| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống dịch cúm gia cầm: Không lơ là

Thứ Ba 17/06/2014 , 10:10 (GMT+7)

Các địa phương không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC) vì nguy cơ tái bùng phát cúm trong thời gian tới có thể xảy ra.

Đó là nội dung đáng lưu ý tại hội nghị "Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống cúm A/H5N1” tổ chức tại TP Đà Nẵng trong hai ngày 16-17/6. 

Nhiều khoảng trống trong chống dịch

Tính toán khá chi tiết những thiệt hại do CGC gây ra cho con người, bà Olanas - Cố vấn kinh tế, Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, thống kê trong năm 2014, gánh nặng lớn nhất của bệnh lây truyền từ động vật sang người sẽ rơi vào 1 tỷ người chăn nuôi nghèo trên thế giới và trung bình hằng năm mỗi nước phải bỏ ra khoảng 37 triệu USD để phòng chống dịch bệnh.

Nếu không có hiểu biết về cách phòng chống virus cúm lây sang người, không có cơ quan giám sát việc lưu hành dịch bệnh trên gia cầm thì thiệt hại này sẽ trở thành gánh nặng của mỗi quốc gia, nhất là nước nghèo.

Cũng theo bà Olanas, hiện đang có nhiều khoảng trống về năng lực phòng chống dịch ở nhiều nước, nhất là thiếu kiến thức, hiểu biết về thú y và y tế, là nguyên nhân khiến dịch bệnh xuất hiện. Vì vậy, thái độ, hành vi ứng phó dịch CGC là vô cùng quan trọng. Dịch CGC phải coi là cuộc chiến toàn cầu, nếu không có sự chuẩn bị sẵn để đề phòng thì tổn thất càng nặng nề.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Phòng dịch tễ, Cục Thú y, hiện dịch CGC đã được khống chế, nhưng trước đó, 4 tháng đầu năm 2014, cả nước có 155 xã thuộc 33 tỉnh, thành có dịch với gần 212.000 con gia cầm mắc bệnh, chết phải tiêu hủy (trong đó gà chiếm 36%, vịt 64%).

Từ năm 2011, bắt đầu có sự thay thế virus CGC nhánh 2.3.4 bằng nhánh 2.3.2. Không dừng lại, nhánh mới 2.3.2 này tiếp tục phân nhánh nhỏ hơn thành 2.3.2.1 bao gồm các nhóm nhỏ A, B, C có độc lực và đặc tính kháng nguyên khác nhau.

Hiện nay, các ổ dịch chủ yếu do virus cúm A/H5N1 nhánh 2.3.2.1C gây ra có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành nhưng chủ yếu vẫn ở các tỉnh Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và Nam Trung bộ.

Cũng lo ngại về nguy cơ dịch CGC có thể bùng phát, PGS.TS Cao Bảo Vân, Viện Pasteur TP.HCM cảnh báo: Virus cúm có thể biến đổi và gây nên đại dịch cúm trên người bất cứ lúc nào. Hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất vacxin cúm A/H5N1 bằng nuôi cấy trên tế bào Vero.

Tuy nhiên, khi chủng virus biến đổi, những vacxin hiện hành không có tác dụng (kể cả với loài người và động vật), nhất là với virus cúm A/H5N1.

Chung tay phòng chống dịch

Với mục tiêu chung là giảm nguy cơ nhiễm cúm gia cầm ở người tại 11 tỉnh tham gia dự án bằng cách phát hiện sớm và phản ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó với đại dịch cúm ở người, Dự án Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm người và đại dịch cúm ở Việt Nam (VAHIP) được hai Bộ NN-PTNT và Y tế ký kết thực hiện từ năm 2007-2014.

Ông Phạm Việt Anh, Giám đốc Dự án phần nông nghiệp cho biết, đây là dự án ODA của Nhật Bản đầu tiên mà hai ngành Nông nghiệp và Y tế bắt tay nhau cùng thực hiện tại 11 tỉnh gồm Lạng Sơn, Hà Tây (nay là Hà Nội), Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TT-Huế, Bình Định, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp với tổng kinh phí 25,9 triệu USD.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO):

Năm 2013-2014 nhiều nước lân cận xuất hiện các ổ dịch cúm A/H7N9 như Campuchia, Trung Quốc. Tính đến hết ngày 12/6/2014, Trung Quốc có 448 ca mắc virus cúm A/H7N9, trong đó 157 trường hợp tử vong. Các ca mắc chủ yếu do dính đến gia cầm sống.
Tại Việt Nam, hiện nay chưa có bằng chứng virus lây từ người sang người nhưng với sự thay đổi của chủng virus cúm mới thì nguy cơ lây truyền sang người trong thời gian tới là hoàn toàn có thể xảy ra.

Sau 7 năm triển khai, có thể coi dự án thành công. Đó là nhận thức của người dân về cúm gia cầm tại 11 tỉnh trên đã thay đổi một cách rõ rệt.

Dự án đã hỗ trợ hoạt động liên quan đến việc áp dụng biện pháp an toàn sinh học; tổ chức được 8 lớp tập huấn cho người kinh doanh và quản lý chợ về các biện pháp an toàn sinh học trong mua bán, vận chuyển giết mổ gia cầm; nội quy chợ và lò giết mổ; thực hiện giám sát việc lưu hành virus cúm gia cầm tại chợ, lò giết mổ; tăng cường báo cáo sớm ổ dịch thông qua chương trình truyền thông ở trường tiểu học.

Đặc biệt, thực hiện duy trì và nhân rộng mô hình giám sát bệnh truyền nhiễm tại địa phương, đến nay đã thiết lập được hệ thống giám sát các bệnh nguy hiểm trong đó có cúm A/H5N1 tại 11/11 huyện, thành phố; nâng cao kỹ năng chẩn đoán và điều trị cúm A ở người tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện;

Củng cố hệ thống y tế dự phòng địa phương; tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi phòng chống cúm A/H5N1 và nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, góp phần đảm bảo có thể ứng phó kịp thời khi xảy ra bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Việt Anh, dù có nhiều bất cập cần khắc phục như chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai ngành y tế và thú y ở cấp địa phương, nhưng trước nhiều cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh mới nổi trong mùa đông tới đòi hỏi liên ngành tiếp tục vào cuộc.

Bên cạnh đó phải tăng cường hơn nữa năng lực của hệ thống y tế dự phòng tuyến huyện và chất lượng phòng xét nghiệm hai ngành để giúp phát hiện và đáp ứng sớm với bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm A/H5N1.

Quyết tâm không để dịch cúm A/H5N1 bùng phát cũng được ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN-PTNT cho hay, kiểm soát dịch bệnh cúm trên gia cầm, bệnh dại và an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu từ nay đến hết năm.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT ngoài dự phòng 40 triệu  liều vacxin CGC cũng yêu cầu địa phương cấp tỉnh, ngay khi có ổ dịch phải công bố dịch và huy động mọi nguồn lực tham gia chống dịch. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm nhằm giảm thiểu các hành vi có nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch CGC.

Xem thêm
Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất