| Hotline: 0983.970.780

Phê bình hàn lâm cần xích lại gần phê bình truyền thông

Chủ Nhật 25/06/2017 , 08:30 (GMT+7)

Đội ngũ lý luận phê bình chuyên nghiệp được đào tạo căn bản từ các  khoa chuyên ngành của các trường đại học, văn hóa nghệ thuật là có nhưng thiếu và bị rơi rụng.

Hiện nay đội ngũ lý luận phê bình đang đứng trước một thực trạng là vừa thiếu lại vừa yếu, lại bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau của một cơ chế thị trường, khi mà internet chiếm lĩnh thị phần thông tin, khi mà nghệ thuật PR đang làm lung lay cả những người cảnh giác nhất trước các chiến dịch đánh bóng tên tuổi tác giả tác phẩm. Thiếu và Yếu là nguyên nhân nội tại.

18-20-32_trng_28
Ảnh minh họa

Đội ngũ lý luận phê bình chuyên nghiệp được đào tạo căn bản từ các  khoa chuyên ngành của các trường đại học, văn hóa nghệ thuật là có nhưng thiếu và bị rơi rụng. Học thật  tốt thật sâu cái ngành của mình là một yếu tố để làm nền tảng cho nghề lý luận phê bình. Và đa số các nhà lý luận phê bình thuộc dòng phê bình hàn lâm đều đáp ứng được đòi hỏi này. Nhưng cái khó của họ là ở đầu ra? Dù có thể rất giỏi nhưng họ sẽ làm gì? Viết cho ai? Đăng ở đâu? Nếu họ vào đầu quân cho các báo ? Liệu họ có giữ được yếu tố độc lập để làm lý luận phê bình không? Liệu họ có sống nổi khi các báo đài dành một diện tích , một thời lượng rất khiêm tốn cho cái nghề lý luận phê bình không? Câu trả lời là không. Họ đã được đào tạo tốt, viết tốt nhưng cũng khó có thể có đất sống, đó là chưa kể đôi khi họ không đủ dũng khí để vượt qua một rào cản vô hình nào đó hoặc chẳng dám cả gan chạm vào tâm lý “văn mình vợ người” của giới sáng tác.

Lực lượng lý luận phê bình- những người được coi là tiên phong của tiên phong - được đào tạo và hoạt động như thế nào là do nhiều  lý do chứ không phải lỗi chính ở khâu đào tạo trong nhà trường. Thật ra, lực lượng LLPB không cần  phải quá đông như các lĩnh vực khác. Có đào tạo thật đông đảo, thật hàn lâm mà họ không có điều kiện phát huy, không tham gia vào lĩnh vực LLPB trên  sách báo thì cũng  thế thôi.

Vấn đề là năng lực và sự tự đào tạo đào tạo lại. Chính các nhà báo viết về lĩnh vực nào thì phải tự đào tạo mình, tự học hỏi bằng cách theo học ngành đó hoặc học hỏi từ các nhà chuyên môn. Không học chính quy được thì học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, học qua sách vở, qua người đi trước.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc LLPB có những yếu kém như phần đề dẫn đã nêu ra, chúng tôi muốn  nói đến yếu tố con người. Có 3 thực trạng như sau: 1. Người viết non kém không am hiểu VHNT. 2. Người viết bị chi phối bởi cơ chế thị trường. 3. Người viết hay kéo nhau viết hội đồng, a dua, cố tình viết sai lệch vì động cơ nào đó. Những khiếm khuyết đó tác động ít nhiều đến hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nhưng nếu nói phương tiện truyền thông phải có những bài lý luận phê bình chuyên môn cao, sâu sắc, thì có lẽ hơi khó cho báo chí, bởi lĩnh vực chuyên môn sâu cần phải có những chuyên gia, những nhà nghiên cứu tầm cỡ. Báo chí chỉ có thể cộng tác với họ chứ phóng viên của báo thực sự rất ít người có được trình độ tầm cỡ như vậy.

Hiện nay các báo đài đều có những phóng viên chuyên theo dõi các mảng VHNT. Thông thường thì những người này được phân công theo dõi lĩnh vực VHNT với mấy lý do là: Đã từng tham gia (biết viết văn làm thơ hay… yêu văn học nghệ thuật chẳng hạn). Đã từng học ngành có liên quan đến Khối C, đến ngành VHNT. Đã có thâm niên theo lĩnh vực này. Còn tuyển được gà nòi để làm lý luận phê bình thì rất hiếm. Cả 3 yếu tố trên đã là sự lựa chọn tốt nhất có thể.

Có thể nhiều người vẫn nghĩ viết lĩnh vực VHNT dễ hơn là viết chứng khoán, sướng hơn là viết nội chính, oai hơn là viết về vệ sinh môi trường. Nhiều người viết lấy tư liệu và cảm thụ VHNT bằng… tai, tức là chỉ thông qua những gì người ta nói, chứ sự tinh tế cảm thụ và kiến thức cá nhân rất mỏng mảnh. Đó là một thực tế. Chính vì sự thiếu đầu tư ấy nên có người đi viết VHNT mà chưa nắm rõ được thể loại chứ nói gì phê phán đến vấn đề chủ nghĩa, trường phái, trào lưu, phong cách, tư tưởng. Cho nên cách phê bình ăn theo, cảm tính, hóng hớt, a dua là “ sự lựa chọn của tôi” mà không có hoặc không dám nhờ quyền trợ giúp cũng như xin thay đổi đề tài.

Vậy vấn đề ở đây là giới truyền thông nên đầu tư nhiều hơn cho người viết phê bình lĩnh vực VHNT. Đây là lĩnh vực  không chỉ yêu cầu kiến thức nền tảng, mà còn có yếu tố rất quan trọng là cảm thụ của tâm hồn, liên quan rất nhiều mảng miếng nghề, biết rộng, hiểu sâu mới chạm nổi các vấn đề của VHNT. Thực tế cho thấy, một số báo có phóng viên đã từng tốt nghiệp mỹ thuật, sân khấu điện ảnh, nhạc viện… hoặc có thời gian dài theo dõi VHNT thường viết tốt hơn hẳn các đồng nghiệp khác cùng lĩnh vực này. Nhưng rất tiếc, số đó đang ít dần nếu không nói là rất hiếm. Để kết thúc phần nói về đào tạo người viết LLPB lĩnh vực VHNT, tôi xin nhắc lại một câu nói của nhà báo lão thành Hữu Thọ: “Một nhà báo nên tốt nghiệp ba trường, đó là trường chuyên ngành, trường báo chí và trường đời”. Nếu một phóng viên viết LLPB đáp ứng được điều đó, chúng tôi nghĩ là sẽ tốt hơn rất nhiều. Và ai sẽ giúp người viết LLPB hội tụ được các yếu tố Cần và Đủ đó?  Đó chính là sự phối hợp đào tạo và liên kết đầu tư giữa các Hội chuyên ngành với các phương tiện truyền thông.

Để vượt qua cái làn ranh giữa một bài giới thiệu tác giả tác phẩm như điểm sách, đưa tin có bình luận…để thành với một công trình nghiên cứu, một tác phẩm LLPB là cả một sự khó khăn. Song làn ranh đó là sự phân biệt đâu là nhà LLPB, đâu là người đưa tin và bình phẩm chung chung. Nhà LLPB thứ thiệt biết chấp nhận dư luận, biết chịu đựng sự trả giá, đôi khi của cả sự giận hờn của chính  của những tác giả bạn bè thân thiết nhất. Đổi lại họ được cái gì? Họ được cái danh hiệu là cầu nối giữa tác giả và độc giả. Họ được gọi là Người đọc số 1 của  các tác giả. Họ được các giới lãnh đạo và các NXB coi như cái hàn thử biểu để đánh giá một tác phẩm nào đó. Và cái được này chính là cái đích cần nhắm đến của người viết LLPB không chuyên trên các phương tiện truyền thông.

18-20-32_trng_29
Ảnh minh họa

Để có năng lực Phê và Bình đó, họ phải thực sự dựa vào lý luận, tự thân vận động và khẳng định. Không ai cho họ cái quyền năng tối thượng đó cả. Và cũng không nên tạo ra một chuẩn mực quá khắt khe với họ.

Đừng nên coi “khách quan” là một tiêu chuẩn bắt buộc của người viết LLPB. Khách quan thế nào trong khi họ phải dùng cái lý của họ, cái năng lực tri thức tích lũy từ đông tây kim cổ và sự thâm sâu đến tận cả những điều tác phẩm tác giả chưa nói ra. Họ phải chịu trách nhiệm phê lẫn bình, chịu trách nhiệm trước búa rìu dư luận, và hoạt động của người viết LLPB cũng mang tính chủ quan, lý tính chứ không thể cảm tính. Đòi hỏi sự khách quan nơi họ quá lại là điều làm giảm sức mạnh của cái roi phê bình.

Không nên áp đặt cho người viết LLPB nên hoặc phải ca ngợi tác phẩm này, đừng nhắc đến hoặc phải đánh tác giả kia. Hãy cứ sòng phẳng cho các người viết LLPB trình bày cảm thụ và năng lực thẩm thấu, tư duy khoa học của mình,kể cả khi họ có ý kiến khác biệt. Khi họ có sự độc lập và được tôn trọng, họ sẽ có niềm say mê nghiên cứu và lao vào cày xới cái địa hạt cằn cỗi này.

Vậy theo chúng tôi, muốn củng cố và nâng cao năng lực thẩm định tác phẩm thì hãy tin vào người viết LLPB, hãy đặt hàng và hãy lắng nghe người viết   LLPB, kể cả các người viết trên các phương tiện truyền thông. Hãy cho họ thêm điều kiện như  diện tích, thời lượng đăng bài vở lý luận phê bình để có thể viết sâu sắc, dài hơn, đến nơi đến chốn...

Cuối cùng, phải nhìn nhận báo chí truyền thông là phương tiện chính để chuyên chở các bài LLPB, cái hay ở đó mà cái dở cũng ở đó,  với thế mạnh và cách  tuyên truyền đại chúng của mình, phương tiện truyền thông cũng đã tạo ra một hiệu quả mạnh mẽ  cho bạn đọc trước mỗi tác phẩm chứ không chỉ toàn hạn chế như một vài ý kiến đã nhận định... Chúng ta còn nhớ câu chuyện về cuốn Nhật Ký Đặng Thùy Trâm. Cuốn sách này ban đầu  được một nhà xuất bản in thành sách, nhưng khi đó cuốn sách chưa được dư luận quan tâm đúng mức. Chỉ đến khi cuốn sách được đăng lại nhiều kỳ với một cách tuyên truyền quảng bá kết hợp nhiều loại hình văn học báo chí, xã hội học…, cuốn sách mới trở thành một hiện tượng trong đời sống  xã hội và trở thành một cuốn sách bán chạy nhất, hiệu ứng xã hội  rất cao và sức sống của nó còn lan tỏa ra khắp thế giới.

(Kiến thức gia đình số 24)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.