| Hotline: 0983.970.780

“Quả đấm thép” của kiểm lâm Thanh Hóa

Thứ Tư 08/05/2013 , 10:32 (GMT+7)

Năm 1992, Đội Kiểm lâm cơ động& PCCCR số 1 được thành lập. Đội được coi là “quả đấm thép” của kiểm lâm Thanh Hóa.

Hằng năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra hàng trăm vụ vận chuyển, buôn bán lâm sản, động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép. Nhưng với sự tinh thông, nhạy bén của Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR số 1 (Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa), nhiều vụ việc, thủ đoạn, mánh khóe của đối tượng buôn bán ĐVHD bị bẻ gãy, bắt giữ, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Không quản ngại hiểm nguy

Thanh Hóa có 1.122.033 ha đất tự nhiên, trong đó rừng và đất lâm nghiệp chiếm hơn 657.000 ha, tập trung trên địa bàn 17 huyện, thị, thành phố. Với một diện tích rừng rộng lớn đòi hỏi lực lượng kiểm lâm phải làm việc cật lực, tuần tra, kiểm soát suốt ngày đêm mới có thể gìn giữ bình yên cho những cánh rừng.

Năm 1992, Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR số 1 được thành lập. Nhiệm vụ nặng nề nhất mà đội được giao là thực hiện 3 chức năng: Làm “tai mắt” cho Chi cục, tức là thường xuyên kiểm tra, phúc kiểm, chấn chỉnh hoạt động của các Hạt Kiểm lâm; thực hiện công tác chống buôn lậu lâm sản và ĐVHD; đồng thời, cơ động hỗ trợ các hạt, địa phương không may để xảy ra cháy rừng, kịp thời ứng phó.

Anh Nguyễn Văn Hùng, Đội trưởng tâm sự: BVR, phòng chống buôn lậu là một trong những nhiệm vụ gian nan và nguy hiểm, nhưng với trọng trách là “mắt xích” quan trọng của Chi cục thực hiện công tác BVR, những năm qua anh em trong đơn vị không ngừng phấn đấu, nỗ lực, thậm chí hi sinh cả gia đình, không tiếc tính mạng bản thân để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của lâm tặc.

Anh Hùng nhớ lại: “Cách đây khoảng 4 - 5 năm, khi tôi đang còn là Phó đội trưởng, trong một đợt tuần tra, kiểm soát, phát hiện chiếc ô tô khách BKS 81L-0835 núp bóng dưới tên của một Cty, đang vận chuyển khối lượng lớn động vật hoang dã quý hiếm qua địa bàn TP Thanh Hóa. Ngay lập tức, tổ công tác gồm 6 kiểm lâm viên được huy động đón lõng chiếc xe trên.

Thế nhưng khi đến địa phận phía Nam TP, tài xế xe khách không những không chấp hành lệnh dừng xe mà còn lạng lách, đánh võng với tốc độ cao, rồi tháo các bao bì đựng kỳ đà, các loại rắn xuống đường để phi tang.

Tổ tuần tra tiếp tục truy đuổi, khi đến địa phận phường Hàm Rồng, tài xế xe khách dừng lại, các đồng bọn trên xe tiếp tục thả rắn, kỳ đà xuống đường; đồng thời, dùng các loại hung khí chống trả lực lượng kiểm lâm khiến tôi và kiểm lâm viên Nguyễn Tất Thắng bị thương. Ngay sau đó được sự hỗ trợ của Cảnh sát 113 (CA tỉnh Thanh Hóa) các đối tượng vi phạm, xe ô tô và tang vật (150 kg kỳ đà hoa, 13 kg rắn ráo trâu) đều bị bắt giữ, đưa ra khởi tố hình sự trước pháp luật”.

Cũng theo anh Nguyễn Văn Hùng, bài học kinh nghiệm mà anh và các đồng đội rút ra khi đối phó với các đối tượng vi phạm là phải chủ động, sáng tạo. Đặc biệt, trong các vụ việc lớn, cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan như Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng cùng tham gia hỗ trợ; việc xử phạt phải nghiêm khắc, chặt chẽ nhằm răn đe các đối tượng khác.

“Sau vụ việc và sự manh động của nhóm đối tượng vận chuyển ĐVHD trên, ở các tình huống xảy ra sau đó, anh em chúng tôi hành động cẩn trọng hơn, nghiêm khắc hơn nên việc chống đối người thi hành công vụ gần như không còn xảy ra”, anh Hùng nói thêm.

Trong 5 năm lại nay, bình quân mỗi năm Đội KL cơ động & PCCCR số 1 thu nộp ngân sách từ 15 - 16 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2012 Đội phát hiện, bắt giữ 251 vụ vận chuyển, buôn bán lâm sản, ĐVHD trái phép, xử phạt, thu nộp ngân sách trên 17 tỷ đồng (tăng 8,1% so với cùng kỳ 2011).

Về công tác PCCCR, năm vừa qua, nhờ thực hiện tuyên truyền, tập huấn PCCCR tốt nên trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra một vụ cháy ở huyện Tĩnh Gia, lực lượng kiểm lâm Đội cũng đã kịp thời hỗ trợ dập tắt đám cháy trong diện hẹp.

Phấn đấu trở thành đơn vị điển hình

Do mặt trái của cơ chế thị trường với nhiều cám dỗ về vật chất, tội phạm ngày càng nghĩ ra nhiều mánh khóe, thủ đoạn vận chuyển, cất giấu tinh vi, xảo quyệt như: Sử dụng xe ô tô chất lượng cao, hợp thức hóa chứng từ thông qua giấy tờ nhập khẩu gỗ. ĐVHD bị trà trộn vào các DN, hộ dân được cấp phép chăn nuôi khiến lực lượng chức năng khó xác định nguồn gốc. Tất cả đòi hỏi lực lượng kiểm lâm phải không ngừng phấn đấu, nâng cao năng lực, nghiệp vụ để triệt phá các thủ đoạn trên.


Đội KL cơ động & PCCCR số 1 phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ĐVHD số lượng lớn đi qua địa bàn Thanh Hóa

Được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm, hàng năm ngoài các đợt phát động phong trào chung của Chi cục, Đội KL cơ động & PCCCR số 1 còn thi đua xây dựng các mô hình điển hình; điển hình tiên tiến. Cụ thể, tăng cường giáo dục chính trị đến CBCNVC, lao động nhằm xây dựng hình ảnh kiểm lâm “bản lĩnh, văn minh, thân thiện”, lên kế hoạch, ký kết phối hợp với các Hạt Kiểm lâm trên tuyến QL 1A đấu tranh chống buôn lậu.

Phát động phong trào Tổ kiểm lâm tinh thông về nghiệp vụ trong đấu tranh, chống buôn lậu lâm sản. Thông qua phương án này, các tổ dùng nguồn tiền 10% được trích lại khi bán lâm sản, ĐVHD bị tịch thu để hỗ trợ nhân dân “mua bán tin”, phối hợp cùng đơn vị bắt giữ các đối tượng vi phạm. Kết quả, trong năm 2012, tổ kiểm lâm tinh thông về nghiệp vụ đã phát hiện, xử lý hơn 100 vụ vi phạm về mua bán, vận chuyển lâm sản, ĐVHD trái phép với tổng số tiền thu nộp ngân sách trên 6,9 tỷ đồng.

Ngoài các phong trào trên, Đội còn phát động thi đua xây dựng điển hình “Kiểm lâm viên giỏi”. Hoạt động này nhằm nâng cao tinh thần phấn đấu, nỗ lực hết mình cho công tác chống buôn lậu và bảo vệ rừng của anh em trong đơn vị.

Trong các giai đoạn cao điểm, Đội luôn duy trì 2/3 con số trở lên trực 24/24h để khi có lệnh kịp thời điều động. Đặc biệt, hàng tháng, hàng tuần lãnh đạo Đội tung các tổ trinh sát nằm chốt chặn ở các khu vực trọng điểm buôn lậu và có nguy cơ cháy rừng cao như các huyện Lang Chánh, Quan Sơn, Tĩnh Gia, Hà Trung, Hoằng Hóa... thậm chí vào đến tận huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh để nắm bắt thông tin, kịp thời lên phương án ứng phó.

Đánh giá về Đội KL cơ động & PCCCR số 1, ông Lê Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa khẳng định: “Đội được xem như một “quả đấm thép” của kiểm lâm Thanh Hóa. Mỗi ngày, đơn vị có một sự trưởng thành nhất định, góp phần rất lớn giúp Chi cục chấn chỉnh hoạt động của các Hạt thông qua việc phúc kiểm; hỗ trợ giải quyết các vụ việc phức tạp; tăng cường kịp thời máy móc, lực lượng cho công tác PCCCR trên địa bàn.

Chúng tôi đánh giá rất cao đóng góp của Đội trong những năm qua. Cùng với Hạt KL Mường Lát; Hạt KL TP Thanh Hóa, tin rằng một ngày không xa, Đội KL cơ động & PCCCR số 1 sẽ trở thành lực lượng vững mạnh toàn diện, điển hình của kiểm lâm xứ Thanh, làm gương cho các đơn vị khác noi theo”.

+ Những đóng góp to lớn của Đội với công tác BVR-PCCCR trên địa bàn Thanh Hóa được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2006) cùng nhiều bằng khen, phần thưởng khác. Trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2013) tới đây, đơn vị tiếp tục đón nhận Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trao tặng.

+ Năm 2012, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.002 vụ vi phạm luật BV&PTR (giảm 41 vụ so với năm 2011); khởi tố hình sự 2 vụ; tịch thu hơn 910.000 m3 gỗ các loại; 4.500 kg ĐVHD; gần 5.000 con chim các loại cùng nhiều phương tiện khác như ô tô, xe máy, cưa xăng... với tổng số tiền thu nộp ngân sách trên 24 tỷ đồng. Riêng quý I/2013, toàn tỉnh phát hiện, xử lý 223 vụ vi phạm hành chính; tịch thu 189 m3 gỗ; gần 600 kg ĐVHD; nộp kho bạc nhà nước hơn 4 tỷ đồng.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm