| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nấm - Sản phẩm quốc gia

Thứ Sáu 06/12/2013 , 10:26 (GMT+7)

SX nấm ăn và nấm dược liệu phù hợp với tất cả các vùng, miền trong cả nước. Hàng triệu lao động nông thôn sẽ có công ăn, việc làm, thu nhập ổn định...

Nấm ăn, nấm dược liệu và tiềm năng phát triển

Nấm ăn, nấm dược liệu không những có giá trị về mặt dinh dưỡng (rất giàu protein - đạm thực vật, chiếm 30 - 40% chất khô, glucid, lipid, các axit amin, vitamin, các khoáng chất...), nấm còn có các hoạt chất sinh học (polysaccharide - chất đa đường, axit nucleic...). Vì vậy, có thể coi nấm như một loại rau sạch, thịt sạch, thực phẩm chức năng, thuốc trong y dược.

Nước ta có trên 40 triệu tấn rơm rạ, và hàng chục triệu tấn mùn cưa, bã mía, thân lõi ngô phần lớn đang đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Nếu sử dụng số nguyên liệu này để chuyển sang trồng nấm thì sẽ tạo ra hàng triệu tấn nấm thương phẩm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, đem lại nguồn thu lớn cho quốc gia.

SX nấm ăn và nấm dược liệu phù hợp với tất cả các vùng, miền trong cả nước. Hàng triệu lao động nông thôn sẽ có công ăn, việc làm, thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế, chính trị, an sinh xã hội.


Nông dân thôn Bùng, xã Bình Dương (Gia Bình, Bắc Ninh) thu hoạch nấm rơm trái vụ

Vốn để đầu tư phát triển ngành nấm chủ yếu là nguyên liệu, công lao động (chiếm tới 70 - 80% đầu vào) đã có sẵn ở trong nước. Trồng nấm không phải nhập khẩu bất cứ nguyên liệu, vật tư, phân bón... từ nước ngoài như các ngành SX khác mà lại tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Phế thải sau thu hoạch nấm chuyển sang làm phân hữu cơ, chất lượng loại phân bón này tương đương với phân chuồng loại tốt. Thời tiết khí hậu ở VN cho phép SX tất cả các loại nấm trên thế giới đang nuôi trồng (khoảng gần 100 chủng loại).

Từ những năm 1970, chúng ta đã bắt đầu chú ý đến việc nghiên cứu và SX nấm, đến nay đã làm chủ được công nghệ chọn tạo giống, nuôi trồng, chế biến 18 loại nấm ăn và nấm dược liệu. Các công nghệ này đang phổ cập cho nhiều người dân áp dụng để SX.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm nấm ở trong nước và thế giới ngày càng phát triển. Toàn thế giới có khoảng 5 triệu tấn nấm lưu thông, trong đó Trung Quốc là nước xuất khẩu nấm lớn nhất, Mỹ, Nhật, Tây Âu... phải nhập khẩu nấm vì trong nước SX không đủ và giá rất cao.

Ngay nước ta cũng đang phải nhập khẩu một số loại nấm cao cấp như kim châm, đùi gà, ngọc châm, nấm hương, linh chi từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan với số lượng hàng chục ngàn tấn/năm. Dự đoán trong tương lai nhu cầu tiêu dùng nấm ngày càng tăng ở cả hai thị trường trong nước và thế giới.

Hiệp hội Nấm ăn thế giới khuyến cáo: Nấm ăn và nấm dược liệu là thức ăn của loài người trong thế kỷ 21. Đánh giá sự văn minh của một quốc gia căn cứ vào chỉ tiêu bình quân lượng nấm tiêu thụ/đầu người/năm của quốc gia đó là bao nhiêu kg? Hiện một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Đức đang tiêu thụ 5 - 6 kg nấm/người/năm.

KHCN phát triển nấm

Trong mấy chục năm qua các viện, trường, trung tâm nghiên cứu ở VN đã ứng dụng các kết quả trong lĩnh vực công nghệ sinh học như kỹ thuật di truyền, nuôi cấy mô, đột biến, công nghệ lên men... từ phòng thí nghiệm đến các cơ sở SX để chọn tạo, SX, nuôi trồng, chế biến nấm ăn và nấm dược liệu.

Năng suất và chất lượng một số loại nấm (mộc nhĩ, nấm rơm) tương đương với Trung Quốc, Đài Loan. Nhiều loại nấm khác mới chỉ đạt 60 - 70% về năng suất và chất lượng so với các nước phát triển trên thế giới.

SX nấm ăn và nấm dược liệu đòi hỏi phải thực hiện một chuỗi các công nghệ khép kín từ khâu chọn tạo giống, xử lý nguyên liệu, môi trường nuôi, chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến phòng trừ sâu bệnh. Đây là một ngành công nghệ sinh học nông nghiệp công nghệ cao.

Các ngành công nghiệp khác như điện công nghiệp, xây dựng, giao thông, cơ khí chế tạo máy, điện lạnh, tự động hoá sẽ phát triển đồng bộ với ngành SX nấm. Đó là các thiết bị dùng trong SX giống, nuôi trồng, chế biến nấm như khử trùng nguyên liệu, điều chỉnh nhiệt độ cao, thấp, tưới phun, thông khí, các loại máy cắt, ép rơm rạ, nghiền mùn cưa, thân lõi ngô, đảo trộn nguyên liệu, đóng túi, cấy giống tự động, cắt nấm, sấy khô, đóng hộp...

Trung Quốc đã tổng kết cứ 1 người trồng nấm chuyên nghiệp thì sẽ có thêm 28 người ăn theo. Phát triển ngành nấm sẽ thúc đẩy ngành y tế để SX các loại thuốc bổ, thuốc bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...

SX nấm trong nước và thế giới

Mỗi năm nước ta SX được khoảng trên 250.000 tấn nấm tươi các loại, chủ yếu là nấm rơm, mộc nhĩ, nấm sò, nấm mỡ, linh chi... tổng kim ngạch XK đạt gần 100 triệu USD/năm, chủ yếu là nấm rơm muối, đóng hộp; mộc nhĩ khô; nấm mỡ tươi và muối. Thị trường XK khoảng trên 20 nước nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Giá và chất lượng nấm XK của VN có thể đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc và các nước khác. Nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày càng tăng cả về số lượng và giá cả (mức tăng trên 10%/năm). Điều quan trọng nữa là chúng ta không phải bỏ đô la để chi đầu vào trong SX nấm.

Cả thế giới mỗi năm SX được gần 30 triệu tấn, trong đó riêng Trung Quốc đạt trên 20 triệu tấn. Những năm 1960 vùng lãnh thổ Đài Loan XK nấm đạt 100 triệu USD/năm và lấy việc phát triển SX nấm làm đột phá trong ngành nông nghiệp.

Từ năm 1980 đến nay, một số tỉnh ở Trung Quốc như Phúc Kiến coi nấm là cây làm giàu. Phúc Kiến có khoảng 4 triệu người chuyên trồng nấm (chiếm trên 10% dân số). Hàn Quốc, Đài Loan... đang nhập khẩu mùn cưa, rơm rạ, thân lõi ngô từ VN và họ SX nấm đạt giá trị gần 10 tỷ USD/năm, XK nấm đến hơn 80 quốc gia.

Kinh nghiệm phát triển nấm ở Trung Quốc và Hàn Quốc là ngay từ những năm 1980, Chính phủ đầu tư kinh phí nhập khẩu công nghệ và thiết bị hiện đại từ các nước phát triển như Mỹ, Hà Lan… để công nghiệp hóa ngành SX nấm.

Xu thế phát triển SX nấm đang chuyển dịch đến các nước nông nghiệp trong đó có VN vì là nơi có nhiều nguồn nguyên liệu để trồng nấm do quá trình SX nông nghiệp và công nghiệp nhẹ tạo ra, đồng thời cũng là nước có nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ. SX nấm ngày càng được cơ giới hoá, tự động hóa và trở thành một ngành kinh tế mạnh trên thế giới.

Một số nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc đã và đang đầu tư vào VN để SX, chế biến và tiêu thụ nấm (có gần 20 cơ sở đang hoạt động từ Bắc vào Nam). Đây cũng là những đối tác tạo ra sự cạnh tranh để thúc đẩy ngành nấm VN cùng phát triển.

Trên thế giới, trong SX nông nghiệp ngoài ngành trồng trọt và chăn nuôi, nấm còn được xếp vào là ngành SX thứ ba.

Cần đẩy mạnh ứng dụng KHCN tiên tiến trong các lĩnh vực sinh học, công nghiệp, thông tin... để nghiên cứu và SX nấm phát triển nhanh chóng. Đưa VN trở thành quốc gia mạnh về nấm. Phấn đấu đến năm 2020, mỗi năm VN SX được 1 triệu tấn nấm, giải quyết việc làm cho 1 triệu lao động chuyên nghiệp, doanh thu trên 1 tỷ USD/năm (trong đó giá trị XK trên 500 triệu USD).

Xây dựng ngành nấm VN trở thành một ngành kinh tế phát triển bền vững, có thương hiệu trên thế giới. Mỗi năm sử dụng trên 10 triệu tấn nguyên liệu (rơm, rạ, mùn cưa, thân lõi ngô, bã mía...) để SX 30 chủng loại nấm.

Từng bước đưa cơ giới hoá, xây dựng các nhà máy chuyên SX nấm theo quy mô công nghiệp, đảm bảo cung cấp lượng nấm ổn định cho thị trường trong nước cũng như XK.

 

(*): Tác giả hiện là GĐ Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm