| Hotline: 0983.970.780

Phó Trưởng BQL rừng phòng hộ thành "chúa Chổm"

Thứ Tư 17/10/2012 , 10:34 (GMT+7)

Ba tháng nay, người dân thị trấn Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) xôn xao chuyện ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó trưởng BQL Rừng phòng hộ Tân Kỳ bị “vỡ nợ” với số tiền lớn.

Ba tháng nay, người dân thị trấn Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) xôn xao chuyện ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó trưởng BQL Rừng phòng hộ Tân Kỳ bị “vỡ nợ” với số tiền lớn. Tuy nhiên, mới có 2 chủ nợ gửi đơn tố giác, số còn lại đang phải “ngậm bò hòn làm ngọt”.

Người đầu tiên đã phải gửi đơn cáo giác là bà Đinh Thị Hải Lý, trú tại khối 10, thị trấn Quỳ Hợp. Bà Lý trình bày: Là bạn học với nhau tại lớp chính trị nên ngày 24/4/2012 ông Tuấn đã đến nhà tôi vay 100 triệu đồng và hẹn 3 ngày sẽ trả. Thế mà một tháng rưỡi sau vẫn không chịu trả. Tôi phải xuống nhà riêng (ông Tuấn) nhiều lần đòi mãi vẫn không lấy được. Bị tôi thúc nhiều lần nên ông Tuấn đã làm 2 giấy hẹn viết tay xác nhận khoản nợ nói trên. Trong giấy hẹn đề ngày 8/6/2012, ông Tuấn cam đoan nếu không trả được tiền thì ngày 10/6/2012, tôi xuống Tân Kỳ lấy bìa đỏ mà ông Tuấn đang cắm ở Ngân hàng CSXH huyện Tân Kỳ. Nhưng khi tôi đến ngân hàng xem thì thấy bìa đỏ ông Tuấn cắm để vay tiền tại đây lại mang tên của người khác. Vì thế tôi phải đặt vấn đề nhờ lãnh đạo cơ quan giúp đỡ nên cuối cũng đã lấy lại được số tiền cho vay.

Trong đơn của bà Phạm Thị Tuyết, trú tại khối 1 thị trấn Tân Kỳ, trình bày: Ngày 12/6/2012, ông Nguyễn Quốc Tuấn đến vay bà số tiền 580 triệu đồng nói là để thực hiện một “thương vụ” mua bán rừng và đất rừng. Ông Tuấn cam kết là chỉ sau 5 ngày là sẽ mang tiền đến trả cả gốc lẫn lãi. Nhưng đến hẹn không thấy đến trả nên bà Tuyết đến đòi thì ông Tuấn lại khất tiếp thêm 5 ngày nữa bằng 1 tờ giấy hẹn viết tay. Nhưng đến hẹn, ông Tuấn vẫn không có tiền trả. Lần lữa mãi, đến ngày 13/7/2012, bị đòi nợ ráo riết, ông Tuấn đã đưa bộ hồ sơ chuyển nhượng đất rừng lâm nghiệp đứng tên ông Đào Duy Minh, trú tại xã Kỳ Tân đến “cắm” và coi đó là tài sản thế chấp. Lâm bạ của ông Đào Duy Minh được UBND xã Kỳ Sơn cấp ngày 30/12/1994.


Căn nhà của ông Tuấn đứng trước nguy cơ bị xiết nợ

Bà Tuyết bức xúc cho biết: Tôi cầm hồ sơ chuyển nhượng này chỉ là giải pháp tình thế. Tôi đang yêu cầu ông Tuấn phải trả lại cho tôi số tiền mặt đã vay để tôi còn làm ăn.

Nhiều người dân mà chúng tôi tiếp xúc tại huyện Tân Kỳ cho biết, ngoài việc thế chấp bìa đỏ của người thân để vay của Ngân hàng CSXH 60 triệu đồng và dùng bìa đất của mình thế chấp tại Ngân hàng NN-PTNT huyện Tân Kỳ để vay 350 triệu đồng (hiện còn nợ 261 triệu đồng), thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Tuấn đã lợi dụng cương vị của mình để mua đi, bán lại hàng trăm ha rừng và vay nóng của hàng chục người, rải rác tại địa bàn nhiều huyện như Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, TP Vinh... với số tiền lớn.

Ông Cao Tiến Hạnh, Trưởng BQL Rừng phòng hộ Tân Kỳ, cho biết: “Chuyện ông Tuấn vay nợ và có một số hành vi trong việc mua bán đất rừng là có thật. BQL Rừng phòng hộ Tân Kỳ đã báo cáo sự việc lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo. Còn theo bản tự kiểm điểm của ông Tuấn gửi lãnh đạo cơ quan thì ông Tuấn có nợ của tập thể BQL Rừng phòng hộ Tân Kỳ trên 140,7 triệu đồng, nợ của các cá nhân bên ngoài là 2,3 tỷ đồng, đã trả được 700 triệu đồng. Hiện còn nợ các cá nhân khác 1,6 tỷ đồng. Còn thực hư như thế nào chúng tôi cũng không nắm được..."

Điều làm dư luận tại Tân Kỳ bất bình là ông Tuấn đã lợi dụng vị trí công tác của mình để mua bán tuỳ tiện đất rừng sản xuất sai quy định với tổng diện tích rừng đã được làm rõ là 190ha, trong đó có 90 ha rừng phòng hộ. Riêng 20 ha đất rừng sản xuất tại tiểu khu 863 được giao khoán cho tổ chức đoàn thanh niên cơ quan sau đó đã biến thành rừng giao khoán cho cá nhân ông Tuấn theo chu kỳ (7 năm) lại được biến hóa thành rừng giao khoán thời hạn 50 năm một cách lạ lùng.

Trong 2 năm 2008 và 2009, ông Tuấn thực hiện nhiều “thương vụ” mua bán đất lâm nghiệp đã giao khoán cho các hộ dân theo Nghị định 163/1993/NĐ-CP và Nghị định 02/1995/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó có gần 59 ha tại tiểu khu 860 thuộc đối tượng rừng 2A và đất trống do BQL Rừng phòng hộ Tân Kỳ quản lý, được cấp lâm bạ cho ông Đào Duy Minh (trú tại xóm 1, xã Tân Sơn) với giá 150 triệu đồng (năm 2008), sau đó vận dụng nguồn vốn 661/TTg (năm 2010 và 2011) để trồng 25 ha keo tai tượng. Tiếp đó, ông Tuấn mua 21 ha đất rừng sản xuất (tiểu khu 860) của ông Lang Văn Kinh trú tại xóm Dương Lệ, xã Nghĩa Dũng (năm 2008). Năm 2009, ông Tuấn dùng tên em trai để mua 10 ha đất rừng sản xuất tại tiểu khu 867 của ông Nguyễn Văn Bảy (khối 2, thị trấn Tân Kỳ) với số tiền 40 triệu đồng và mua tiếp 79 ha đất rừng sản xuất tại TK 871 của 2 ông Nguyễn Văn Tài và Nguyễn Văn Vượng (đều trú tại xóm Nghĩa Trung, xã Nghĩa Hành) với giá 320 triệu đồng...

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất