| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên: Lũ gây xâm thực đất sản xuất

Thứ Bảy 09/11/2013 , 23:09 (GMT+7)

Hiện công tác phòng chống bão tại tỉnh này vẫn được đặt trong trạng thái khẩn cấp.

Do mưa lớn nhiều ngày trước, đến ngày 9/11 mực nước các hồ chứa tại một số huyện miền núi ở tỉnh Phú Yên vẫn còn cao, nước lũ xâm thực bờ sông Ba, gây sạt lở đất sản xuất và đường giao thông. Hiện công tác phòng chống bão tại tỉnh này vẫn được đặt trong trạng thái khẩn cấp.

Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Sông Hinh, chiều ngày 9/11, mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn có dung tích nhỏ (tràn tự do) vẫn còn dâng cao, vượt qua tràn từ 0,5 đến 1m. Hồ chứa nước Buôn Đức nước đang ở mức dưới ngưỡng tràn 15cm, hồ chứa nước La Bách nước chưa lên đến đỉnh tràn. Các tràn trên quốc lộ 29 thuộc thôn Suối Biểu, xã Sơn Giang, tràn suối EaBia trên đường liên xã từ TT Hai Riêng đi các xã EaBia, EaTrol nước đã tràn qua; tràn đường tạm qua cầu EaTrol đang thi công bị nước cuốn trôi, hiện cầu mới đã được lao dầm nhưng chưa đổ bê tông, đã được đơn vị thi công lót ván để người dân đi tạm nhưng rất nguy hiểm.

Chiều ngày 9/11, xe mô tô của ông Y Tham ở buôn Mùi, xã EaTrol rơi xuống cầu EaTrol bị nước lũ cuốn trôi vẫn chưa được tìm thấy; một số tuyến đường đất, đường cấp phối, đất đắp lề đường bị cuốn trôi, nhưng chưa thể thống kê đường xá đi lại khó khăn; 4 đập dâng thủy lợi bị bồi lấp nặng; mái bảo vệ bờ kênh thuộc công trình hồ chứa nước buôn Đức bị xói lở; kênh mương xã EaTrol bị sập 2m tại cống hộp đầu buôn Ly; kênh tả hồ chứa nước La Bách bị tắc tại cầu máng dẫn đến nước tràn qua kênh phía thượng lưu. Hiện có 5,9ha sắn bị ngập úng, nhiều diện tích mía bị đổ ngã; 3 con trâu, bò bị chết, cuốn trôi; nhiều diện tích đất sản xuất bị sạt lở tại suối buôn Diêm, TT Hai Riêng, buôn Quang Dù, xã Đức Bình Tây và xã Sông Hinh.

Hiện hồ thủy điện Sông Ba Hạ tại huyện Sơn Hòa (Phú Yên) tiếp tục xả lũ với lưu lượng 4.800 m3/s khiến mực nước sông ở vùng hạ lưu đang dâng cao.

Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Sông Hinh cho biết, huyện liên tục phát đi các thông báo, công điện khẩn đến các địa phương, các đơn vị và các thành viên Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện, yêu cầu trực ban theo dõi diễn biến của mưa lũ để chủ động ứng phó. Huyện Sông Hinh chỉ đạo các địa phương cử lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các điểm giao thông bị nước tràn qua như tràn thôn Suối Biểu, xã Sơn Giang; tràn qua suối EaBia và cầu EaTrol nhằm ngăn chặn rủi ro. Hiệu trưởng các trường học phối hợp với các địa phương cho học sinh nghỉ học từ ngày 9 đến ngày 11/11/2013. Bệnh viện đa khoa huyện, Trung tâm y tế , Hội chữ thập đỏ, Trạm thú y, Trạm bảo vệ thực vật chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc dự phòng để phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, trực cấp cứu tại các bệnh viện, trạm xá, củng cố các tổ, đội sơ cấp cứu lưu động, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng sơ cấp cứu cho người bị nạn trong mùa mưa bão. Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh đảm trách việc phối hợp với các đơn vị vận hành các công trình thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ và KRông H’Năng, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh và các ban ngành liên quan theo dõi, nắm bắt chặt chẽ tình hình xả lũ, diễn biến mực nước ở các triền sông, diễn biến của cơn bão để cảnh báo kịp thời cho nhân dân biết phòng tránh. “Chúng tôi cũng đã đề nghị đơn vị thi công cầu EaTrol phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lưu thông qua cầu đảm bảo an toàn. Điều động các thành viên Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện bám sát địa bàn để đôn đốc, phối hợp với địa phương ứng phó; rà soát lại kế hoạch phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương để điều chỉnh bổ sung kịp thời thiếu sót, đặc biệt là công tác di dân vùng ngập lũ tại các xã Sơn Giang, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, di chuyển tài sản đến nơi an toàn trước khi bão đến”, ông Định nói.

Tại huyện miền núi Sơn Hòa, chiều ngày 9/11, trời không mưa nhưng công tác phòng, chống siêu bão Haiyan tại 13 xã, thị trấn vẫn được diễn ra khẩn trương, chu đáo. Các địa phương chủ động, sẵn sàng sơ tán dân cư vùng trũng thấp, vùng ven suối, vùng bị ảnh hưởng khi có mưa to, gió lớn theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là các khu dân cư xóm Bãi Điều, Bắc Lý, khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn và các đội 4, 5, 6 ở thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà. Đài truyền thanh huyện và xã liên tục thông báo tình hình mưa bão và công tác phòng chống trên sóng phát thanh (1 giờ/lần) để người dân nắm bắt, chủ động. Các địa phương đã hoàn tất chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh có nguy cơ gãy đổ. Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, đến giờ phút này, công tác chuẩn bị phòng chống bão lũ đã hoàn tất. Các lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích ứng trực 24/24 giờ, đảm bảo quân số 100% tại các địa phương, kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Cũng theo ông Phụng, sáng ngày 9/11, còn một số hộ dân ở tỉnh Quảng Ngãi vào các xã Suối Bạc, Sơn Phước thuê đất trồng dưa tại các bãi soi ven sông Ba, UBND huyện Sơn Hòa đã hướng dẫn bà con di dời vào nơi an toàn

Trong thời gian này, Ban Quản lý dự án Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh Phú Yên đang phối hợp với các ngành chức năng khẩn cấp thi công 1 đoạn kè dài 60m sát bờ biển, nằm về phía Nam khu dân cư xóm Rớ thuộc phường Phú Đông, TP Tuy Hòa với tiến độ phải  hoàn thành trước khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào đất liền để kịp phòng tránh bão và hạn chế tối đa nước biển xâm thực vào đất liền, bảo vệ tài sản, nhà cửa khu dân cư xóm Rớ. Khu dân cư xóm Rớ nằm cách bờ biển hơn 100m. Từ năm 2003 đến nay, ven biển khu vực này thường xuyên xuất hiện triều cường với những cột sóng cao từ 5 đến 7m xâm thực vào đất liền, gây thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản của người dân. Đợt triều cường xảy ra gần đây nhất vào tối ngày 24/12/2012 làm nước biển dâng, xâm thực mạnh vào bờ gần 15m. Hậu quả, 8 ngôi nhà bị sóng đánh sập hoàn toàn, gây xói lở đường Đinh Tiên Hoàng nối dài và đe dọa trực tiếp tính mạng hàng trăm hộ dân.

Kè được thi công từ ngày 8/11 bằng rọ sắt và đá hộc với khối lượng 180m3. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đã điều động 50 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn bộ binh 85 giúp chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây kè. UBND tỉnh Phú Yên đã chi khẩn cấp gần 250 triệu đồng, giao Ban Quản lý dự án thủy lợi tỉnh huy động gần 10 xe tải, xe xúc, xe ủi để làm bờ kè này.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.