| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 22/02/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 22/02/2018

Quà cáp, phải cấm cả năm, chứ không chỉ dịp tết!

Theo lịch dự kiến, thì ngày 21/2 (tức mùng 6 tết) là thời hạn cuối để các Bộ, ngành và địa phương nộp báo cáo về việc biếu, nhận quà tết trái quy định của đơn vị. 

Trên cơ sở đó, Cục Chống tham nhũng sẽ sơ kết báo cáo Thủ tướng để có biện pháp xử lý tiếp theo.

16-07-02_bieu-xen-qu-cp-cho-cp-tren
Ảnh minh họa

Những ngày trước và sát Tết Mậu Tuất 2018, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, cho biết, 3 đường dây nóng của Cục đã tiếp nhận hơn 50 cuộc gọi phản ánh xoay quanh việc biếu, tặng quà tết trái quy định, nhưng là ở các tỉnh thành, địa phương, chứ không có tin tố cáo việc nhận quà tết ở trung ương hay các cơ quan lớn thuộc Đảng, Chính phủ. Ông Đạt đánh giá rằng, từ khi có chỉ thị của Ban Bí thư, của Thủ tướng không biếu, nhận quà tết, thì nhiều cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện, triển khai.

Qua thông báo như vậy, có vẻ như tệ nạn biếu xén, nhận quà đã được đẩy lùi rõ rệt. Nhưng những con số đó liệu có chính xác, có đáng tin cậy, có phản ánh đúng với thực tế? Khi mà những vụ án mà trong đó, các bị cáo bị xử về tội danh liên quan đến đưa và nhận hối lộ, thì vẫn đang quá nhiều.

Với các cơ quan, đơn vị nhà nước, thế là đã chính thức hết thời gian nghỉ tết. Mùa xuân thực tế thì vẫn còn, và trong tâm tưởng của nhiều người, thì “mùa” tặng quà nhân dịp tết đã chấm dứt, nhưng việc tặng quà biếu thì diễn ra suốt cả năm, dù rằng việc này là trái với quy định cấm cấp dưới tặng quà cấp trên. Bởi vấn đề thì muôn thuở. Với người Á Đông, công việc và tình cảm thường không thể hoặc rất khó để rành rẽ. Việc tặng quà cũng vậy, quá khó để phân biệt được dứt khoát đâu là thành kính đâu là hối lộ. Dịp tết chỉ là một khoảng thời gian thuận lợi hơn do tập tục cổ vũ, để biếu xén, hối lộ và đặt tên là quà tết mà thôi. Nhưng có một quy luật tự nhiên từ xưa: đẹp hoặc làm quan to thì luôn có nhiều người tặng quà. Vậy thì, nhu cầu của việc biếu xén, hối lộ sẽ diễn ra cả năm.

Để chấm dứt tệ nạn hối lộ biến tướng là “quà biếu tình cảm”, thì luật pháp phải “lượng hóa” để phân biệt và xác định được rõ chuyện đó: mức nào là quà tình nghĩa, mức nào là hối lộ. Và cấm cả năm chứ chả cứ cấm biếu quà trong dịp tết, vì người hối lộ sẽ đến trước và sau tết, ngoài dịp tết, không đến nhà thì đến cơ quan, gặp ở đường, ở quán ăn, cà phê hoặc nhờ gửi…

Chẳng hạn, như bên Hàn Quốc, Luật Nghiêm cấm hành vi yêu cầu hối lộ và ngăn ngừa xung đột quyền lợi của công chức Nhà nước (còn được gọi là "Luật Kim Young-ran"), có hiệu lực thi hành từ ngày 28/9/2016, quy định mức trần về giá trị bữa ăn, quà biếu, tiền hiếu hỷ, được đánh giá là thành công. Luật này quy định mức khen thưởng cho người tố giác và bắt quả tang hành vi tham nhũng nhận quà của các quan chức, nhân viên Chính phủ có thể lên tới 200 triệu won (1 won bằng khoảng 20 đồng), tạo nên một làn sóng “toàn dân tham gia chống tham nhũng”.

Chống tham nhũng, hối lộ là chuyện cả năm, việc này có lẽ nên sớm học Hàn Quốc.