| Hotline: 0983.970.780

Phát triển hoa kiểng kết hợp du lịch

Thứ Sáu 26/10/2012 , 10:10 (GMT+7)

Tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng 1 mô hình SX hoa kiểng kết hợp du lịch để làm điểm nhấn và quảng bá hình ảnh làng kiểng Sa Đéc.

TS Nguyễn Thành Tài, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp

Sa Đéc là một trong ba vùng phát triển lớn mạnh về hoa kiểng ở khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Phát huy thế mạnh các chủng loại hoa kiểng chủ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, tỉnh đang xây dựng 1 mô hình SX hoa kiểng kết hợp du lịch để làm điểm nhấn và quảng bá hình ảnh làng kiểng Sa Đéc.

NNVN có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thành Tài, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp về vấn đề này.

Xin ông cho biết thực trạng SX hoa kiểng của TX Sa Đéc hiện nay?

Sa Đéc nổi bật bởi làng hoa Tân Quy Đông. Đây không chỉ là làng nghề truyền thống trồng hoa kiểng, mà còn là hình ảnh của địa phương chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa, hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực khác. Phát triển hoa kiểng ở Sa Đéc có ý nghĩa lớn về kinh tế, VH-XH đồng thời khơi dậy tiềm năng về đất, vốn, kỹ thuật SX, đưa quy mô, trình độ SX hoa kiểng Sa Đéc lên tầm cao mới, tạo nhiều việc làm cho nông dân.

Đến cuối tháng 9/2012, diện tích trồng hoa kiểng thị xã Sa Đéc là 343,59 ha, với khoảng 2.000 chủng loại khác nhau và 1.900 hộ chuyên SX-KD hoa kiểng, cung cấp sản phẩm quanh năm cho nhiều vùng trong cả nước và XK tiểu ngạnh sang một số nước lân cận, với tổng giá trị SX hoa kiểng hằng năm trên 100 tỷ đồng. Đó là các loại cây công trình, các loại hoa chủ lực; hoa cắt cành, cây trang trí nội thất, trang trí công trình nội địa phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị.

Để phát triển làng hoa kiểng, tỉnh đã thực hiện những giải pháp nào?

Trước mắt chúng tôi tập trung giải quyết các vướng mắc về kỹ thuật cho làng hoa như giống hoa, kỹ thuật điều khiển ra hoa, sâu bệnh và chủ động lịch thời vụ để nâng cao hiệu quả SX. Ổn định giá cả nguyên liệu đầu vào, đầu ra cho sản phẩm hoa kiểng; hỗ trợ nhà vườn tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển SX.

Củng cố hoạt động của HTX hoa kiểng để phát huy vai trò nòng cốt trong định hướng SX cho địa phương; tiếp tục thực hiện xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hoa kiểng Sa Đéc thông qua việc tổ chức tham gia lễ hội, hội chợ trong và ngoài nước; tìm hiểu thị trường hoa kiểng theo thu nhập của người tiêu dùng và nhu cầu tiêu thụ cho trang trí trong nhà, ngoài sân, đền chùa, công viên, hoa kiểng công trình; kết hợp phát triển SX hoa kiểng gắn với du lịch.

Cụ thể sẽ hình thành tour du lịch làng hoa Tân Quy Đông, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chùa Kiến An Cung, đình Vĩnh Phước, chùa Thiên Hậu, bia tưởng niệm Chi đội hải ngoại Trần Phú, trường Tiểu học Trương Vương, các làng nghề truyền thống của địa phương…

Xin ông cho biết những mặt thuận lợi và khó khăn của ngành hoa kiểng của Đồng Tháp?

Về mặt thuận lợi: SX hoa kiểng được hình thành từ lâu đời, điều kiện thiên nhiên rất thuận lợi cho phát triển hoa kiểng. Một số hộ có tâm huyết với làng hoa đã tự tìm giống hoa kiểng mới từ nước ngoài về nhân giống góp phần làm phong phú cho bộ sưu tập giống tại địa phương. 

SX hoa kiểng là một loại hình canh tác có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường ngày càng lớn và thu nhập từ hoa kiểng cao đã kích thích phát triển, diện tích SX hoa kiểng ngày càng được mở rộng, số hộ tham gia càng nhiều. Là một trong những ngành chủ lực của thị xã nên hàng năm thị xã và tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đầu tư cho công tác khuyến nông trong hoa kiểng, đầu tư phòng cấy mô đặt tại trại giống Tân Khánh Đông.

Và nghề trồng hoa kiểng đã góp phần tạo cảnh quan thêm tươi đẹp, nhiều hộ gia đình đã tổ chức trưng bày trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn thu hút khách du lịch nhất là trong những dịp tết và các lễ hội.

Về mặt khó khăn: Hệ thống SX còn lạc hậu chậm cải tiến, mang tính thủ công; thiết bị và công nghệ phần lớn lỗi thời. Người SX hoa kiểng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, còn thiếu vốn. Chính sách hỗ trợ SX hoa kiểng còn hạn chế. Công nghệ nhân giống và lai tạo giống mới chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghệ bảo quản, đóng gói còn yếu. Cơ sở hạ tầng tuy có được đầu tư nâng cấp nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Tổ chức SX chưa có sự liên kết chặt chẽ, đặc biệt là vai trò của các HTX, CLB còn hạn chế trong việc hỗ trợ việc định hướng và tổ chức thực hiện nên các hộ nông dân còn tự mày mò SX và tự tiêu thụ, có lúc bị tư thương ép giá. Mặt khác, diện tích SX hoa kiểng ở thị xã còn manh mún, mang tính tự phát.

Công tác dự đoán, dự báo về thị trường còn hạn chế từ đó người nông dân chưa chủ động được kế hoạch trồng hoa kiểng. Người dân còn chú trọng nhiều vào SX các loại cây công trình ngắn ngày, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng từ đó hiệu quả kinh tế chưa cao.

Việc khai thác SX hoa kiểng kết hợp với tham quan du lịch còn hạn chế. Các hộ SX hoa kiểng đa số nhỏ lẻ, chưa đăng ký giấy phép kinh doanh, chưa thực hiện thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường đối với loại hình SX hoa kiểng. Do đó công tác bảo vệ môi trường khó khăn, chỉ mang tính vận động, tuyên truyền.

Để phát triển nghề SX hoa kiểng cần tập trung vấn đề gì, thưa ông?

UBND tỉnh đã giao cho các ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu về chuỗi giá trị, SX, sâu bệnh, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, giống mới, kỹ thuật điều khiển ra hoa. Thực hiện xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hoa kiểng, đề xuất chính sách hỗ trợ làng nghề nhằm giúp nhà vườn tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư SX. Tăng cường công tác quản lý về môi trường về tình trạng ô nhiễm khí, nguồn nước do ô nhiễm của khu công nghiệp C, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ làng hoa kiểng.

Hướng tới sẽ tổ chức lại SX trên cơ sở củng cố và phát huy vai trò của hội sinh vật, HTX hoa kiểng hoặc tổ hợp tác để quy tụ các nhà vườn tâm huyết phát triển SX theo hướng quy mô lớn với những vùng SX tập trung như vùng SX kiểng lá, kiểng cổ, kiểng công trình, hoa cắt cành, phong lan...

Thưa ông, tỉnh Đồng Tháp quan tâm đến phát triển du lịch ở làng hoa kiểng như thế nào?

Tỉnh tập trung phát triển du lịch đường thuỷ trên sông Tiền trên cơ sở liên kết với Cty Du lịch lữ hành ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL để tổ chức các tour đưa khách về tham quan làng nghề; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...

-Xây dựng mô hình nhà nghỉ du lịch Home Stay từ việc chọn một vài nhà vườn đủ điều kiện để liên kết với các Cty Du lịch trong và ngoài tỉnh.

-Tập huấn cho nông dân để trở thành hướng dẫn viên du lịch giới thiệu giá trị văn hoá, nếp sống và làng nghề cho du khách qua đó gián tiếp quảng cáo làng nghề; thông qua mô hình nhà nghỉ du lịch từng bước sẽ xã hội hoá công tác du lịch mà nhà vườn trồng hoa đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy du lịch làng nghề.

-Tổ chức cho người dân tại làng nghề tham quan học tập kinh nghiệm một số mô hình phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở các tỉnh trong vùng; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hoạt động du lịch để cho người dân hiểu, biết cách làm du lịch, tiến tới xã hội hóa du lịch.

Đồng thời tăng cường vai trò trách nhiệm của các ngành, các cấp và toàn xã hội trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và hạn chế những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch để du lịch phát triển bền vững.

-Vận động khôi phục lại thương hiệu “Vườn hồng Tư Tôn” và đăng ký thương hiệu cho làng hoa kiểng Sa Đéc; phát triển một trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học các loài hoa tại làng hoa Sa Đéc là nơi nghiên cứu và tham quan du lịch.

-Xây dựng phương án SX hoa kiểng kết hợp với tham quan du lịch. Hình thành khu SX, nhân giống, khu dịch vụ, du lịch làng hoa kiểng Sa Đéc thu nhỏ xã Tân Khánh Đông. Hình thành khu đô thị và trung tâm triển lãm hoa kiểng tới năm 2015 khoảng 27 ha và năm 2020 với quy mô đạt 400 ha.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất