| Hotline: 0983.970.780

Phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa

Thứ Hai 09/01/2012 , 10:09 (GMT+7)

Hỏi: Lúa của tôi gần 30 ngày tuổi đang bị sâu cuốn lá tấn công nhiều, vậy hiện giờ chúng tôi có nên phun thuốc hay không? Xin cho biết phải phòng trừ chúng như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất và nên phòng trừ ở giai đoạn nào khi canh tác lúa?

(Trần Văn Sáu - ấp 1, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng)

Trả lời: Cùng với rầy nâu, bọ trĩ hại lúa thì sâu cuốn lá nhỏ (Cnaphalocrocis medinals) là một trong những loài côn trùng gây hại phổ biến trên cây lúa của nước ta, chúng có khả năng bùng phát thành dịch gây thất thoát năng suất nghiêm trọng.

Sâu cuốn lá nhỏ có vòng đời khoảng 30 ngày. Bướm có màu vàng phấn nhạt, trên cánh có hai sọc ngang, bướm đẻ trứng trên lá gần gân chính. Sâu non có 5 tuổi, chúng gây hại bằng cách nhả tơ cuốn hai mép lá lại với nhau thành dạng ống thẳng đứng, sống và cạp chất mô xanh có chứa diệp lục tố của lá, chỉ chừa lại biểu bì nên những ruộng bị hại thường nhìn từ xa có màu bạc trắng trông xơ xác.

Sâu tuổi 1 và 2 còn rất nhỏ, nhả tơ rất ít. Bắt đầu từ tuổi 3 trở đi, sâu gây hại nhiều, lớp tơ càng dày nên gây hại càng mạnh, diện tích lá bị hại có thể từ ½ lá đến hết cả 1 lá. Thông thường cứ 1 sâu non cuốn 1 lá, gây hại xong chúng di chuyển sang lá cạnh.

Thành trùng sâu cuốn lá nhỏ hoạt động vào ban đêm, ban ngày trốn dưới lúa. Bị thu hút bởi ánh sáng đèn. Sâu cuốn lá gây hại chủ yếu 2 giai đoạn: giai đoạn đẻ nhánh (25-40 ngày sau sạ) và giai đoạn đòng trổ (45-70 ngày sau sạ).

Theo một số nghiên cứu thì thời gian gây hại của sâu cuốn lá nhỏ ở giai đoạn đẻ nhánh (lúa dưới 40 ngày tuổi) sẽ không làm giảm năng suất của lúa vì giai đoạn này cây lúa cho lá mới liên tục nên sẽ không ảnh hưởng đến sức phát triển, năng suất lúa. Tuy nhiên nếu mật độ sâu đạt mức 50 con/m2 thì cần phải tiến hành phun thuốc.

Mật số sâu phát triển mạnh ở giai đoạn đòng trổ thì cây lúa sẽ không đủ khả năng đền bù kịp gây thiệt hại năng suất nghiêm trọng. Để phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ kịp thời và hiệu quả cần kết hợp nhiều biện pháp tổng hợp với nhau ngay từ đầu vụ:

- Cần thăm đồng thường xuyên khi thấy bướm xuất hiện hoặc sâu non để phòng trừ sớm khi chưa gây hại nhiều. Nếu mật độ quá cao vào giai đoạn đòng trổ, khoảng 20 con/m2 nên cần thiết phải phun thuốc phòng trừ kịp thời để đạt hiệu quả cao, tránh gây thiệt hại năng suất do chúng gây ra.

- Một số kinh nghiệm cho thấy khi quan sát thành trùng của sâu cuốn lá nhỏ rộ nhiều là biểu hiện chuẩn bị phát triển lứa sâu mới. Do đó nên tiến hành phun thuốc khoảng 5–7 ngày sau khi bướm nở rộ để diệt sâu non. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học như: VIMATOX 5SG có đặc tính thấm sâu nhanh vào mô lá, thời gian cách ly ngắn 7 ngày và ít ảnh hưởng đến thiên địch... hoặc dùng thuốc hóa học khi cần thiết như VIRIGENT 800WG & 50SC.

Lưu ý khi sử dụng thuốc BVTV nên tuân thủ nguyên tắc 4 đúng. Đồng thời nên phun thuốc sớm khi sâu còn nhỏ, tốt nhất là từ tuổi 1 đến tuổi 2. Luân phiên sử dụng các loại thuốc với nhau để tránh xuất hiện tính kháng của sâu.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.