| Hotline: 0983.970.780

Phim ca ngợi kiểm lâm lên sóng

Thứ Sáu 29/05/2015 , 06:13 (GMT+7)

Tối hôm qua (28/5), bộ phim “Khi đàn chim trở về” (phần 3) lên sóng VTV1. NNVN đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Danh Dũng xung quanh bộ phim này.

Qua đời khi hoàn thiện kịch bản

“Khi đàn chim trở về” phần 3 có khác gì so với hai phần trước, thưa đạo diễn?

Sự so sánh này chính là một gánh nặng tâm lí của tôi. “Khi đàn chim trở về” phần 1 do anh Đỗ Chí Hướng đạo diễn nên chắc chắn là sẽ khác biệt về thủ pháp điện ảnh.

Còn phần 2 do tôi làm nên áp lực về sự sáng tạo lại càng lớn khi làm phần 3. Tôi cũng xác định rằng, nếu không có sự khác biệt so với phần trước, chắc chắn khán giả sẽ “chuyển kênh” ngay.

Cũng là cuộc chiến giữ rừng, nhưng lần này sẽ khốc liệt và nghiệt ngã hơn đối với các đồng chí kiểm lâm. Chuyện phim sẽ tiếp diễn với nhân vật kiểm lâm chính là Thành và các đồng đội của mình.

Nhưng trong cuộc chiến này, sẽ không còn những đối tượng lâm tặc manh động như các phần trước. Chúng đã nâng tầm những hành động trả thù tay chân sang đấu trí.

Sự tinh vi, xảo quyệt thể hiện trong các âm mưu cụ thể. Ngoài việc đấu trí căng thẳng, các kiểm lâm còn phải đối mặt với những “cuộc chiến” tâm lí đến từ các mối quan hệ xung quanh như gia đình, bạn bè, tình cảm…

Và bật mí một chút, các pha hành động lần này cũng sẽ hoành tráng và gay cấn hơn các phần trước. Bên cạnh đó, cũng sẽ xuất hiện những vũ khí “nóng”…

Được biết, kịch bản của “Khi đàn chim trở về” phần 3 phải mất đến 2 năm mới hoàn thiện?

Hai năm trời đó, tôi cùng với nhà biên kịch Nguyễn Ngọc Đức đã lăn lộn khắp các trạm kiểm lâm miền Bắc với mong muốn cho ra đời một kịch bản sống động nhất.

Anh Đức viết kịch bản khi đang trên giường bệnh. Khi trang bản thảo cuối hoàn thành cũng là lúc Đức trút hơi thở cuối cùng. Nên có thể nói đây là kịch bản cuối cùng, kịch bản tâm huyết nhất của anh trong 3 phần “Khi đàn chim trở về”.

Bởi tâm huyết với đề tài giữ rừng nên anh Đức đã gần 20 tháng trời ăn ngủ cùng với các đồng chí kiểm lâm, thuộc từng hơi thở, từng ánh mắt của họ.

Ám ảnh với hình tượng kiểm lâm

Điều gì khiến anh ám ảnh trong 2 năm thực tế đó?

Cuộc sống của những người kiểm lâm mà bạn chứng kiến trên màn ảnh chỉ là một phần rất nhỏ những gì họ đã trải qua. Gian khổ là thứ đếm không hết trong cuộc sống và sự nghiệp của họ.

Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng mỗi kiểm lâm viên phải quản lí hàng nghìn ha rừng. Có nghĩa họ phải có mặt ở rừng gần như 24/24 thì mới đảm bảo được công tác bảo vệ.

 Lực lượng quá mỏng trong khi diện tích quá nhiều khiến cho họ không còn thời gian để ăn, để ngủ.

Những gì chúng ta thấy về nghề này trên ti vi thường là việc tuần tra trên những cung đường rừng đầy cây cối xanh tươi. Nhưng trên thực tế, con đường rừng đầy hiểm nghèo, trắc trở chứ không hề “thơ mộng”.

Có lần chúng tôi ở cùng một đơn vị kiểm lâm đóng giữa dòng sông Đà, nửa đêm lâm tặc kéo ra ăn trộm bè gỗ lậu. Chúng sẵn sàng cắt đứt cả những bè gỗ mà chúng tôi neo thuyền ngủ.

 Cảm giác chới với giữa dòng chảy cuồn cuộn của Đà giang suốt đời tôi không bao giờ quên. Có thế, mới “thấm” được những gì các anh đã và đang trải qua.

Có lần tôi rớt nước mắt khi nghe tâm sự của một kiểm lâm trẻ tuổi: “Năm nay em mới 26, mà nhiều khi em tưởng mình đã 62, đi làm về chỉ quanh quẩn với vài giò phong lan và con chim lồng”.

Vật chất thiếu thốn đã đành, nhưng thiếu thốn về tinh thần thì khổ cho họ vô cùng.

Bị giam lỏng vì tưởng lâm tặc

Làm phim về nghề nhiều gian khổ như kiểm lâm, chắc anh có nhiều kỉ niệm để chia sẻ?

Quả thật mỗi lần làm seri “Khi đàn chim trở về” tôi lại thấy mình được trải qua một cuộc sống khác. Nhiều khi đoàn phải cử người đi hái rau rừng, đi câu cá sông về nấu bữa. Rủi ro anh nào câu dở thì coi như bữa đó “móm”.

Nhưng nan giải nhất vẫn là những cảnh quay phá rừng. Nói thật, sử dụng hình ảnh tư liệu thì cũng được. Nhưng khi lên hình, tôi thấy cứ ảo ảo thế nào. Thế là cả đoàn quyết tâm quay bằng được cảnh phá rừng.

May thay, chúng tôi được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các đồng chí kiểm lâm. Họ đồng ý cho chúng tôi được cưa những cây gỗ đã khô. Chúng tôi “ngụy trang” bằng cách ghép cành lá vào như cây thật.

Nhưng có gỗ rồi, thì đến khi cưa không biết cây đổ hướng nào để bố trí diễn viên và máy móc cho hợp lí. Bởi một cảnh quay như thế rất hiếm hoi, không thể dựa vào hai chữ “hên xui” bởi nếu hỏng thì coi như xong.

Bộ phim “Khi đàn chim trở về" phần 3 dài 46 tập phát sóng từ ngày 28/5 trên kênh VTV1. Phim có sự tham gia của các diễn viên Việt Anh, Kiều Thanh, NSND Trần Nhượng, Tùng Dương…

Nhưng rất may cho tôi là được làm việc với nhà quay phim Hoàng Tích Thiện và một dàn diễn viên rất chuyên nghiệp.

Họ đã không ngại liều mình để có được những cảnh quay chân thực và sống động nhất. Khi cảnh quay thành công, cả đoàn phim òa lên xúc động. Nhưng ngay lập tức, chúng tôi nhận ra cây gỗ mình vừa cưa bị… rỗng ruột!

May mắn đến với chúng tôi lần nữa khi các anh kiểm lâm liên hệ được với một hộ dân có rừng trồng đến tuổi thu hoạch.

Lần này chúng tôi có được những cảnh quay đốn hạ cây, xẻ gỗ chân thực đến từng milimet. Quay xong, cả đoàn nhìn nhau cười, hóa ra chúng tôi vừa thu hoạch gỗ… không công.

Có một lần, đoàn đang quay cảnh bắt lâm tặc chở gỗ với bối cảnh là một bản làng người Mông (xã Y Tí, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) thì bà con ra ngăn cản. Họ cho rằng chúng tôi phá rừng bởi trên tay mỗi người đang là một cái cưa máy với mùn cưa còn ướt. Họ kiên quyết bắt chúng tôi giải về kiểm lâm.

Tôi nhớ mãi câu nói của một cụ già: “Phá rừng là sai, chúng mày có súng, chúng tao có người”. Và kết quả là toàn bộ đoàn làm phim bị giam lỏng tại sân chung của bản vì bị nghi là… lâm tặc.

Thế nhưng, cả đoàn phim không ai khó chịu. Bởi chúng tôi có chung một niềm tin, trong cuộc chiến này, sát cánh bên các anh còn có cả nhân dân.

Xin cảm ơn anh!

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án VFBC

Dự án đã huy động và ghi nhận đầu tư hơn 33 triệu USD từ các doanh nghiệp thân thiện bảo tồn, giúp hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất