| Hotline: 0983.970.780

Phát triển mắc ca, vấn đề còn lại bây giờ chỉ là hành động!

Thứ Bảy 06/05/2017 , 15:03 (GMT+7)

Sáng 6/5, tại TP Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội mắc ca Việt Nam tổ chức hội nghị thường niên năm 2017. 

Cách đây 1 năm, Hiệp hội mắc ca Việt Nam chính thức được thành lập theo Quyết định của Bộ Nội vụ. Tại Đại hội lần thứ nhất, Hiệp hội mắc ca Việt Nam xác định rõ mục tiêu là tập trung mọi điều kiện vật chất, trí tuệ, sức mạnh cho phát triển cây mắc ca.

Quang cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN – PTNT, lãnh đạo UBND một số tỉnh ở Tây Nguyên, Tây Bắc, các doanh nghiệp, người nông dân, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
 

Hiện hữu cây trồng chủ lực

Báo cáo tại hội nghị, Tổng thư ký Hiệp hội mắc ca Huỳnh Ngọc Huy cho biết, đến thời điểm này, những khó khăn ban đầu đã dần vượt qua và tương lai cho một nền sản xuất cây trồng chủ lực đang dần hiện hữu. Ông Huy khẳng định, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ, ngành đã tin tưởng và có kỳ vọng về tiềm năng, lợi thế phát triển của mắc ca tại Việt Nam...

Trong suốt một năm qua, Hiệp hội mắc ca Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn cho doanh nghiệp và người nông dân về trồng mắc ca. Tại các hội thảo đó, Hiệp hội mắc ca và các chuyên gia, nhà khoa học đã lần lượt trả lời thẳng thắn, cởi mở các câu hỏi của người nông dân, lãnh đạo chính quyền các địa phương.

Có ý kiến nêu lên rằng có phải thông qua chương trình này để Hiệp hội “bảo lãnh” cho doanh nghiệp bán cây giống không? Trước những suy nghĩ như thế, lãnh đạo Hiệp hội mắc ca Việt Nam khẳng định rằng, việc lựa chọn loại cây trồng nào là do người dân quyết định. Về phía Hiệp hội mắc ca là mong muốn mang đến cho nông dân một cơ hội làm ăn mới có giá trị kinh tế cao.

Các đại biểu tham quan vườn mắc ca ở Lâm Hà, Lâm Đồng

Theo ông Huy, các đơn vị cung ứng giống được Hiệp hội giới thiệu đều mua cây giống đầu dòng với giá 15 triệu đồng/cây. Có doanh nghiệp họ đầu tư 40 tỷ đồng cho một vườn giống. Trong khi họ bán 50-60 ngàn đồng/cây thì rõ ràng làm giống không lợi nhuận gì trong đó. Vấn đề là một cây giống đó nó sinh tồn và phát triển cho cả một chu kỳ mấy chục năm. Đấy mới là lợi nhuận bền vững cho người trồng mắc ca. Còn mua giống không rõ nguồn gốc, sau này không hiệu quả thì mất mát vô cùng lớn.
 

Chỉ 2 nhà máy là bao tiêu hết sản phẩm

Về một số băn khoăn của dư luận và người dân về thị trường tiêu thụ sản phẩm, phía Hiệp hội mắc ca Việt Nam đã trực tiếp tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, hợp tác tại các quốc gia như Úc, Trung Quốc… Tham gia các đoàn đều có lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số địa phương, lãnh đạo một số doanh nghiệp, người nông dân và các tổ tư vấn giúp việc cho một số cơ quan Nhà nước.

Thông qua các chuyến đi thực tế đó, Hiệp hội mắc ca mong muốn tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. Được biết sản lượng mắc ca Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 600 tấn; nhu cầu thị trường thế giới cũng chỉ mới đáp ứng được 25%. Tại thị trường Trung Quốc nhu cầu sử dụng hạt khô của người dân ở đây rất lớn. Mặc dù vậy, sản lượng mắc ca ở đất nước Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân nên họ vẫn nhập khẩu ở 20 quốc gia trên thế giới.

Điều đáng chú ý của cây mắc ca nó khác hơn hẳn nhiều so với các loại cây trồng hiện nay chính là sự gắn kết của một ngân hàng và hiệp hội bên cạnh người trồng. Nói như Chủ tịch UBND huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai là khi nào Hiệp hội mua hết sản phẩm cho nông dân thì người dân mới có tiền để trả nợ cho ngân hàng. Chính sự cam kết ràng buộc này thể hiện trách nhiệm chung cho các bên.

Tại buổi làm việc của Hiệp hội mắc ca Việt Nam với lãnh đạo chính quyền các tỉnh An Huy, Chiết Giang và Hiệp hội quả khô Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp ở tỉnh An Huy trung tuần tháng 4 vừa qua cho thấy nhu cầu nhập khẩu hạt khô, đặc biệt là mắc ca ở Trung Quốc là rất lớn.

Nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc khẳng định rằng, với diện tích và sản lượng trong lộ trình phát triển mắc ca của Việt Nam 10 năm tới thì chỉ cần 2 nhà máy ở TP Lâm An tỉnh An Huy là tiêu thụ hết. Họ cho rằng, chi phí cho vận chuyển ở các nước Nam Phi sẽ tốn kém hơn so với một đất nước láng giềng như Việt Nam. Do đó, đầu ra cho sản phẩm mắc ca về lâu dài là không mấy lo lắng.

Tại hội nghị thường niên lần này, nhiều ý kiến phát biểu một lần nữa khẳng định tính ưu việt và tiềm năng thế mạnh phát triển mắc ca ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Nghĩa Biên, Viện trưởng Viện Quy hoạch điều tra rừng, Bộ NN – PTNT cam kết rằng sẽ sát cánh cùng Hiệp hội mắc ca Việt Nam. Cùng phối hợp với Hiệp hội để xây dựng dữ liệu về mắc ca, về điều kiện tự nhiên, khí hậu, kỹ thuật, sản phẩm, thị trường để chủ động trong vấn đề phát triển mắc ca ở các địa phương. Cơ sở dữ liệu này sẽ được cập nhật thường xuyên.

“Tôi cho rằng, tâm thế của hội nghị hôm nay nó khác hơn hẳn so với những gì đã diễn ra cách đây 3 năm”, ông Biên chia sẻ.

Ông Nguyễn Nghĩa Biên, Viện trưởng Viện Quy hoạch điều tra rừng nói rằng tâm thế của hội nghị hôm nay khác với 3 năm trước

Rõ ràng là như vậy. Bởi lẽ, sau hội nghị tổ chức ở Buôn Ma Thuật hôm 11/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quan điểm của Chính phủ về phát triển mắc ca, trong đó người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh rằng, Tây Nguyên có thể phát triển 1 triệu ha mắc ca. Và mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã khẳng định rằng, phát triển mắc ca nếu chậm trễ sẽ mất cơ hội...
 

Lâm Đồng đặt ra mục tiêu 15.000ha mắc ca

Trong số các tỉnh phát triển mạnh về mắc ca ở Tây Nguyên, Lâm Đồng là địa phương đi đầu cả về tư tưởng chỉ đạo, quy mô sản xuất. Tỉnh Lâm Đồng thành lập Ban chỉ đạo phát triển mắc ca do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban trực tiếp chỉ đạo. Theo Quyết định Quy hoạch phát triển mắc ca giai đoạn 2016 – 2020, Lâm Đồng phấn đấu đạt 4000 ha, đến năm 2020 cho thu hoạch 950ha, sản lượng 1.700 tấn...

Đến nay diện tích mắc ca toàn tỉnh Lâm Đồng có 1.236ha, trong đó diện tích thu hoạch là 93ha. Có 13 cơ sở ương giống cây mắc ca với khả năng cung cấp 312.000 cây giống/năm...

Phát biểu bày tỏ sự tri ân đến Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, GS Hoàng Hòe, Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam nhấn mạnh: Cách đây 20 năm, chính ông Tạn đã tổ chức chuyến công tác đi nghiên cứu ở Úc. Sau  khi đi xem về, ông Tạn đã quyết định tổ chức nghiên cứu phát triển loại cây trồng này.

GS Hoàng Hòe cho rằng, đường hướng phát triển mắc ca nay đã rõ, Chính phủ và Bộ NN – PTNT rất ủng hộ
“Ở Trung Quốc, Úc mắc ca 10 tuổi chỉ được 7kg quả/cây, trong khi điều kiện khí hậu ở ta cho năng suất rất lớn. Có những giống 4- 5 năm, thậm chí là 2 – 3 tuổi đã có quả. Cây 5 – 6 tuổi đã cho năng suất 10 – 15kg quả/cây. Đó là một may mắn, bước tiến của mắc ca Việt Nam. Mong muốn của tôi là làm thế nào để hạ giá thành sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, ổn định cho nông dân”, GS Hoàng Hòe nói.

20 năm sau, Chính phủ và Bộ NN – PTNT đã khẳng định tiềm năng, thế mạnh của mắc ca. Từ quan điểm này, đã mở đường hướng tốt cho chủ trương phát triển mạnh mẽ cây mắc ca. Chúng ta đã vượt qua được nhiều giai đoạn khó khăn ở bước đầu. Khoa học kỹ thuật luôn là cơ sở quan trọng cho mọi sự phát triển và không riêng gì mắc ca. Chúng ta đã có hợp tác KHKT với Úc. Đây chính là tiền đề quan trọng để giúp cho Việt Nam nói chung và lĩnh vực mắc ca nói riêng có điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, phát triển.

Chính những mạnh thường quân như Tập đoàn Him Lam, Ngân hàng Liên Việt làm cú hích cho mắc ca phát triển. GS Hoàng Hòe nói rằng, các ông lớn này rất mạo hiểm khi lựa chọn nông nghiệp để đầu tư. Và GS cũng cảnh báo là sẽ còn nhiều mạnh thường quân khác muốn đầu tư vào mắc ca. Tuy nhiên, GS rất tin tưởng những việc làm của Him Lam và Lienvietpostbank...

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.