| Hotline: 0983.970.780

Phim truyền hình vẫn bị thử thách về độ dài

Thứ Bảy 30/12/2017 , 10:34 (GMT+7)

Liên hoan truyền hình toàn quốc vừa diễn ra tại Sầm Sơn – Thanh Hóa. Ở thể loại phim truyện truyền hình, bộ phim “Chiều ngang qua phố cũ” được Huy chương Vàng, dù chưa phải là tác phẩm gây chú ý nhất cho công chúng màn ảnh nhỏ.

Lý do, năm nay có quy định không cho phép sự tham gia của những bộ phim dựa theo kịch bản nước ngoài, nên vắng mặt các tác phẩm từng ăn khách như “Người phán xử” hoặc “Sống chung với mẹ chồng”.

Bộ phim "Chiều ngang qua phố cũ" dài 26 tập, do Trung tâm sản xuất phim truyền hình – VFC thực hiện. Bộ phim “Chiều ngang qua phố cũ” được đạo diễn Trịnh Lê Phong dàn dựng từ kịch bản của Nguyễn Hồng Trâm và Chu Hồng Vân. Nội dung Chiều ngang qua phố cũ xoay quanh câu chuyện về một đại gia đình Hà Nội gốc, có bốn người con là: Hà, Thành, Thanh, Lịch.

Poster phim "Chiều ngang qua phố cũ"

Cuộc sống của bốn gia đình với những nàng dâu, chàng rể đang êm đềm trôi qua trong quan hệ huyết thống bền chặt, thì từ lời phán của một ông thầy phong thủy về mộ phần của dòng họ, những biến cố bắt đầu xảy đến. Thực tế cuộc sống khó khăn khiến những người con buộc lòng phải giao bán căn nhà cổ do cha mẹ để lại. Trước số tài sản lớn, một cuộc chiến đòi quyền lợi bùng nổ, mối quan hệ vợ chồng, anh em bị chia rẽ. Nhưng cuối cùng, trải qua mâu thuẫn, mất mát, những người con đã thấu hiểu một cách sâu sắc giá trị của tình thân, của đạo đức truyền thống.

Bộ phim “Chiều ngang qua phố cũ” có số tập ít nhất trong các bộ phim dự thi tại Liên hoan truyền hình toàn quốc, như “Lẩn khuất một tên người” dài 37 tập, “Mật danh Rocker” dài 44 tập, “Mẹ hổ dạy con dâu” dài 40 tập, “Sống trong bóng đêm” dài 40 tập. Điều ấy cũng nảy sinh một e ngại rằng, phải chăng phim truyền hình nước ta càng dài tập thì càng… nhạt nhẽo!

Đã có nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ khác nhau, để tìm giải pháp thúc đẩy phim truyền hình, đều có chung nhận định: Đội ngũ diễn viên và làm phim truyền hình tuy có được bổ sung nhưng còn rất xa mới đáp ứng được nhu cầu về cả chất và lượng. Do không được đào tạo chuyên sâu về cả lý thuyết và thực hành như các đòi hỏi khách quan của nghề nghiệp nên những người chuyển tắt sang.

Những người mới tốt nghiệp từ các trường điiện ảnh thì thiếu kỹ năng thực tế, lại không được thực tập chu đáo, không có điều kiện tự nghiên cứu học hỏi để nâng cao về văn hóa, xã hội, chuyên môn nghiệp vụ nên gặp nhiều khó khăn trong tác nghiệp. Những người khác phần lớn là “tay ngang”, diễn xuất theo bản năng do đó khó trụ vững lâu dài.

Hiện tượng phim truyền hình xuất hiện sự có mặt của các ngôi sao, “hot girl”, “hot boy” từ các lĩnh vực khác như người mẫu, ca nhạc, MC… với mục đích thu hút khán giả cũng góp phần làm chất lượng diễn xuất của phim truyền hình đi xuống. Bên cạnh đó, thù lao của diễn viên rất thấp, khiến họ khó toàn tâm, toàn ý sáng tạo gắn bó với vai diễn buộc họ phải chạy sô nhằm kiếm sống.

Cụ thể hơn, nhà biên kịch kiêm đạo diễn Tô Hoàng thẳng thừng: “Chính cơ chế đã đùn đẩy phim truyền hình vào tình trạng đáng rung chuông báo động như ngày hôm nay. Chính “đầu ra” của gần trăm kênh truyền hình của trung ương và các tỉnh thành đã đưa đến tình trạng kiếm không ra chương trình để phủ sóng. Khi Nhà nước “phó mặc” cho các đài tự nuôi thân, thì đây là nguyên nhân chủ yếu đẻ ra tình trạng sản xuất phim truyền hình ào ạt, vô tội, lấy số thay lượng, coi việc thu hồi được nhiều quảng cáo hơn là phẩm chất nghệ thuật của bộ phim…”.

Kinh phí làm phim theo quy định hiện hành đang ở mức quá thấp so với thời giá. Mức chung được các đài quy định là dưới 100 triệu cho 1 tập phim 70 phút. Việc đặt giá thành đồng hạng cho mọi loại phim không phân biệt về bối cảnh, quy mô đã buộc đoàn làm phim phải giản tiện mọi chi phí đến mức tối đa.

Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang băn khoăn: “Khi kinh phí được cào bằng và đặt ra một mức, thì nhà làm phim phải tính toán để không vượt kinh phí. Muốn tiết kiệm khi sản xuất thì có cách tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi tiêu, đơn giản hóa công việc… Trên lý thuyết thì không cứ phải có nhiều tiền mới có phim hay, thực chất ít tiền cũng có thế có phim hay khi chọn được kịch bản đơn giản, và phù hợp kinh phí. Nhưng cứ tưởng tượng mỗi năm cả 1.000 tập phim, cái nào cũng liệu cơm gắp mắm, có không dở đi nữa thì cũng chán”.

Liên hoan truyền hình toàn quốc năm nay đã mạnh dạn khước từ những bộ phim dựa theo kịch bản nước ngoài. Đó là một lời cảnh tỉnh nghiêm khắc, để các công ty truyền thông cần chú trọng tìm kiếm và đặt hàng các nhà biên kịch khai thác đời sống và văn hóa Việt Nam.

Vậy, ở phía ngược lai, trách nhiệm của đài truyền hình thì sao? Theo Quy chế đặt hàng, hợp tác sản xuất phim truyền hình phát trên các kênh của Đài truyền hình Việt Nam, sau khi nhận được tóm tắt kịch bản và kịch bản chi tiết (toàn bộ kịch bản đối với phim dưới 10 tập và ít nhất 10 tập với phim trên 10 tập), hai thành viên Hội đồng thẩm định kịch bản phim xã hội hóa được phân công sẽ chịu trách nhiệm đọc, đánh giá kịch bản và năng lực của nhà sản xuất.

Sự lỏng lẻo trong quy chế này không khó nhìn ra: với một dự án phim từ 30-40 tập, có khi lên đến cả 100 tập nhưng chỉ xem đề cương kịch bản và ít nhất 10 tập kịch bản chi tiết để quyết định có sản xuất phim hay không, là nhiệm vụ bất khả thi. Bởi rất khó suy đoán rằng các tập phim sau 10 tập đã có kịch bản chi tiết có đạt chất lượng như yêu cầu hay không nếu chỉ xem đề cương kịch bản và 10 tập kịch bản chi tiết nhất là trong tình trạng phim Việt Nam càng về sau càng đuối. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Luân Kim nhấn mạnh: “Đội ngũ thẩm định hầu hết chưa đủ trình độ và điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ!”.

(Kiến thức gia đình số 51)

Xem thêm
Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa làm Chủ tịch Hội văn nghệ Tiền Giang

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa vừa đắc cử Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2024 - 2029, trở thành người trẻ nhất cả nước giữ vị trí lãnh đạo văn nghệ địa phương.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất