| Hotline: 0983.970.780

Phong trào ly khai ở Catalonia dưới góc nhìn kinh tế

Thứ Năm 05/10/2017 , 11:10 (GMT+7)

Cuộc trưng cầu dân ý (TCDY) đòi độc lập của xứ Catalonia đang trở thành khủng hoảng chính trị lớn nhất ở Tây Ban Nha kể từ sau năm 1975.

Bên cạnh các yếu tố truyền thống và văn hoá, kinh tế được đánh giá là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha.
 

Văn hoá, truyền thống riêng

Nằm ở tây bắc Tây Ban Nha, Catalonia (hay Catalunya, Catalonha theo tiếng địa phương), gồm 4 tỉnh lớn là Barcelona, Girona, Lleida và Tarragona. Thủ phủ và cũng là thành phố lớn nhất của Catalonia là Barcelona, đồng thời cũng là thành phố lớn thứ nhì Tây Ban Nha. Người Catalonia luôn tự hào về truyền thống văn hoá, tiếng nói riêng của mình. Với 7,5 triệu người, Catalonia chiếm 16% dân số Tây Ban Nha, nhưng diện tích chỉ chiếm 6,3%.

Cảnh sát Tây Ban Nha ngăn người Catalonia trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10

Theo Washington Post, phong trào đòi độc lập của xứ Catalonia thực ra có thể bắt đầu từ năm 1714, khi vua Philip V của Tây Ban Nha chiếm Barcelona. Năm 1932, lãnh đạo vùng này đã tuyên bố thành lập Cộng hoà Catalonia, và chính phủ Tây Ban Nha đã chấp thuận cho Catalonia cơ chế tự trị. Tuy nhiên sau khi lên nắm quyền, cựu Thủ tướng Francisco Franco đã đàn áp các quyền tự trị của Catalonia một cách hệ thống, đẩy tinh thần đòi độc lập của vùng này lên cao.

Sau khi Franco qua đời, cuộc đấu tranh đòi độc lập của Catalonia lại được phát động mạnh mẽ trở lại. Quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm, tới năm 2010 Toà án Hiến pháp Tây Ban Nha đã bác yêu cầu độc lập của Catalonia, nhưng sau đó vùng này được hưởng một số đặc quyền lớn so với các vùng khác. Mặc dù vậy, chừng đó đối với người Catalonia có vẻ như là chưa đủ.

Hai tuần trước thời điểm diễn ra cuộc TCDY ở Catalonia, đã có khoảng 40.000 người dân vùng này xuống đường tuần hành phản đối chính quyền trung ương. Người biểu tình mang cờ của xứ Catalonia, diễu hành dưới ban công nhiều ngôi nhà, nơi treo ban-nơ kêu gọi nói “Có” với cuộc TCDY. “Nó đã từng xảy ra dưới thời Franco. Thời điểm hiện tại, chúng tôi cần thay đổi”-Josep Minguet, một người Catalonia nói, bằng tiếng địa phương. Với nhiều người Catalonia, đơn giản họ không phải người Tây Ban Nha.
 

Kinh tế mới là câu chuyện lớn

Dù chỉ chiếm 6,3% diện tích (32,114 km2) và 16% dân số nhưng theo Guardian, Catalonia lại đặc biệt quan trọng về mặt kinh tế đối với Tây Ban Nha. Năm 2016, Catalonia đóng góp 266 tỉ USD vào GDP Tây Ban Nha tương đương 1/5, tổng lượng xuất khẩu bằng ¼ (khoảng 70 tỉ USD) và 1/2  giá trị đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp. Đầu tư nước ngoài vào Catalonia năm 2016 cũng đạt trên 40 tỉ USD, bằng 1/4 tổng đầu tư nước ngoài vào Tây Ban Nha.

Tỉ lệ thất nghiệp ở Catalonia cũng chỉ ở mức 13,2%, thấp hơn rất nhiều so với mức chung 17,2% trên cả nước Tây Ban Nha. Dù không phải là vùng có mức GDP bình quân đầu người cao nhất Tây Ban Nha nhưng GDP bình quân đầu người của Catalonia (28.590 euro) cao hơn mức trung bình cả nước. Lượng khách du lịch nước ngoài tới đây năm 2016 cũng chiếm 23,8% tổng lượng du khách toàn Tây Ban Nha.

Chuyên gia kinh tế Elisenda Paluzie thuộc trường Đại học Barcelona cho biết, Catalonia đóng góp tới 20% vào ngân sách thuế của Tây Ban Nha nhưng chỉ được nhận lại 14% cho chi tiêu công cộng. Cũng theo bà Paluzie, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 càng thúc đẩy tâm lý ly khai của Catalonia khi ngân sách trung ương trả lại bị cắt giảm mạnh nhất. Năm 2010, Catalonia đã đòi quyền tự thu thuế, tương tự như vùng tự trị Basque, nhưng bị chính quyền Tây Ban Nha bác bỏ.

Hôm qua, nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI đã lên tiếng chỉ trích những lãnh đạo xứ Catalonia đã khích động một cuộc ly khai một cách vô trách nhiệm, đẩy Catalonia và Tây Ban Nha vào sự mất ổn định, chia rẽ. Theo bà Paluzie, nếu bị mất Catalonia, Tây Ban Nha vẫn là nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sau Đức, Pháp và Ý nhưng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đây có lẽ là lý do Madrid đang sử dụng mọi biện pháp có thể để ngăn cản phong trào đòi độc lập của Catalonia.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất