| Hotline: 0983.970.780

Phòng trừ bệnh xì mủ và nứt vỏ trên cao su

Thứ Ba 15/10/2013 , 10:40 (GMT+7)

Để phòng trừ 2 loại bệnh trên có hiệu quả thì không những phun đúng thuốc mà còn phải sử dụng kết hợp các biện pháp kỹ thuật...

Hỏi: Thời tiết mưa nhiều nên vườn cao su xuất hiện các mụn nhỏ, sau đó dần dần lan rộng cả thân cây. Còn trên một số cành lớn xuất hiện nhựa chảy ra, khi dùng dao vạt lớp vỏ chỗ bị bệnh thấy có những sọc đen sẫm trên bề mặt.

Xin cho biết đây có phải là bệnh xì mủ không? Chúng tôi phải dùng thuốc gì phun xịt để ngăn chặn bệnh trong thời điểm này.

(Trần Hoàng Phong - thị trấn An Lộc, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước)

Trả lời: Điều kiện thời tiết mưa nhiều là điều kiện thuận lợi nhất các loại bệnh hại tấn công và gây hại trên cây trồng. Vì vậy việc xác định được bệnh và có biện pháp phòng trừ ngay lập tức là việc rất cần và quan trọng.

Qua thư của anh về trường hợp bệnh hại trên cao su thì vườn nhà anh rất có thể đã bị cả 2 loại bệnh tấn công mạnh là bệnh xì mủ và bệnh nứt vỏ gây ra. Đối với bệnh xì mủ là bệnh hại phổ biến ở các vùng trồng cao su trên thế giới, năng suất mủ do bệnh gây ra thiệt hại có thể lên tới 40%.

Bệnh do các loài nấm bệnh Phytopthora gây ra. Phổ biến là nấm Phytopthrora palmivora hại ở mặt cạo và Phytopthora botryosa hại ở lá và trái cao su. Khi bệnh phá hại trên các miệng cắt mặt cạo mủ còn gọi là bệnh loét sọc mặt cạo. Tùy theo tuổi và bộ phận bị hại mà triệu chứng biểu hiện khác nhau.

Từ các vị trí bị hại, nhựa chảy ra thành từng giọt hay từng dòng. Bệnh nặng vết bệnh ăn sâu vào lõi gỗ. Nếu dùng dao vạt lớp vỏ chỗ của vết bệnh thì sẽ nhận thấy triệu chứng như mô tả của thư là thấy các sọc đen sẫm trên bề mặt gỗ thân. 

Trên cây cao su trưởng thành đã khai thác các mô bị bệnh cũng chảy nhựa nhưng lớp vỏ thường sưng phồng lên do phiến nhựa đã keo khô lại nằm giữa lõi gỗ và tầng vỏ. Phiến nhựa thâm đen và có mùi hôi khó chịu. Bề mặt lõi gỗ trên thân bị bệnh cũng thâm đen. Chiều dài vết thâm tới 20 - 30 cm.

Triệu chứng chung của bệnh là làm cho các vị trí thân cành ứ nhựa, đen thâm mặt lõi gỗ, làm hư hại các ống mủ sơ cấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của cung thượng tầng.

Còn khi trên vỏ của thân cây cao su có nhiều mụn nhỏ có kích thước 1 - 2 mm, sau đó các mụn này lan ra toàn bộ thân cành và làm cả thân cạnh bị nứt, mủ rỉ ra từ các vết nứt thì đây là bệnh nứt vỏ do nấm Botryodiploidia theobromae gây ra.

Bệnh xuất hiện trên cây cao su trên 3 năm tuổi. Đối với những cây bị bệnh nặng thì khi quan sát thấy sinh trưởng bị chựng lại, đôi khi gây chết cả cây.

Để phòng trừ 2 loại bệnh trên có hiệu quả thì không những phun đúng thuốc mà còn phải sử dụng kết hợp các biện pháp kỹ thuật sau:

- Thường xuyên kiểm tra để phát hiện bệnh kịp thời. Tỉa bỏ các cành bệnh, vệ sinh cỏ dại trong vườn để tạo thông thoáng, hạn chế bị úng để làm giảm độ ẩm của vườn sau khi mưa.

- Khi đã bị bệnh để hạn chế lây lan nên nhúng dao cạo vào dung dịch thuốc đặc trị trước khi cạo cây kế tiếp. Cần phát hiện bệnh sớm khi vết bệnh còn nhỏ và nhẹ (chiều dài dưới 20 cm, rộng 3 - 4 cm).

- Phòng bệnh trên miệng cạo thường bắt đầu từ cuối tháng 8 đến hết mùa cạo mủ. Biện pháp phòng trừ bệnh ở miệng cạo là dùng thuốc quét trực tiếp trên miệng cạo, định hình 1 - 2 lần cạo mủ và quét thuốc vào ngày thứ hai sau khi cạo.

Để điều trị bệnh này có hiệu quả tối ưu thì nên dùng thuốc trừ nấm như sau: VIXAZOL 275SC với nồng độ 0,5% (1 lít/phuy 200 lít nước) hoặc hỗn hợp 2 loại thuốc VIVIL 100SC + VICARBEN 50HP tỷ lệ 2:5 pha ở nồng độ 0,5%.

Bên cạnh đó nên phối hợp chất bám dính để tăng hiệu quả và hạn chế sự rửa trôi do nước mưa (dùng bình phun ướt toàn bộ phần bị nhiễm 2 - 3 lần với chu kỳ 10 ngày/lần.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.