| Hotline: 0983.970.780

Phục sinh vùng “biển ngoạm”

Thứ Năm 04/10/2012 , 09:16 (GMT+7)

Chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, sóng biển đã “ngoạm” nhiều cánh rừng phòng hộ ở tuyến đê biển Tây và đê biển Đông của tỉnh Cà Mau.

Chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, sóng biển đã “ngoạm” nhiều cánh rừng phòng hộ ở tuyến đê biển Tây và đê biển Đông của tỉnh Cà Mau. Hiện tại, nhiều đoạn đê biển không còn một dấu tích, những nơi khác cũng chỉ còn lưu lại vài vạt rừng đước hay mắm, nằm trụ lại một cách yếu ớt trước những cơn sóng biển hung hăng. Thật may, một điều kỳ diệu đã tới...

>> Kè ngầm tạo bãi cứu đê biển Tây

Nước biển đang xâm thực đất liền ngày một lớn. Ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã tập trung mọi nguồn lực để “cứu” các tuyến đê biển nhằm bảo vệ hàng ngàn hộ dân sinh sống phía trong đê. Hàng loạt các giải pháp được đưa ra như xây dựng kè rọ đá, kè bản nhựa… và nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác nhưng đều bị sóng biển cuốn phăng.

Tuy nhiên, trước những nỗ lực không biết mệt mỏi của những người “trị thủy”, thời gian gần đây “kè ngầm tạo bãi” được ra đời dựa trên sự đúc kết kinh nghiệm từ các loại kè không mang lại hiệu quả đã xây dựng trước đó. Đây là loại kè được các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá cao. Vì nó vừa mang lại hiệu quả, vừa giảm chi phí gấp nhiều lần so với các loại kè khác.

Rừng lại lấn biển

7 giờ 30 sáng, chiếc xe chở chúng tôi và những cán bộ của Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau bắt đầu lăn bánh từ trung tâm TP về xã Khánh Tiến, huyện U Minh, nơi có tuyến đê biển Tây đi qua và cũng là nơi đê biển bị sạt lở nhiều nhất trong những năm vừa qua.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau mừng ra mặt khoe với chúng tôi: “Lát nữa khi xuống tới nơi, các anh sẽ thấy loại kè này mang lại hiệu quả như thế nào. Rồi các anh sẽ cảm nhận được niềm vui, sự phấn khởi của người dân sống phía trong đê ra sao. Nhờ có loại kè này họ đã an tâm mà kê đầu ngon giấc, không còn cảnh nửa đêm phải thức dậy ôm đồ đạc, con cái chạy thoát thân như trước đây…”.

Nghe ông Hoai giới thiệu chúng tôi ai cũng tò mò. Vượt hơn 50 km đường bộ, chúng tôi đã có mặt tại xã Khánh Hội, huyện U Minh. Từ đây để ra được đê biển Tây, phải đi bằng ghe lớn. Trước khi xuống ghe, anh cán bộ Hạt quản lý đê điều (trực thuộc Chi cục Thủy lợi) trấn an mọi người: “Hôm nay biển yên lắm rồi, chúng ta có thể chạy ghe dọc theo tuyến đê biển chứ không phải lo thót tim như những ngày giông gió”. Rồi chiếc ghe nổ máy thẳng tiến ra biển. Chỉ hơn 30 phút sau biển đã dần hiện ra trước mắt, nhìn ra xa chỉ có nước và trời. 

Khi mọi người đang chao đảo từng con sóng thì bất ngờ ông Nguyễn Long Hoai ra hiệu cho người điều khiển ghe tấp vào dải kè sừng sững giữa biển khơi, cách đất liền vài trăm mét. Theo lời ông Hoai thì đây là công trình “kè ngầm tạo bãi” đang mang lại hiệu quá lớn trong việc bảo vệ đê biển, khôi phục lại được rừng phòng hộ.


Công trình kè ngầm tạo bãi mang lại hiệu quả, giảm chi phí

Đặc biệt là phương pháp xây dựng hết sức đơn giản, không cầu kỳ phức tạp như các loại kè khác. Người ta dùng cừ ly tâm đóng sâu xuống mặt đất ngoài biển thành hai hàng xen kẽ, cách nhau khoảng 2 m, sau đó đổ đà giằng phía trên rồi bỏ đá vào hộc bên trong để giảm lực sóng biển, tạo bãi bồi từ lượng phù sa theo các cơn sóng. Ông Hoai khẳng định: “Với phương pháp này lượng phù sa theo sóng sẽ được giữ lại phía bên trong kè nhằm dần tạo thành bãi bồi để trồng cây đước hay cây mắm. Khi phù sa tạo bãi đã đủ thì các loại cây này sẽ tái tạo một cách tự nhiên và phát triển nhanh thành những dải rừng phòng hộ bảo vệ được đê biển bên trong”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Chi cục trưởng tâm huyết nghề trị thủy vui mừng cho biết, với loại kè này không cần tốn kém nhiều chi phí. Một mét kè chỉ mất khoảng 30-35 triệu đồng, giảm gấp 2-3 lần chi phí so với các loại kè khác. Chỉ tay về những cây đước, cây mắm đang lớn lên và sinh sôi từng ngày phía trong kè, ông Hoai nói: “Không bao lâu nữa những dải rừng phòng hộ sẽ được phục hồi. Tuy không bằng nguyên trạng trước đây nhưng nó sẽ bảo vệ được đê biển, cũng như bảo vệ được tài sản và tính mạng của hàng ngàn hộ dân phía trong đê”.

Năm 2010, tỉnh Cà Mau cho xây dựng thí điểm kè ngầm tạo bãi với chiều dài 300 m ở tuyến đê biển Tây thuộc xã Khánh Tiến (U Minh) và hoàn thành vào năm 2011. Sau 1 năm đưa vào sử dụng, kè ngầm tạo bãi đã mang lại hiệu quả thiết thực, lượng phù sa bồi đắp ngày càng nhiều, cây rừng cũng dần phục hồi… Từ hiệu quả của loại kè này, thời gian gần đây ngành chức năng địa phương mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm nhiều km loại kè này ở nhiều đoạn đê khác thuộc biển Tây và biển Đông. Tuy nhiên thiếu nguồn vốn để phục vụ cho công trình đang là vấn đề gây khó khăn cho tỉnh Cà Mau hiện nay.

Dân cư an tâm sinh sống

Đúng như lời ông Hoai nói với chúng tôi trước đó, hầu hết người dân nơi đây đều thể hiện niềm vui mừng khi được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng công trình thiết thực này. Đi dọc con đê biển Tây chảy dài hàng chục km thuộc ấp 1, xã Khánh Tiến, huyện U Minh mới cảm nhận hết sự an toàn, nhà nhà lo làm ăn sinh sống từ ngày có kè ngầm tạo bãi.


Trồng rừng phía trong kè là biện pháp cấp bách

"Cà Mau là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, cũng là nơi có nguồn lợi thủy hải dồi dào nuôi sống hàng vạn dân ven biển. Trong những năm gần đây, trước sự biến đổi của khí hậu khiến cho nhiều công trình, nhà cửa, tài sản… của dân bị nhấn chìm trong nước. Kè ngầm tạo bãi là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ người dân làng biển". Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau nói.

Ông Lê Văn Thiệt, người gắn bó với làng biển này mấy chục năm qua chia sẻ: “Nói thiệt với mấy chú, từ ngày có kè bảo vệ, dân ở đây ai nấy an tâm làm ăn, không còn sống trong cảnh nơm nớp lo âu vì những cơn sóng biển như hung thần trước đây. Những hộ đã bỏ nhà đi xứ khác lánh nạn mấy năm trước đây nay quay về cất nhà sinh sống. Xóm biển đông vui trở lại từng ngày”.

Chúng tôi hỏi ông Thiệt về những cánh rừng phòng hộ trước đây, lão ngư này với đôi mắt sáng ngời khi hồi tưởng về những vạt rừng có thân cây to bằng hai vòng tay, nguồn lợi thủy hải sản nhiều vô số kể: “Hồi trước rừng còn nhiều lắm, nếu bắt đầu xuất phát từ bờ đê này lội ra biển thì ai khỏe lắm cũng phải mất hơn 30 phút mới đến. Các loại cua, dọp, sò… thì khỏi phải nói, muốn ăn chỉ cần thò tay xuống bắt đem về”.

Sau một lúc hồi tưởng thời vàng son của làng, khuôn mặt lão ngư lại buồn xa xăm rồi hi vọng một ngày không xa nữa những cánh rừng quê ông sẽ đứng thẳng mà lấn biển như trước. Còn bà Lê Thị Hoa (79 tuổi) phấn khởi: “Nhớ lại mấy năm trước bà con khóc như mưa khi mấy công lúa sau nhà bị nước biển tràn vào làm hư hỏng hết. Có người còn không thiết sống khi bao nhiêu của cải tích lũy bị sóng cuốn trôi ra biển chỉ trong một đêm. Nhưng cảnh tượng đó bây giờ sẽ không còn nữa vì đã có công trình lớn của Nhà nước bảo vệ dân chúng tôi rồi”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.