| Hotline: 0983.970.780

Phở phố cũ

Thứ Bảy 10/02/2018 , 14:10 (GMT+7)

Quán phở nằm dưới gốc cây bàng, ngay đầu con dốc có cái tên gợi nhiều tò mò: dốc Lò Trâu. Nghe đâu xa xưa, nơi ấy có lò mổ trâu, sau khi thành phố mở đường, lò mổ phải dời đi chỗ khác.

Giờ thì dốc Lò Trâu đã thành một khu dân cư đông đúc và có thêm hàng phở gia truyền lúc nào cũng tấp nập. Mỗi lần chở tôi đi học về qua chỗ ấy, mẹ đều dừng lại chốc lát để nghỉ lấy sức, đoạn theo thói quen, tay phải rời khỏi ghi đông xe đạp, vén vội sợi tóc mai vừa xòa xuống mặt. Mái tóc dài của mẹ dù đã được cột gọn bằng chiếc cặp ba lá nhưng vẫn lọt vài sợi thật mềm, bay phơ phất, mơn man trên má tôi.

Ảnh minh họa

Tôi thích kéo dài giây phút ngược dốc gió thổi, được áp mặt vào lưng mẹ, hít hà mùi thơm từ mẹ. Nhưng tôi lại sợ nghe tiếng mẹ thở dốc vì mệt. Bởi vậy mỗi lần thấy mẹ dừng nhịp đạp, tôi lại cố nhịn thở, thu người gọn lại cứ như thể việc ấy sẽ giúp chiếc xe bớt nặng và mẹ đỡ mệt hơn. Vậy mà mẹ vẫn đọc được sự áy náy của tôi.

Mẹ quàng một tay ra sau lưng, nắn nắn tay tôi giống như khi kiểm tra quả chín trong vườn rồi bật cười: “Ồ may quá con vẫn chưa rơi!” Rồi thế nào mẹ cũng nói bằng giọng mũi câu quen thuộc: “Ơi ông hàng phở, cho tôi một bát phở bò phình phường lấy sức đi đường!”. Tiếng cười của hai mẹ con vang giòn đầu con dốc, quyện trong mùi phở thơm ngào ngạt.

Những năm tháng thơ ấu khó khăn, phở luôn là món ăn xa xỉ mà chị em tôi không dám nghĩ đến bởi tiền ăn một bát phở có khi bằng tiền ăn mấy ngày của cả nhà. Chẳng nói đến phở, mà chỉ riêng việc có thịt hiện diện trong bữa ăn của gia đình đã đủ mang lại sự hân hoan cho cả nhà. Nhưng thịt thì lấy đâu mà có nhiều. Mỗi lần mua theo tiêu chuẩn gia đình chỉ được vài lạng thịt lợn bèo nhèo.

Thịt mua về, mẹ kho mặn với su hào hay củ cải thái quân chì để ăn dè. Nước kho cũng phải chêm nhiều hơn để chan với cơm, ăn thêm được vài bữa. Thịt bò theo tiêu chuẩn thì đương nhiên không có và cũng không dễ để mua bên ngoài. Vậy nên được ăn một bát phở bò chỉ là niềm ước ao thầm kín của đứa trẻ háu ăn là tôi ngày ấy.

Đến khi có thể tự đạp xe đi học, dù đã có đường khác dễ đi hơn để về nhà tôi vẫn thích đi qua dốc Lò Trâu, nơi có quán phở nằm dưới gốc cây bàng. Bao năm tháng đã khiến tôi lớn bổng lên như cây cải mọc cuối vườn nhà gặp tiết xuân, còn quán phở vẫn nằm yên vị nơi đó, không hề suy suyển. Lớp giấy dầu đen kịt lợp trên nóc quán mỗi năm lại phủ thêm một lớp bụi dầy. Các chỗ thủng được vá bằng lớp giấy lợp mới rồi cũng nhanh chóng biến thành cũ kĩ. Để tránh mưa bão tốc mái, vài tấm lốp xe ô tô cũ được quăng lên.

Mầu vôi trắng sơn quanh tường quán bao năm đã chuyển thành mầu đất. Nồi nước dùng đại tướng vẫn đặt cạnh lối vào, trên bếp than bốn mùa rừng rực lửa. Lúc nào đi qua, tôi cũng thấy ông chủ quán tay năm tay mười, khi thì chần bánh, lúc thái thịt bò, lúc đập gừng, cời lửa hay ời ời giục con dọn bàn cho khách. Mùa hè, ông chủ quán mặc độc chiếc áo may ô thủng lỗ chỗ và quần sooc, ngang cổ vắt chiếc khăn màu cháo lòng, tưởng như lúc nào cũng đẫm nước.

Thi thoảng tôi mới gặp ông rời căn bếp lanh canh dao thớt, đứng dưới gốc cây bàng, tay cầm ống điếu thuốc lào mầu cánh gián, miệng ngửa cổ, phả khói thuốc lên tàng cây xanh biếc. Mùa đông, rét mấy thì rét, ông chủ quán cũng chỉ khoác thêm chiếc áo len màu mầu ghi xám, tất bật trong gian bếp xôn xao hương vị. Nào là mùi thảo quả, mùi gừng, mùi hành hoa; nào là mùi nước hầm xương, mùi thịt bò chín mềm ngọt ngon đến khó cưỡng mà mới chỉ tưởng tượng nước miếng đã ứa các chân răng.

Biết các con thích ăn phở, có năm tết ra, sau khi đã đủ ngán bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, mẹ đưa chúng tôi đến hàng phở dốc Lò Trâu. Cảm giác đứng từ đường ngó vào thật khác với cảm giác được ngồi vào trong quán. Chanh ớt sẵn sàng. Rau thơm sẵn sàng. Thìa đũa cầm tay. Bát phở nóng rực băng băng từ gian bếp đặt kịch trên mặt bàn gỗ xỉn mầu. Những miếng thịt thái mỏng xếp lớp lên nhau no đủ. Bánh phở trắng mềm như lụa. Nước phở trong vắt. Những lát hành hoa điểm xuyết khiến bát phở thêm sinh động.

Vị giác bị kích thích bởi mùi thơm của thịt, của nước dùng quyện vào nhau thành một hương vị thật hoàn hảo. Không thể chờ đợi được lâu hơn nữa, chị em tôi xì xụp ăn mê say. Những lúc ấy, mẹ lại chống đũa nhìn các con, đôi lúc bật cười vì tính háu đói, hấp tấp của chúng tôi khiến sợi phở vương ra bàn. Rồi thế nào mẹ cũng sẽ tìm cách san bát phở của mình cho chúng tôi. Ôi những đứa con đang say cơn ăn uống, nào có nghĩ đến sự nhường nhịn của người mẹ mà cứ hồn nhiên đón nhận không chút thắc mắc. Để rồi chỉ đến khi bát phở đã sạch nhẵn đến tận đáy, hai chị em tôi mới ngẩng đầu lên. Khi ấy mới sực nhớ mẹ hóa ra chẳng ăn chút nào.

Ảnh minh họa

Không dám đòi hỏi, chỉ một lần được ăn phở như vậy đủ khiến chúng tôi vui sướng âm ỉ hàng tháng trời. Không ăn phở thì mẹ có cách để chúng tôi đỡ thèm phở. Đó là mua nước phở về ăn với cơm! Một sự kết hợp đầy sáng tạo của nhà nghèo. Tôi luôn xung phong giành chân đi mua nước phở. Chiếc cặp lồng nhôm treo tòng teng trên ghi đông. Tôi tự tin đạp xe đến quán, dựng xe dưới gốc cây bàng thân xù xì, mốc meo. Tôi tự tin xòe tiền đưa cho ông chủ quán. Chiếc cặp lồng lập tức được tra đầy nước, nóng bỏng, thơm phức. Bên cạnh tôi, một phụ nữ trung niên cũng đang giơ cặp lồng chờ đến lượt. Hóa ra không chỉ nhà tôi mới cải thiện bằng nước phở cho bữa cơm đạm bạc của gia đình.

Sau này, có điều kiện đi xa hơn mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, tôi mới biết phở quê mình đã thành một thương hiệu. Đi từ Hà Giang đến tận Cà Mau, vẫn bắt gặp những biển hiện mới chỉ nhìn đã thấy rưng rưng bóng hình quê nhà: “Phở gia truyền Nam Định”. Hóa ra mình ở đất của phở mà không hay biết. Dù phở gia truyền của một vùng đồng bằng Bắc bộ nay đã ngược xuôi khắp Bắc - Trung - Nam, hương vị ít nhiều thay đổi để có thể hợp hơn với khẩu vị từng vùng, nhưng thương hiệu phở Nam Định vẫn hiện diện ở đó, như một niềm tự hào.

Không biết giờ đây còn hàng phở Thành Nam nào giữ được đúng chất bánh phở truyền thống, làm từ gạo chiêm từ vụ trước, đợi khi hết nhựa mới đem nghiền bằng cối xay đá và tráng mỏng trên nồi nước quạt bằng than củi. Cuộc sống công nghiệp giúp giải phóng sức lao động của con người, nhưng có những hương vị, có những giá trị máy móc không thể thay thế được lao động thủ công. Bởi ở đó có sự kết tinh của kinh nghiệm, của sự tâm huyết, niềm đam mê, mà phở Nam Định truyền thống là một ví dụ.

Giờ đây thì phở còn vượt qua biên giới quốc gia, có tên trong từ điển của bạn bè quốc tế. Phở không đơn thuần chỉ là một món ăn, mà đã thành niềm tự hào của người Việt. Nên một hôm nào đó, đặt chân đến Washington, đến Paris, hay Amsterdam ngồi trong hàng phở Việt, giữa những bàn ăn sáng bóng, phục vụ nói tiếng Việt hơi lai lai lại thấy nhớ xiết bao hàng phở dưới gốc cây bàng năm nào và dáng mẹ ngồi chống đũa, yêu thương, trìu mến...

(Kiến thức gia đình số tết)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.