| Hotline: 0983.970.780

Phát triển chè, nhìn từ Thái Nguyên: Thả gà ra đuổi

Thứ Sáu 24/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Hầu như nông dân làm chè ở Thái Nguyên cũng đều ý thức được tác hại của việc sử dụng thuốc BVTV độc hại./ Chuyển dịch cơ cấu giống

Ngược lại với nhận thức ấy, tình trạng sử dụng thuốc BVTV trên cây chè ở một số nơi khiến nhiều người lo lắng.

Khó cưỡng

Không ít người làm chè cũng như thương lái nhỏ mua chè ở Thái Nguyên đang tồn tại một quan niệm ấu trĩ. Đó là chè phải có thuốc sâu thì mới ngon. Lý giải là sâu bị tiêu diệt triệt để thì búp chè mới tươi, non, không bị phồng rộp.

Thực tế đó đã khiến những hộ làm chè “lõm” về trình độ thâm canh đã lạm dụng thuốc BVTV. Có nhiều loại thuốc cực độc đã bị cấm nhưng người dân vẫn có thể mua được như Triozan, Monitor, Pezan, Kasai, Ken Tan… Phun 1 lần không hết sâu thì phun lần 2, lần thứ 2 chưa đạt thì trộn kết hợp thuốc của 2 lần vào phun tiếp. Nếu vẫn chưa thấy sâu chết thì mua loại cực độc về phun diệt tất cả các loại sâu trong 1 lần phun.

Cách sử dụng cũng vô tội vạ, nhiều người chọn mua thuốc bằng cách mượn vỏ chai hay bao bì thuốc BVTV của hàng xóm để đi mua. Thậm chí là mô tả về triệu chứng bệnh trên nương chè để chủ cửa hàng bán cho thuốc gì thì dùng thuốc đó. Có người lại dùng thuốc cho các loại cây trồng khác để phun cho chè. Đáng báo động là tình trạng làm cỏ bằng cách phun thuốc diệt cỏ giữa các luống, các hàng chè…

Điều đáng lo lắng là dù có hay không ý thức sâu sắc về tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV nhưng vì lợi ích trước mắt, không ít người làm chè vẫn chưa đảm bảo nguyên tắc của việc sử dụng thuốc BVTV.

Anh Trần Văn Điệp, xóm Đồng Hút, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương bộc bạch, dù không muốn nhưng vẫn phải phun thuốc BVTV. Đơn giản vì không phun thì chắc chắn không có chè để hái. Phun ít không được thì phải phun nhiều. Phun các loại thuốc nhẹ không ổn thì phải phun thuốc nặng (độc hại). Cứ ra cửa hàng hỏi họ sẽ bán cho.

Không thể kiểm soát

Về việc lưu hành những loại thuốc BVTV độc hại đã bị cấm, ông Đào Đức Vinh, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục BVTV Thái Nguyên cho biết, không thể nào kiểm soát hết được. Có cầu ắt có cung, dân cần mua thì kiểu gì các chủ cơ sở cũng mang về để bán, vì lợi nhuận cao. Mới đây, qua kiểm tra đã phát hiện có cơ sở bán thuốc EndoSulfa (thuốc BVTV đã bị cấm).

Theo ông Vinh, toàn tỉnh hiện có trên 850 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Đến nay, cơ quan quản lý Nhà nước không có con số thống kê về số hãng, số Cty kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn. Việc thanh kiểm tra gặp nhiều khó khăn vì các chủ cơ sở thông tin cho nhau khi có đoàn kiểm tra nên họ đồng loạt đóng cửa hàng. Số lượng các cơ sở kinh doanh quá lớn, lại len lỏi đến tận các thôn bản nên không thể kiểm soát hết.

Về cơ chế quản lý, hiện có rất nhiều loại thuốc BVTV sai về nhãn mác, cơ quan BVTV đã lập biên bản để xử lý đối với chủ các cơ sở kinh doanh. Để kiểm soát chặt chẽ vi phạm trên, việc khảo nghiệm, cấp phép đã vượt thẩm quyền của Chi cục BVTV.

Tại các vùng nguyên liệu, nông dân chưa có sự liên kết chặt chẽ với các DN trong việc trồng, thu hái và chế biến chè, đặc biệt là việc sử dụng thuốc BVTV.

Mặt khác, việc phát hiện, lập biên bản và xử lý vi phạm trong sử dụng thuốc BVTV đối với người làm chè là không thể thực hiện. Mặc dù UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định về việc quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa hề vào cuộc.

Chậm lo thì muộn!

Nhờ thương hiệu "đóng đinh", thị trường nội tiêu chiếm tới 70 - 80% sản lượng chè Thái Nguyên nên giá bán luôn cao. Trong khi đó, 20 - 30% sản lượng chè XK lại có giá bán thấp nhiều lần (chè đen từ 2.200 - 2.500 USD/tấn, chè xanh từ 2.800 - 3.500 USD/tấn). Rõ ràng, để có nguồn hàng XK, các DN phải mua chè tại những khu vực có giá bán rất thấp.

Mặc dù số lượng DN XK chè ngày càng nhiều nhưng sản lượng XK của chè Thái lại đang có xu hướng giảm dần. Từ năm 2013 đến nay, sản lượng chè XK đã giảm vài nghìn tấn (từ 8.174 tấn, tổng kim ngạch XK đạt gần 13 triệu USD; năm 2014 chỉ còn 5.386 tấn, tổng kim ngạch đạt 10,2 triệu USD). 

Có thể thấy, việc bảo đảm chất lượng ổn định được coi là rào cản lớn nhất đối với sản phẩm chè khi tham gia XK. Nguyên nhân khiến cho sản lượng chè XK bị tụt giảm là đa số DN chế biến, XK chè chưa có vùng nguyên liệu; việc thu mua chè giữa các DN và người dân trồng chè chưa có hợp đồng chặt chẽ.

Sản lượng XK tụt giảm khiến cho những vùng chè có giá bán thấp bị tồn đọng, không tìm được đầu ra. Thực tế trên đang “ứng” vào vùng chè huyện Định Hóa, khi mà hàng chục tấn chè bị “đắp chiếu”, không thể tiêu thụ.

Ông Hoàng Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Nguyên cho biết, đó là dự báo xấu về hậu quả của tình trạng SX, chế biến chè không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là việc sử dụng thuốc BVTV. Nhiệm vụ số một, giải pháp số một của tái cơ cấu ngành trồng trọt là quản lý chặt chẽ thị trường thuốc BVTV cũng như việc sử dụng thuốc BVTV của người trồng chè. Nếu không, giống có tốt, năng suất có cao, vùng nguyên liệu có rộng mênh mông thì cũng không có thị trường, không có sản phẩm cạnh tranh. Diện tích sẽ co lại, nhiều người sẽ bỏ chè.

Đặc biệt, khi nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng cao thì không chỉ thị trường XK bị cắt mà ngay cả người dân trong nước cũng sẽ chê những túi chè có chất lượng không đảm bảo.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.