nhập từ các cây LSNG với chu kỳ kinh doanh ngắn, giá trị kinh tế cao.

Theo đánh giá của Th.S Nguyễn Tiến Dũng, bò khai, rau sắng và sơn tra là những cây thực phẩm có giá trị, giàu chất dinh dưỡng. Hiện nay rau bò khai, rau sắng vẫn chỉ được thu hái từ rừng tự nhiên vào mùa mưa (từ tháng 4 - 6), bán tại các chợ địa phương với giá khá cao, từ 7.000 - 10.000 đ/bó (khoảng 200 gr), tương đương 35.000 - 50.000 đ/kg và luôn khan hiếm.

Sự khan hiếm của loài rau đặc sản này do nhiều nguyên nhân, cơ bản nhất vẫn là do người dân chỉ khai thác trong rừng tự nhiên một cách thiếu khoa học (chặt cả cành, cây; đào cả gốc, rễ làm thuốc) cộng với tập quán chăn thả gia súc bữa bãi, … dẫn đến tình trạng khan hiếm, thậm chí làm mất đi nguồn gen cây bản địa dược tính quý này.

Tây Bắc là địa danh của nhiều loài LSNG (cây thực phẩm, cây dược liệu, hương liệu…) có giá trị. Tuy nhiên, hiện nay người dân địa phương mới chỉ thu hái từ tự nhiên, chưa có các hoạt động gây trồng nên nguồn LSNG có giá trị ngày càng trở nên khan hiếm, cạn kiệt trong tự nhiên.

Bò khai, rau sắng cùng nhiều loại LSNG đã gắn liền với nền văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương. Tập thể giáo viên ĐH Tây Bắc đã nghiên cứu gây trồng cho các loài cây này và chuyển giao kỹ thuật cho người dân, góp phần bảo tồn LSNG và văn hóa truyền thống của địa phương.

Từ hiệu quả của mô hình trên, có thể khẳng định phát triển lâm sản ngoài gỗ là một trong những hướng đi để khai thác bền vững tài nguyên rừng. Giá trị kinh tế từ LSNG góp phần nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho người dân. Đồng thời, dự án là cơ sở để triển khai, nhân rộng mô hình ở các địa phương có điều kiện lập địa và khí hậu phù hợp nhằm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa ổn định, gắn phát triển với bảo tồn LSNG.

Th.S Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết, ĐH Tây Bắc đã gây trồng thành công những loại lâm sản này, kết quả từ các công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn cần được triển khai tới người dân địa phương. Việc chuyển giao các kỹ thuật đó sẽ giúp cho người dân thay đổi tập quán sinh hoạt và SX, từ thu hái ngoài tự nhiên chuyển sang chủ động gây trồng và bảo tồn nguồn tài nguyên để khai thác, sử dụng lâu dài.

Mô hình cần nhân rộng

Sau hơn 2 năm triển khai, tại các điểm xây dựng mô hình trình diễn, có tổng số trên 60 ha được trồng, trong đó 10 ha rau bò khai, 10 ha rau sắng, 40 ha cây sơn tra. Đối với cây sơn tra có thể trồng ngay tại vườn canh tác của nông hộ, hoặc trồng xen lúa nương.

Theo đánh giá của Th.S Nguyễn Tiến Dũng, đến nay các diện tích trồng bò khai, rau sắng và sơn tra đều sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 85%, cây sơn tra có chiều cao cây đạt 70 - 25 cm, rau bò khai bắt đầu tạo tán và cho thu hoạch, cây rau sắng cũng đạt chiều cao 40 - 50 cm. Năng suất ước tính của bò khai từ 50 - 60 kg/ha, rau sắng khoảng 150 kg/ha/năm. Với giá hiện tại của các loài cây LSNG này, nếu được chăm sóc theo đúng quy trình, đến thời điểm thu hoạch khoảng 2 - 3 năm tới ước tính mỗi ha sẽ cho thu hoạch từ 150 - 250 triệu đ/ha.

Đến nay các mô hình đã hoàn thành các hoạt động tại hiện trường và đang tiến hành công tác nghiệm thu, tổng kết.

Ông Đinh Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết, việc triển khai mô hình trồng sơn tra tại Bắc Yên phù hợp với định hướng của huyện, nhu cầu nguyện vọng của người dân địa phương. Thông qua dự án, người dân nắm được các kỹ thuật nhân giống và trồng thâm canh loài cây này, góp phần tăng năng suất, thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Sơn cũng bầy tỏ hy vọng, từ những mô hình điển hình của dự án, bà con nông dân chủ động nhân rộng quy mô, mô hình, tạo ra thu nhập thường xuyên phục vụ đời sống hàng ngày của người nông dân sống bằng nghề rừng để trong thời gian tới, Sơn La sẽ phát triển trồng rừng gỗ lớn trong nông hộ, nâng cao năng suất rừng trồng.

Anh Lầu A Chứ ở xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên tham gia mô hình trồng sơn tra chia sẻ, mô hình này được người dân địa phương hưởng ứng nhiệt tình. Tham gia mô hình, hộ anh Chứ được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống và phân bón, được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Thông qua dự án, người dân địa phương đã nhận thức được giá trị của cây sơn tra, Nhiều hộ không nằm trong dự án đã tự bỏ vốn mua cây giống, phân bón để trồng.

Xem thêm
Thị trường tín chỉ carbon phát triển nhanh, cạnh tranh khốc liệt

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia mang đến thách thức đáng kể cho Việt Nam trong việc cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Dấu ấn kiểm lâm trong công cuộc bảo vệ rừng Việt Bắc

Điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Thái Nguyên thời gian qua là xây dựng địa bàn không có điểm nóng về khai thác, kinh doanh lâm sản trái phép.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất