| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nền báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp

Thứ Hai 21/06/2010 , 07:00 (GMT+7)

Ngày 19/6 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo TƯ, Hội Nhà báo VN, Bộ TT- TT đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển báo chí Việt Nam cách mạng và hội nhập”.

Lãnh đạo báo chí và các cơ quan quản lý báo chí trao đổi tại hội thảo

Ngày 19/6 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo TƯ, Hội Nhà báo VN, Bộ TT- TT đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển báo chí Việt Nam cách mạng và hội nhập”.           

Vượt bậc về mọi phương diện         

40 tham luận đã được gửi đến hội thảo, trong đó có 14 ý kiến tham luận trực tiếp. Các tham luận tập trung vào những vấn đề “nóng” của nền báo chí nước ta như lịch sử, lý luận quan điểm và đường lối báo chí cách mạng Việt Nam, những bài học kinh nghiệm 85 năm qua của báo chí cách mạng; báo chí Việt Nam đã thực sự lớn mạnh và chuyên nghiệp chưa? Vấn đề thương mại báo chí, việc quản lý báo chí.  

Đánh giá của Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: 85 năm không ngừng phấn đấu để luôn luôn theo sát sự vận động nhanh chóng và phức tạp của thực tiễn, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự mở rộng về chức năng nhiệm vụ. Từ một vũ khí bí mật của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã trở thành tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Chính điều này đã làm thay đổi đáng kể diện mạo, đồng thời bổ sung những điểm mới mẻ vào kho tàng lý luận báo chí nước ta.          

Báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay đã trưởng thành vượt bậc về mọi phương diện; tăng loại hình; tăng số lượng cơ quan báo chí; tăng số đầu báo, tạp chí, chương trình, chất lượng nội dung, hình thức, công nghệ in ấn, truyền tải thông tin đều tăng; tăng số lượng, phạm vi phát hành, phạm vi phủ sóng, thời lượng phát sóng; tăng số nhà báo và đội ngũ những người làm việc trong các cơ quan báo chí; tăng số lượng công chúng báo chí cả trong và ngoài nước; tăng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật…Trong sự phát triển đó, không thể không nhắc đến sự phát triển đột phá của báo điện tử.  

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh khẳng định: “Theo đà của sự nghiệp đổi mới, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo. Báo chí càng phát triển càng phải phát huy bản chất cách mạng của báo chí Việt Nam, thực chất là nền báo chí vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng với mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Bắc Son mong rằng, qua hội thảo, đội ngũ những người làm báo, đặc biệt là các nhà báo trẻ có dịp hiểu thêm lịch sử phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.   

Tiến đến nền báo chí chuyên nghiệp         

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có trên 17.000 người được cấp thẻ nhà báo được đào tạo bài bản, năng động, nhạy bén hơn, song cũng biểu hiện những yếu kém như kém về nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị; chưa nhận thức đúng, đầy đủ về tinh thần trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Những điều đó ít nhiều làm gây tổn hại tới lòng tin của nhân dân đói với các cơ quan báo chí, đồng thời cũng là sự trở ngại lớn đối với sự phát triển của nền báo chí nước nhà.  

Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, nguyên nhân xét từ góc độ khoa học, nguyên nhân trực tiếp và cũng căn bản nhất là nền báo chí của chúng ta có tính chuyên nghiệp chưa cao. Điều này bộc lộ ở nhiều phương diện, nhiều góc độ của hệ thống báo chí nước ta: từ việc bố trí cán bộ lãnh đạo, tuyển chọn và sử dụng người làm báo; xây dựng mô hình báo chí; đào tạo nhân lực. “Và rõ ràng, khi tính chuyên nghiệp còn non kém, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nền báo chí cách mạng nước ta chắc chắn sẽ khó khăn trong việc duy trì và phát huy mạnh tính chiến đấu của mình”.  

Tham luận tại hội thảo, nhà báo lão thành Hữu Thọ đặt câu hỏi: Báo chí Việt Nam chuyên nghiệp chưa? Chuyên nghiệp rồi thì ở chỗ nào? Sự chuyên nghiệp ấy khác với sự chuyên nghiệp của thế giới? Nhà báo Hữu Thọ cũng cho rằng, nhà báo - chiến sĩ gắn liền với nhà báo - công dân gương mẫu, thực hiện và đấu tranh bảo vệ luật pháp. Những gì có thể gây mất ổn định xã hội thì vì lợi ích chung, nhà báo - công dân không nên làm. Những gì biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội chỉ chạy theo thành tích, phô trương, lãng phí, hình thành phe nhóm cần kiên quyết đấu tranh.  

Bộ TT-TT cho rằng cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đối với đội ngũ làm cán bộ, quản lý báo chí; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo quản lý báo chí với cơ quan chủ quản báo chí; cần sự giám sát của nhân dân và cả hệ thống chính trị; các cơ quan hành chính và tổ chức cần thực hiện tốt chế độ cung cấp thông tin định hướng giúp báo chí thông tin kịp thời chính xác, phù hợp với lợi ích đất nước, nhân dân.

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Vụ trưởng Vụ   Báo chí - xuất bản, Ban Tuyên giáo TƯ:

“Thời gian tới sẽ tiếp tục thể chế đường lối, quan điểm của Đảng vào bổ sung, sửa đổi Luật  Báo chí, chiến lược thông tin quốc gia đến năm 2020, xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chế tài đủ mạnh để vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng hướng vững chắc, vừa xử lý kịp thời, dứt điểm các sai phạm, nhất là các sai phạm lớn lặp đi lặp lại kéo dài.

Các cơ quan báo chí khẩn trương lập đề án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống các cơ quan báo chí của cả nước, của từng bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị theo hướng hợp lý, tinh gọn, thiết thực và hiệu quả. Kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí xét không thấy cần thiết, nội dung trùng lặp, hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích hoặc để sai phạm kéo dài”.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.