| Hotline: 0983.970.780

Phục hồi rừng luồng thoái hóa

Thứ Hai 12/01/2015 , 09:11 (GMT+7)

Luồng là cây trồng phổ biến trong các chương trình trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Thực tế, rừng luồng đang phải đối mặt với nguy cơ thoái hóa do đất đai cằn cỗi, không được cải thiện, sâu bệnh gia tăng phá hại; đặc biệt hoạt động khai thác quá mức của con người nhưng không có kế hoạch trồng bổ sung, thay thế.

Vậy làm thế nào để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) trong trồng, chăm sóc và thu hoạch luồng nhằm góp phần cải thiện hệ sinh thái rừng, nâng cao thu nhập và giá trị kinh tế từ cây trồng này?

Năm 2013, dự án khuyến nông “Phục hồi rừng luồng thoái hóa” do TS. Đặng Thịnh Triều, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam làm Chủ nhiệm đã được triển khai với mục tiêu chuyển giao các TBKT mới trong trồng, khai thác, nâng cao năng suất và chất lượng rừng luồng, tăng thu nhập cho người dân.

Tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và Phú Thọ là những địa phương được lựa chọn để xây dựng mô hình trình diễn dự án từ năm 2013 - 2015. Đây cũng là 3 tỉnh có diện tích trồng luồng lớn nhất cả nước với tổng diện tích gần 100.000 ha.

Đưa TBKT mới vào thâm canh

Theo khảo sát của các chuyên gia lâm nghiệp, hiện nay rừng trồng luồng trên cả nước đang trên đà suy thoái, giảm cả về chất lượng và năng suất, mặc dù diện tích luồng có tăng lên.

Nguyên nhân chủ yếu là do không thực hiện nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến khai thác, sử dụng rừng luồng. Rừng trồng luồng ở nhiều địa phương bị khai thác quá mức, khai thác không có quy hoạch, sâu bệnh gia tăng phá hoại đã dấn đến đất rừng luồng đã bị thoái hóa, năng suất rừng luồng bị sụt giảm nghiêm trọng.

Theo TS. Đặng Thịnh Triều, người dân chưa nắm vững được kỹ thuật trồng và khai thác, áp lực về kinh tế đã trồng nhiều diện tích luồng ở các lập địa không thích hợp như trên đỉnh đồi, nơi có nhiều đá lẫn đất... cộng thêm khai thác măng, thân luồng tùy tiện cũng khiến năng suất và chất lượng rừng luồng suy thoái nhanh.

Dự án "Phục hồi rừng luồng thoái hóa" đặt mục tiêu phục hồi diện tích rừng luồng thoái hóa 182 ha và 165 ha diện tích trồng mới, trong đó bao gồm phục hồi 102 ha đất xấu, 70 ha khai thác quá mức, 70 ha phục hồi do sâu bệnh.

Việc phục tráng rừng luồng thoái hóa dựa trên nền tảng cơ bản là chuyển giao các TBKT mới vào thâm canh, tập trung ở các nhóm nhiệm vụ cụ thể như: cải tạo thổ nhưỡng, tăng độ phì và dinh dưỡng cho đất; tuyển chọn giống mới năng suất cao, kháng sâu bệnh vào thâm canh, đồng thời ứng dụng TBKT phòng trừ sâu bệnh hại luồng hiệu quả; xây dựng quy trình trồng, chăm sóc, khai thác khoa học nhằm duy trì diện tích rừng luồng đảm bảo cho khai thác sử dụng ổn định, thường xuyên.

Bên cạnh đó, những hộ dân tham gia mô hình trình diễn tại các đại phương sẽ được cán bộ lâm nghiệp hướng dẫn và chuyển giao TBKT mới từ khâu tuyển chọn giống, trồng, chăm sóc đến quy trình khai thác luồng một cách hiệu quả. Cây giống được lựa chọn từ các đơn vị cung cấp uy tín, có nguồn gốc giống rõ ràng,…

Đối với các lập địa có chất đất xấu, đất sẽ được tiến hành bón phân bổ sung và làm cho tơi xốp thông qua các biện pháp cuốc, xới quanh gốc, cắt các cây phân xanh ủ vào gốc luồng nhằm tăng lượng mùn, giữ ẩm cho đất.

Có thể nói, dự án "Phục hồi rừng luồng thoái hóa" đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế lâm nghiệp đồng thời là cơ sở quan trọng để tiến hành nghiên cứu, phát triển các diện tích rừng đang suy thoái và mở rộng quy mô canh tác rừng luồng tại các địa phương.
Đây cũng là cơ sở để đẩy mạnh cây luồng thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân tại các địa phương có thế mạnh phát triển cây lâm nghiệp, trồng rừng.

Ngoài ra, bà con còn được hướng dẫn cách thức như trồng luồng với mật độ phù hợp; thường xuyên chặt bỏ các cây sâu bệnh, gãy ngọn, phát dây leo; bón phân đúng quy trình kỹ thuật; diệt sâu bệnh đúng quy cách…

Nâng cao năng suất, thu nhập

Luồng ngoài mục đích sử dụng cho dân sinh như làm nhà, sử dụng rào, cột, kết bè mảng… còn là nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp giấy, thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt trong những năm gần đây, cây luồng còn có giá trị xuất khẩu mang lại nguồn thu đáng kể góp phần cải thiện đời sống và thu nhập của người dân.

Đánh giá kết quả bước đầu thực hiện dự án, TS. Đặng Thịnh Triều, cho hay, sau hơn 2 năm triển khai xây dựng mô hình trình diễn ở các địa phương, cây luồng sinh trưởng, phát triển tốt với tỷ lệ sống đạt 90% và luồng đạt loại I, II tăng.

Chất lượng cây luồng được cải thiện đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế mang lại từ chính cây luồng từng bước được nâng lên. Theo giá trên thị trường hiện nay, thu nhập trung bình đối với cây luồng dao động khoảng trên 8 triệu đ/ha/năm, mang lại nguồn thu thường xuyên hàng năm cho bà con nông dân làm nghề rừng.

Tại Thanh Hóa, địa phương có diện tích khoảng hơn 71.000 ha luồng, chiếm 55% diện tích trồng luồng cả nước. Luồng được coi là cây xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn hộ dân nơi đây.

Gia đình ông Hà Văn Thanh (Đồng Lương, Lang Chánh, Thanh Hóa) hiện có 2 ha luồng trồng thâm canh, trong những năm qua cho thu nhập khoảng 10 - 12 triệu đ/năm. Sau hơn 2 năm tham gia dự án, ông Thành cho biết, ngoài cơ hội hiểu biết kỹ thuật chăm sóc luồng, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, diện tích rừng luồng gia đình được bổ sung… năng suất luồng của gia đình tăng gấp đôi so với phương thức canh tác cũ, đặc biệt là thu nhập tăng từ 17 - 20 triệu đ/ha/năm.

Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, GĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình, dự án không những tạo nhận thức cho người dân về nâng cao năng suất, chất lượng rừng luồng từ kỹ thuật phục hồi rừng luồng thoái hóa mà còn góp phần cải tạo một diện tích rừng luồng thoái hóa đáng kể tại Hòa Bình và đem lại cho địa phương mô hình điển hình để tiếp tục nhân rộng.

“Với đặc điểm bám đất và giữ đất tốt nhất trong các loại cây trồng, nếu phát triển rừng luồng đúng quy hoạch, kỹ thuật, bà con nông dân còn có nguồn nước dồi dào hơn để canh tác lúa ở các thung lũng, khu đất lúa, đất màu và nguồn nước sinh hoạt cũng được cải thiện đáng kể”, ông Tuấn chia sẻ.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.