Toàn cảnh buổi họp báo |
Theo thống kê của UBND thị xã Sông Cầu thì đến ngày 5/7, đã có hơn 1,6 triệu con tôm hùm bị chết (17% tôm bông và 83% tôm xanh) gây ảnh hưởng khoảng 700 hộ nuôi. Ngoài ra còn khoảng 2.000 lồng nuôi cá biển cũng bị thiệt hại.
Tại cuộc họp báo, bà Lê Đào Anh Xuân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên khẳng định, việc tôm hùm nuôi bị chết không có sự liên quan nào đến việc xả thải của Nhà máy chế biến thủy sản Nguyễn Hưng (nơi người dân tụ tập phản đối).
Qua xác minh của Công an tỉnh Phú Yên, trong thời gian nâng cấp hệ thống xả thải, toàn bộ nước thải của nhà máy đã được vận chuyển xử lý tại Công ty TNHH Bột cá Phú Bình. Trích xuất từ camera không phát hiện nhà máy lén lút xả nước thải ra môi trường.
Kết quả phân tích nước do Trung tâm phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (gồm 1 mẫu nước thải của Nhà máy chế biến thủy sản Nguyễn Hưng chưa qua xử lý và 1 mẫu nước vùng nuôi có tôm chết) cũng cho thấy không có sự tương quan nào. Đoàn công tác của Cục môi trường Miền Trung và Tây Nguyên (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng có quả tương tự.
Với những nguyên nhân đã được công bố, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đề nghị có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho người dân. Tôm chết là do nguyên nhân khách quan.
Để hỗ trợ người nuôi, các ngân hàng thương mại và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Yên đang thống kê các dư nợ cho vay của các hộ dân có tôm hùm nuôi chết để có giải pháp tiếp tục hỗ trợ cho vay để tái sản xuất.