| Hotline: 0983.970.780

Phổ cập tin học cho công nhân

Thứ Ba 01/03/2011 , 10:03 (GMT+7)

Tỉnh đoàn Bình Dương đã phối hợp với các cơ sở đoàn ở các KCN, KCX tổ chức các lớp học bổ trợ kiến thức tin học cho công nhân.

Trong thời gian qua, Tỉnh đoàn Bình Dương đã phối hợp với các cơ sở đoàn ở các KCN, KCX trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp học bổ trợ kiến thức tin học cho công nhân. Thông qua đó cấp chứng chỉ tin học cho các học viên, tạo cơ hội cho công nhân học lên cao hơn và tìm được những công việc ổn định.

Những lớp tin học “dã chiến”

Do thiếu thốn về điều kiện vật chất nên hầu hết các lớp phổ cập kiến thức tin học phải mượn không gian trống ở các Công ty hoặc nhà trọ. Tại nhà ông Nguyễn Văn Đức thuộc ấp Bình Quới A, xã Bình Chuẩn (Thuận An - Bình Dương), trong không gian rộng chưa đầy 20 m2 được thiết kế một lớp tin học “dã chiến”. Với hơn 20 máy tính nối mạng internet, sắp thành từng dãy để phục vụ cho việc dạy và học của công nhân.

Dù bận rộn với công việc mưu sinh, thường xuyên phải tăng ca, làm thêm nhưng chị Trần Thị Ngọc (công nhân KCN Đồng An) vẫn có mặt từ rất sớm để tranh thủ ôn qua bài vở. Tham gia lớp từ tháng 12/2010, chị Ngọc đã được các bạn đoàn viên thanh niên tình nguyện giảng dạy về các sử dụng máy tính và những thao tác đơn giản trên máy. Ngọc tâm sự: “Ngày ở quê, nhà nghèo quá nên mới học lên lớp 7, phải nghỉ học bôn ba vào Nam kiếm sống. Lúc đầu nghe các bạn động viên đi học mình cũng ngại lắm, vì sợ không biết gì thêm xấu hổ. Nhưng qua một thời gian học ở đây, mình rất hứng thú với tin học. Giờ Ngọc có thể đánh máy thành thạo, sử dụng các các chương trình World, Excell và truy cập internet”.

Ngoài giờ làm ở xí nghiệp, Trần Công Vân (công nhân Cty May mặc Hà Lãm) còn phải chạy vạy làm thêm ở một cơ sở in ấn tại TP.HCM. Công việc bận rộn suốt ngày nhưng Vân vẫn dành thời gian 2 buổi đến lớp. “Trước đây mình mình nghĩ làm công nhân thì học tin học làm gì cho phí thời gian. Nhưng công việc in ấn, photocoppy bắt buộc mình phải biết sử dụng máy tính nên cũng đi đăng ký vào lớp. Qua hơn 2 tháng học, mình đã có thể sử dụng thành thạo máy vi tính và truy cập vào mạng internet để tìm kiếm các thông tin hỗ trợ cho công việc”, Vân cho biết. Mỗi tối phải đạp xe gần 10 km từ chỗ làm đến lớp học, nhưng chưa có tuần nào Vân bỏ học giữa chừng.

Gần 3 tháng nay, hội trường của Công ty Gốm Trường Sơn đã được “trưng dụng” làm giảng đường cho gần 30 học viên là công nhân của công ty đến tham gia lớp tin học miễn phí do Xã đoàn Bình Chuẩn tổ chức. Ông Nguyễn Long, Phó giám đốc công ty cho hay, công ty luôn tạo điều kiện cho công nhân được tiếp tục theo học. Đối với những học viên đạt chứng chỉ sẽ được công ty tăng lương và bố trí lại công việc cho phù hợp. Được sự tiếp sức của công ty và đoàn thanh niên, nhiều lứa công nhân ở Công ty Gốm Trường Sơn đã hoàn thành khóa học và đang chờ cấp tín chỉ của Tỉnh đoàn.

Hầu hết đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia giảng dạy ở các lớp tin học là sinh viên, học sinh… được học tập đào tạo theo chương trình của Tỉnh đoàn. Chương trình học cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về máy tính, như: Khái quát về máy tính, các thao tác, hệ thống điều hành cơ bản, soạn thảo chỉnh sửa văn bản, cách sử dụng internet, tìm kiếm và lựa chọn thông tin, kiên quyết bài trừ những trang web có nội dung không lành mạnh…

Nhớ lại những ngày đầu mở lớp, anh Đỗ Thành Phương, Bí thư Chi đoàn thanh niên xã Bình Chuẩn kể: “Ngày mới thành lập, lớp học thiếu thốn đủ bề từ máy vi tính đến phòng học. Nhiều khi không có phòng học, chúng tôi phải thuê các quán net bên ngoài để công nhân đến học. Nhiều học viên đến lớp phải ngồi bên ngoài nghe giảng, giờ thực hành thì thay phiên nhau dùng máy. Khi có học viên bỏ học giữa chừng, Đoàn phải đến tận nhà trọ động viên học tiếp”.

Thêm cơ hội tìm việc làm

Theo thống kê của Huyện đoàn Thuận An, trong thời gian qua Huyện đoàn đã tổ chức thành công hơn 30 khóa phổ cập tin học cho công nhân với hơn 700 thành viên. Nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học đã được BCH Đoàn cấp giấy chứng nhận phổ cập tin học và trực tiếp giới thiệu đến các trung tâm tin học để học thêm. Với giấy chứng nhận này, các học viên sẽ có điều kiện học thêm các loại chứng chỉ khác với mức học phí giảm 50%. Đây là nguồn hỗ trợ từ đề án phổ cập tin học cho công nhân của tỉnh Bình Dương.

 Đối với những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, Đoàn sẽ hỗ trợ học phí. Bí thư Huyện đoàn Thuận An, Bùi Thế Hùng cho biết: “Chương trình phổ cập tin học này giúp công nhân nắm được các kỹ năng tin học cơ bản, tạo cơ hội cho họ kiếm được những việc làm tốt hơn. Hiện Huyện đoàn đang xây dựng nhiều lớp dạy tin học miễn phí cho công nhân. Với 15 máy tính xách tay từ kinh phí do anh em đóng góp, đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ mở các lớp tin học “dã chiến” ngay tại các khu phòng trọ của công nhân”.

Chương trình phổ cập tin học cho công nhân được Tỉnh đoàn Bình Dương khởi động từ đầu năm 2009, tập trung hướng dẫn, đào tạo những kỹ năng tin học căn bản cho thanh niên công nhân, giúp họ tiếp cận với internet. Mục tiêu đến năm 2011 sẽ hoàn thành chương trình với 100% thanh niên công nhân trong tỉnh nắm vững kiến thức tin học căn bản.

Sau gần ba tháng tham gia lớp tin học miễn phí cho công nhân, chị Trần Thị Hải Anh (công nhân Công ty Tân Thành Đạt) đã kiếm được một chỗ làm mới với mức lương “lý tưởng”. Chị cho biết: “Công ty tuyển những người có kỹ năng thực hành tin học vì công việc liên quan nhiều đến máy vi tính, nên mình có nhiều lợi thế. Sắp tới, mình sẽ đi học để lấy thêm chứng chỉ B tin học”. Nhận được giấy chứng nhận phổ cập tin học, Lê Quang Thanh đã đăng ký học thêm lớp trung cấp kế toán để được vào làm việc tại Công ty Hòa Sơn. Thanh tâm sự: “Mình đã được các bạn đoàn viên tình nguyện dạy những bước tin học căn bản rồi, giờ phải cố gắng học thêm để có được một công việc thích hợp. Giờ đến công ty nào dự tuyển họ cũng đòi hỏi những khả năng về máy tính và các thao tác công việc trên máy”.

Qua gần ba năm hoạt động, chương trình dạy tin học miễn phí cho công nhân do Tỉnh đoàn Bình Dương khởi phát đã tạo điều kiện cho nhiều người tiếp tục học lên cao và tìm được việc làm thích hợp. Lặn lội từ vùng quê nghèo Tuyên Hóa (Quảng Bình) vào miền Nam mưu sinh, Đinh Xuân Phước phải thường xuyên làm thêm, tăng ca nhưng đồng lương còm cõi ở công ty cũng chỉ đủ trả tiền ăn uống và thuê phòng trọ hàng tháng. Từ ngày được tiếp cận với máy tính và mạng internet ở lớp dạy tin học miễn phí, Phước biết được nhiều công ty đang tuyển lao động với mức lương khá cao. Mới đây anh cho biết đã chuyển sang “đầu quân” cho Công ty Xản xuất gỗ Mỹ Hà với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất