| Hotline: 0983.970.780

Phiên tòa bị phản ứng dữ dội

Thứ Năm 31/05/2012 , 09:55 (GMT+7)

Bản án đã được hai lần tuyên nhưng gia đình bà Phạm Thị Hữu cùng con cháu không thể chấp nhận, bởi họ đã ở trên mảnh đất đó hơn 30 năm, đã được Nhà nước đưa vào bản đồ 299, cấp sổ đỏ.

Gia đình ông Hoàng Ngọc Bách ở thôn Hội Yên, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) bỏ nhà, bỏ quê chạy loạn vào tỉnh Bình Tuy năm 1967. Sau ngày thống nhất đất nước, bà Phạm Thị Hữu được UBND xã Hải Quế phân đất ở nơi vườn nhà ông Bách và được cấp sổ đỏ. Thế mà hai phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm xử, buộc chủ sở hữu phải trả lại đất sau gần 40 năm ăn ở ổn định gây nên phản ứng mạnh mẽ.

Bỗng dưng mất nhà

Cuối năm 2009 đầu 2010, các nguyên đơn gồm Hoàng Thị Xê (SN 1940), Hoàng Viết (1951), Hoàng Thị Đệ (1942), Hoàng Ngọc Đức (1948) - đều trú tại TP.Hồ Chí Minh và Hoàng Ngọc Thiện (1944) - trú tại TP.Huế, kiện ra TAND huyện Hải Lăng đòi lại nhà, đất tại làng cũ Hội Yên do cha của họ là ông Hoàng Ngọc Bách từng ở và gia đình họ đã rời bỏ đi từ những năm 1960 cho đến nay.

Bị đơn là bà Phạm Thị Hữu (1939), người cũng có sở hữu nhà đất từ xưa, nhưng sau năm 1975 khi từ ấp chiến lược trở về chính quyền lấy đất của bà cấp cho người khác, và gia đình bà cũng được chính quyền địa phương phân cho về ở tại mảnh đất của cha các nguyên đơn nói trên. Cũng xin được nói thêm rằng, bà Hữu là em dâu ông Bách nên khi về tiếp quản nơi ở trên bà Hữu lập bàn thờ chăm lo hương khói cho cả dòng tộc chính là cha, mẹ ông Bách.

Tại các phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng, việc bà Hữu đến ở trên mảnh đất đó là do tự đến ở, không phải thực hiện theo chủ trương di dân của chính quyền và cũng chưa được sự đồng ý của gia đình ông Bách. Ngoài ra, bà Hữu không có giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc tạo lập đất và nhà ở nói trên là hợp pháp. Vì những lý lẽ đó, toà tuyên, buộc bà Hữu phải trả lại cho các nguyên đơn căn nhà cấp 4 và diện tích 1.228m2 đất tại làng Hội Yên. Bà Hữu được quyền tháo dỡ nhà và các nguyên đơn phải hỗ trợ cho bà Hữu 30 triệu đồng để di dời phần mái và tạo lập chỗ ở mới.

Ông Hoàng Dụ, lão thành cách mạng, nguyên Trưởng thôn năm 1976; ông Hoàng Ngọc Khai, nguyên Ban cán sự thôn năm 1976 khẳng định rằng: Năm 1976, chủ trương của Đảng, Nhà nước di dời dân ở xóm sông lên trên cao, cất bốc mồ mả để có đất sản xuất; bà Hữu được ở trên mảnh vườn hoang hoá có sự can thiệp của chính quyền thôn, xã; hiện ở thôn Hội Yên có rất nhiều hộ như diện bà Hữu.

Để chứng minh cho vấn đề trên, ông Hoàng Anh Quyết, nguyên Bí thư chi bộ xã Hải Quế thời bấy giờ nay đang là Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị, chứng thực: "...Bà Hữu cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn được Ban cán sự bố trí ở tại đất thổ cư của ông Hoàng Ngọc Bách đúng với chủ trương di dân của xã đề ra".

Do ngược lại tất cả những gì sự thật đã được phơi bày, nên bản án toà tuyên đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ gia đình bà Hữu và nhất là toàn bộ cán bộ, nhân dân ở làng Hội Yên. Hơn ai hết, họ hiểu được câu chuyện trên như thế nào, và cũng viết đơn kiến nghị xem xét lại bản án “không thoả đáng nên cả làng Hội Yên đã đồng loạt ký vào đơn phản kháng”.


Chị Hoàng Thị Lý, con gái bà Hữu, đứng trước ngôi nhà tồi tàn và mảnh vườn hoang vắng khi bà Hữu đang nằm viện

Đơn kiến nghị nhấn mạnh: “Gia đình ông Hoàng Ngọc Bách đã rời bỏ quê hương hơn 40 năm để “chạy giặc” (từ của toà án). Nay toàn bộ con cháu của ông Bách đã sinh sống ổn định, có đất đai của Nhà nước tại một số tỉnh, thành trong nước. Trong khi đó, bà Hữu có đất thổ cư cũ, do chính sách di dân, nền đất nhà đó đã được chính quyền cấp cho hộ Võ Duy Phúc. Do đó, toà án trả lại đất cho những trường hợp như thế này thì một điều lo ngại lớn cho làng Hội Yên là sẽ có rất nhiều người bỏ chạy vì sợ chiến tranh nay tìm về để đòi lại đất hương hoả, hương tự, đất gia cư... Cán bộ và nhân dân Hội Yên không đồng tình với cách phán quyết của TAND huyện Hải Lăng, TAND tỉnh Quảng Trị”.

Hệ lụy

Bản án đã được hai lần tuyên nhưng gia đình bà Phạm Thị Hữu cùng con cháu không thể chấp nhận, bởi họ đã ở trên mảnh đất đó hơn 30 năm, đã được Nhà nước đưa vào bản đồ 299, cấp sổ đỏ. Thế rồi, bỗng một ngày “người cũ” lại về phát đơn đòi, không phải ai xa lạ mà lại là anh em máu thịt.

Trong các văn bản xác nhận của Chi bộ thôn Hội Yên, văn bản kiến nghị xem lại bản án của tập thể các họ tộc trong làng đều khẳng định tính hợp pháp của bà Hữu.

Ông Hoàng Ngọc Thiện, Chủ nhiệm HTX Hội Yên, Phó ban điều hành làng văn hoá bức xúc: "Việc toà án trả lại đất cho chủ cũ là điều vô lý, cả dân làng chúng tôi đều không đồng tình"|.

Ông Hoàng Anh Quyết, Phó GĐ Sở VH-TT-DL Quảng Trị, nguyên Bí thư chi bộ Hải Quế những năm sau giải phóng cũng đã xác nhận, ông Bách đã rời Hội Yên trước năm 1967, thực hiện chủ trương di dân, lúc bấy giờ, bà Hữu cũng như nhiều hộ dân khác được Ban cán sự bố trí ở tại đất của ông Bách.

Trao đổi với NNVN, ông Lê Hồng Quang, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị cho biết, ông sẽ tiếp nhận những phản ánh của báo chí cùng hồ sơ kèm theo để báo cáo lại với Chánh án. Nếu xét thấy có sai sót trong tố tụng thì có thể sẽ phải đề nghị dừng việc thi hành án lại, chờ Giám đốc thẩm.
Còn các ông Trần Văn Xê (nguyên Chủ tịch xã) và ông Phạm Văn Dục (nguyên Chủ tịch HĐND xã Hải Quế) cũng xác nhận việc bà Hữu đến ở tại mảnh đất đó là do ông Bách đã bỏ đi từ lâu, được chính quyền lúc bấy giờ bố trí.

“Khi còn làm chủ tịch xã, tôi đã nhiều lần giải quyết tranh chấp giữa ông Hoàng Ngọc Thiện (con của ông Bách, nguyên đơn) với bà Hữu. Lúc đó ông Thiện có mang theo đơn và tờ chứng nhận cấp đất của chế độ cũ. Và cho đến giờ tôi vẫn giữ quan điểm như trước đây đã giải quyết, không thể trả lại đất cho ông Thiện. Đất đã cấp cho bà Hữu hợp lệ rồi, nay có đơn kiện mà Nhà nước lại trả lại là hết sức phi lý".

Điều khiến ông Xê cũng như nhiều cán bộ lúc bấy giờ lo ngại chính là hệ luỵ của việc trả lại đất cho chủ cũ sau mấy chục năm bỏ quê hương ra đi sau Luật Đất đai ban hành 1993. "Ở xã Hải Quế có rất nhiều trường hợp tương tự như ông Bách, nhiều người đã bỏ xứ đi từ lâu, đất đai đã được chính quyền quy hoạch, cấp lại ổn định cho dân, nay không thể đòi lại được", ông Xê lo lắng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất