| Hotline: 0983.970.780

Phát triển rừng phòng hộ ven biển

Thứ Tư 09/04/2014 , 07:00 (GMT+7)

Việc đầu tư xây dựng công trình phòng chống lụt bão, đê kè kiên cố là cần thiết nhưng đòi hỏi rất nhiều tiền của. Trong khi đó, trồng một ha rừng ngập mặn chỉ hết trên dưới 100 triệu đồng.

Sau gần 20 năm trồng, chăm chút từng cây bần chua, sú vẹt, đến nay 520 ha rừng phòng hộ (RPH) ven biển Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã và đang từng ngày chắn sóng, chắn gió bảo vệ đê biển, bảo vệ người dân và môi trường sinh thái.

Lá chắn bảo vệ đê

Huyện Hậu Lộc có hơn 2.000 ha đất rừng; trong đó, diện tích trồng RPH 520 ha; rừng đặc dụng hơn 434 ha và rừng SX hơn 631 ha. Những năm qua ngoài phát triển diện tích rừng đặc dụng và SX, Hậu Lộc tập trung kêu gọi các dự án, huy động ngân sách, vận động nhân dân trồng, bảo vệ diện tích RPH ven biển.

Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cho biết, RPH ven biển bắt đầu được trồng từ năm 1996, tập trung ở 4 xã gồm Hải Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc và Đa Lộc với hai loài cây trồng chính là sú vẹt và bần chua. Ban đầu diện tích này manh mún nhỏ lẻ, song thông qua các chương trình, dự án trồng rừng hàng năm, đến nay toàn huyện đã có 520 ha; cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, bình quân cao 4 m, đường kính gốc 15 cm.

Cũng theo bà Liên, sau cơn bão lịch sử tháng 7 năm 2005 làm vỡ một số đoạn đê, nhất là đoạn qua xã Đa Lộc, nhấn chìm nhà cửa, tài sản của hàng nghìn hộ dân từ đó nhận thức của bà con về việc trồng RPH được nâng lên rất nhiều.

 Mỗi khi huyện, xã phát động phong trào trồng rừng là người người tham gia, nhà nhà ủng hộ. Thậm chí bây giờ hễ có người lạ vào rừng chặt cây là họ báo cáo ngay với chính quyền để có biện pháp ngăn chặn hoặc khi phát hiện rác bám vào cây bà con cũng chủ động vệ sinh sạch sẽ.

Anh Nguyễn Văn Nam, thôn Đông Tân, xã Đa Lộc nói: "Mùa bão lũ những năm gần đây nếu không có rừng cây ngập mặn chắn sóng, chắn gió chắc chắn nhiều đoạn đê đã vỡ như năm 2005".

Phát triển sinh kế bền vững

Gia đình anh Vũ Thanh Tâm, xã Đa Lộc ở ngay sát chân đê, ngày thường sóng yên biển lặng anh ra khơi đánh bắt cá. Những ngày biển động, anh ở nhà phụ giúp vợ con chăn nuôi gần 1.000 con vịt, nhờ nguồn thức ăn trong rừng sú vẹt dồi dào nên vịt lớn vùn vụt, xuất bán mỗi năm đạt gần trăm triệu đồng.

Từ nay đến 2015, thông qua các dự án của Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung; Chi cục Đê điều & PCLB; Sở TN-MT Thanh Hóa, huyện Hậu Lộc phấn đấu trồng rừng 430 ha diện tích đất ven biển còn lại. Đến năm 2020 hoàn thành kế hoạch mở rộng chiều ngang của rừng lên 500 m (tính từ chân đê trở ra).

Đến mùa hoa sú nở, hàng trăm tổ ong cũng được người dân trong và ngoài tỉnh đem về nuôi, khai thác mật hoa. Sau khi ong ăn đủ chất người nuôi thu mật bán luôn tại địa phương.

Ngoài các ngành nghề trên, nhiều hộ dân ở Đa Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc... mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng đào ao nuôi tôm nước lợ. Không ít gia đình trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm. Gia đình anh Hưng, xã Hải Lộc là một điển hình. Mặc dù ấp ủ ý tưởng nuôi tôm từ lâu nhưng do trước đây chưa có rừng cây chắn sóng, lo sợ vỡ đê cuốn trôi tất cả nên anh không dám đầu tư.

Đến năm 2009, khi rừng cây bần chua đã lớn, các cơn bão đều bị chặn lại, không còn ảnh hưởng đến khu dân cư nên anh Hưng đầu tư 450 triệu nuôi 2 ao tôm. Kết quả, "đất không phụ công người", mỗi vụ thu hoạch anh lãi bình quân 150 - 200 triệu đồng, những năm sau đó lợi nhuận từ mô hình này đã giúp gia đình anh trở thành tỷ phú.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc nhấn mạnh: "RPH ven biển không chỉ chắn sóng, chắn gió bảo vệ đê; làm đa dạng hệ sinh thái biển, bảo vệ môi trường; cải tạo đất, đề phòng nước biển dâng mà còn góp phần đắc lực giúp hàng nghìn hộ dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống".

Theo ông Long, việc đầu tư xây dựng công trình phòng chống lụt bão, đê kè kiên cố là cần thiết nhưng đòi hỏi rất nhiều tiền của. Trong khi đó, trồng một ha rừng ngập mặn chỉ hết trên dưới 100 triệu đồng. Vì thế, Trung ương, tỉnh cần cân đối nguồn lực tiếp tục quan tâm đầu tư trồng RPH ven biển nhiều hơn nữa, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất