| Hotline: 0983.970.780

Phục hồi vùng cam Nghệ An: Nhà khoa học và DN cùng vào cuộc

Thứ Tư 06/12/2017 , 13:50 (GMT+7)

Như NNVN đã thông tin, do trồng bằng giống cam trôi nổi nên vùng cam Phủ Quỳ của tỉnh Nghệ An đang lâm vào tình cảnh dở khóc, dở mếu: Trên 50% diện tích cam mới trồng đã bị nhiễm bệnh khi chưa qua thời kỳ xây dựng cơ bản buộc phải phá bỏ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và đoàn cán bộ của Bộ NN-PTNT đã đi thị sát và giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học và doanh nghiệp cùng vào cuộc...

17-28-03_dsc02328
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm vườn cam tại Cty Nông công nghiệp 3/2

Tham gia chuyến thị sát còn có lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Viện NC Rau quả, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện KHKTNN Bắc Trung bộ...; lãnh đạo tỉnh Nghệ An và 2 doanh nghiệp là TCty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An và Công ty TNHH MTV Nông – Công nghiệp 3/2.

Theo ông Lê Quốc Thanh, PGĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, khi biết vùng cam Phủ Quỳ bị nhiễm bệnh nặng, Viện KHNN Việt Nam đã chủ động chỉ đạo, cùng với Viện KHKTNN Bắc Trung bộ và Trung tâm giống cây ăn quả Phủ Quỳ phối hợp với TCty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An (TCty CP VTNN Nghệ An) đi khảo sát để đưa ra các giải pháp nhằm giúp Nghệ An phục tráng lại giống cam sạch bệnh cho bà con nông dân các địa phương. Hiện chúng tôi đã chọn được 10 ha để làm khu vườn ươm sản xuất cây giống sạch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Lập, PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết: Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã tiến hành khảo sát, đánh giá lại việc mở rộng diện tích cam ở Nghệ An, thấy có nhiều bất cập. Đó là việc người dân mở rộng diện tích một cách ồ ạt, nhiều vùng không trồng được cam dân vẫn trồng. Về giống cam cũng mạnh ai nấy làm, không có nhà lưới, không có cây đầu dòng vẫn lấy mắt ghép không đủ tiêu chuẩn để ghép nên giống SX ra không đảm bảo chất lượng và mang sẵn mầm bệnh, diện tích trồng mới chỉ được 2-3 năm là bị vàng lá, héo rũ hàng loạt... Số diện tích cam hết chu kỳ SX cần phải trồng thay thế hiện cũng rất lớn.

Nghệ An mong muốn Viện KHNN Việt Nam giúp tỉnh làm một Trung tâm SX giống cam chuẩn, sạch bệnh để cung cấp giống cho cả vùng cam Phủ Quỳ. Ngoài cây cam chúng tôi cũng mong Viện KHNN Việt Nam giúp một số bộ giống chuẩn khác như chè, bơ... để tỉnh có điều kiện thực hiện chiến lược phát triển cây ăn quả.

Ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TCty VTNN Nghệ An cho biết: Ông đã 5 lần cùng các đoàn công tác của các viện đi khảo sát vùng cam Phủ Quỳ và đã báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về thực trạng đáng báo động ở đây. “Đồng chí Chủ tịch tỉnh đề nghị tôi tham gia để giúp địa phương và tôi đồng ý sẽ cùng tham gia làm 3 giống cây là cam, bơ và chè. Đây là những giống cây sẽ trồng được trên diện tích lớn và là loại cây giúp người dân làm giàu nhanh. Riêng cây cam muốn phục tráng được thì phải ngăn chặn ngay tình trạng SX giống trôi nổi hiện nay, phải phân tích lại thổ nhưỡng để bổ sung đúng chủng loại phân bón cho cây cam đồng thời ngăn chặn triệt để nguồn thuốc BVTV trôi nổi đang được sử dụng bừa bãi trong dân...”, ông Hiền nói.

“Tôi cam kết sẽ đầu tư vốn để xây dựng trung tâm SX giống khép kín, nhưng đề nghị Viện Di truyền Nông nghiệp và Viện NC Rau quả giúp vấn đề kỹ thuật và giống cây đầu dòng. Tiền và phân bón cùng với thuốc BVTV, TCty VTNN Nghệ An sẽ lo”, ông Hiền cam kết.

Ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, khẳng định: Tiềm năng của miền tây Nghệ An còn rất lớn, hiện chúng tôi đang sắp xếp lại 11 doanh nghiệp để sử dụng tốt quỹ đất tại đây nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Tỉnh rất trăn trở điều này và mong muốn Bộ NN-PTNT cùng với các cơ quan liên quan tổ chức giúp tỉnh một cuộc hội thảo thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào miền tây Nghệ An để khai thác tốt tiềm năng sẵn có ở đây. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An mong muốn đưa những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao phải gắn với việc chế biến và thị trường cho từng loại cây để tăng thu nhập cho cả doanh nghiệp và người dân.

17-28-03_dsc02313
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và đoàn khảo sát trên bản vẽ với thực địa

Phát biểu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao việc TCty CP VTNN Nghệ An đã chủ động vào cuộc để tổ chức SX theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Miền tây Nghệ An là vùng đất giàu tiềm năng, cách đây gần 100 năm, người Pháp đã chọn Phủ Quỳ làm 1 trong 3 điểm để nghiên cứu, SX cây ăn quả và cây công nghiệp.

“Dư địa cây ăn quả còn rất lớn, dự kiến năm 2017, chúng ta có thể XK rau quả được 3,3-3,5 tỷ USD do đó việc chọn cây có múi để đầu tư chiều sâu và mở rộng diện tích là một hướng đi rất đúng. Tuy nhiên, muốn phát huy hiệu quả thì phải quan tâm đến giống và các biện pháp kỹ thuật. Cam là một loại cây làm giàu nên sau mỗi vụ phải bón phân như thế nào, phòng trừ sâu bệnh ra sao rất quan trọng...”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng giao lãnh đạo các Viện trong đoàn công tác: Viện KHNN Việt Nam phải chọn được cây đầu dòng chuẩn, phải bảo vệ nguồn gen thật tốt để SX được giống chuẩn và tuyệt đối sạch bệnh, đồng thời phải tiến hành phân tích chất dinh dưỡng trong đất để có hướng dẫn bà con bổ sung các loại phân bón cần thiết cho từng loại cây.

Viện KHKTNN Bắc Trung bộ phải cùng với TCty VTNN Nghệ An xác định rõ cơ chế, cách làm thật rõ trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Viện Di truyền nông nghiệp, Viện NC Rau quả cũng phải vào cuộc một cách tích cực giúp Nghệ An phát triển cây cam cùng các cây ăn quả hiệu quả cao và bền vững.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất