| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Bài toán luẩn quẩn

Thứ Hai 18/04/2011 , 09:32 (GMT+7)

NNVN nhận được ý kiến của ông Tô Long Thành, PGĐ phụ trách Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương về chuyện người dân ngán nuôi lợn.

3 số báo gần đây, NNVN liên tiếp phản ánh tình trạng người dân hiện không mặn mà nghề nuôi lợn dù giá thịt đang cao chót vót do rất khó kiểm soát dịch bệnh, hôm qua (17/4) NNVN tiếp tục nhận được ý kiến của ông Tô Long Thành, PGĐ phụ trách Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương…

“Phải phát hiện sớm dịch bệnh, bao vây dịch nhanh chóng, tiêu hủy đúng quy định… Bài toán trong công tác phòng chống dịch này ai cũng thuộc lòng. Thế nhưng phần lớn người làm công tác quản lý và người dân vẫn luẩn quẩn, không thực hiện theo bài toán đó. Đây là một trong nhiều lý do lý giải thích thực trạng yếu kém của ngành chăn nuôi” - PGĐ phụ trách Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương Tô Long Thành mở đầu nhận xét.

Theo ông Thành, có ít nhất 5 nguyên nhân khiến người nông dân uể oải với ngành chăn nuôi, nhất là nuôi lợn. Đó là các văn bản chỉ đạo, chỉ thị về biện pháp phòng chống dịch đang ở tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” bởi ngay khi có dịch bệnh bùng phát, Cục Thú y luôn tham mưu Bộ NN-PTNT có văn bản chỉ đạo rất sát sao nhưng dường như khi về đến địa phương thì sự chỉ đạo "nhẹ" đi. Có nơi, dịch xảy ra đã hơn 3 tháng nhưng lực lượng chức năng vẫn không biết hoặc cố tình không biết. Thậm chí bất lực với bệnh tai xanh khi không bố trí được nhân lực đi tiêu hủy lợn bị bệnh.

Thứ hai, đó là sự phát triển không đồng đều dẫn đến khoảng cách phòng - chống ngày càng giãn rộng. Từ năm 2008 đến nay, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm đã phát triển, nhân rộng đàn rất nhiều. Thế nhưng, cán bộ thú y thì vẫn “dậm chân tại chỗ”. Theo ông Thành, với lực lượng thú y mỏng như hiện nay thì dịch không bùng phát mới ngạc nhiên.

Nguyên nhân quan trọng nữa không thể bỏ qua là thái độ chủ quan của cả người dân và chính quyền cơ sở. Một số tỉnh phát hiện chậm, có khi sau 7-10 ngày dịch khởi phát và lan ra diện rộng mới nắm được thông tin. Người dân coi chuyện lợn ốm chết rất bình thường, chẳng hạn như có trường hợp xảy ra ở tỉnh Hải Dương, người chăn nuôi vứt xác lợn đầy trên đường, xuống ao, hồ gây ô nhiễm môi trường. Ngay tại Hà Nội, ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên khi phát hiện lợn ốm chết, người dân cũng thản nhiên vứt xác lợn ra đường đê, xuống ao hồ.

Đặc biệt, tình trạng bán "chạy" lợn ốm, vận chuyển lén lút lợn từ vùng dịch sang vùng không có dịch vẫn diễn ra, thậm chí họ chở lợn bệnh đi tiêu thụ ngang nhiên giữa đường coi như chưa hề có văn bản “cảnh cáo” nào từ phía Bộ NN-PTNT.  Bên cạnh đó, khi xuống địa phương tiến hành kiểm tra kháng thể của những con lợn đã được khai là tiêm phòng đầy đủ, các chuyên gia mới phát hiện, có rất nhiều lợn không hề được tiêm phòng. Hay cán bộ địa phương chỉ báo với đoàn kiểm tra là lợn chết rất nhanh không có biểu hiện gì đặc biệt và hầu hết đều chẩn đoán là dịch tả lợn và tai xanh. Song kết quả phân tích lại cho thấy, lợn bị dịch LMLM.

Về tiêm phòng, người dân lý giải: giá đắt quá, thấp nhất là 10.000 - 12.000 đồng/mũi tiêm vacxin tai xanh của Trung Quốc. Muốn tốt hơn thì phải tiêm vacxin của Đức có giá 60.000 đồng/mũi (trung bình mỗi con lợn phải tiêm nhắc lại 2 mũi). Để tiêm 1 đàn lợn cũng phải tốn vài triệu đồng. Có người dân nói thẳng: “Tốn thế, không tiêm”. Cũng theo ông Thành, quy định phải có ít nhất 85% tổng số đàn được tiêm phòng thì mới an toàn.

Nguyên nhân cuối cùng khiến cho ngành thú y càng “bó tay” là năm nay, rét đậm rét hại kéo dài khiến cho sức đề kháng của gia súc giảm đi rõ rệt. Đến con trâu, bò to khỏe thế cũng lăn ra chết vì không chịu nổi cái khắc nghiệt của thời tiết. Ông Thành góp ý: Phòng dịch bệnh vẫn là việc làm quan trọng đầu tiên để hạn chế dịch lây lan. Đây là lựa chọn duy nhất để các địa phương phải làm theo. Vì vậy, các địa phương cần thường xuyên củng cố hoạt động của các chốt kiểm dịch, hoạt động giết mổ và vận chuyển lợn ở vùng có dịch về. Những xã chưa có dịch phải tăng cường công tác kiểm tra để rút kinh nghiệm.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất