| Hotline: 0983.970.780

"Quái chiêu" chia chác đất dự án

Thứ Tư 30/05/2012 , 11:18 (GMT+7)

Không thể nào thống kê hết những “quái chiêu” đã được tung ra để ép những người chưa chịu nhận tiền đền bù đất phải nhận, bởi vì những “chiêu” ép đó rất tinh vi, muôn hình muôn vẻ, tùy hoàn cảnh mà mỗi người bị ép một cách khác nhau.

Không thể nào thống kê hết những “quái chiêu” đã được tung ra để ép những người chưa chịu nhận tiền đền bù đất phải nhận, bởi vì những “chiêu” ép đó rất tinh vi, muôn hình muôn vẻ, tùy hoàn cảnh mà mỗi người bị ép một cách khác nhau.

>> Lãnh đạo UBND xã Tề Lỗ gian lận 
>> Bao án kỷ luật đầy oan ức
>> Những “quái chiêu” thu hồi đất

Có lần lên Tề Lỗ (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), chúng tôi vào một nhà dân để hỏi thăm tình hình. Thấy nhà báo đến, một số bà con chưa nhận tiền đã tìm gặp chúng tôi để phản ánh những bức xúc của mình. Đang nói chuyện thì một người đàn ông bước vào (chắc ông ta có việc đến gặp chủ nhà). Vừa nhìn thấy mấy bà con đó, ông ta lập tức lùi ra, vùn vụt quay về như vừa gặp chuyện gì nguy hiểm lắm. Cụ Tạ Quang Hội bảo:

- Nó là cháu họ tôi, làm bưu tá ở xã giờ đã nghỉ hưu. Gặp chúng tôi, nó sợ liên lụy đấy.

Một số bà con khác chưa nhận tiền đền bù đất cho biết, có một “sức ép” nào đó khiến cho không chỉ làng xóm mà còn cả họ hàng nữa, trước đây vốn rất thân thiết, cởi mở với họ, chuyện to chuyện nhỏ gì cũng tâm sự với nhau, bây giờ bỗng trở nên lạnh lùng, xa lánh họ. Họ gần như bị cô lập.

Ngay cả với người đang thụ án tù mà chưa nhận tiền đền bù đất, họ cũng tìm cách. Chị Nguyễn Thị Liệu, một người chưa nhận tiền đền bù và từng bị 36 tháng tù trong vụ án được cho là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” và “Chống người thi hành công vụ”, kể:

- Năm 2007, đang thụ án ở trại giam công an tỉnh Vĩnh Phúc, một hôm tôi được quản giáo gọi ra có người gặp. Đến nơi, tôi rất ngạc nhiên thấy người đó là ông Đào Hồng Sơn, trưởng công an xã Tề Lỗ. Ông Sơn mang theo một lá thư của em chồng tôi (chồng chị Liệu đã mất từ trước đó). Trong thư, em chồng tôi bảo tôi viết giấy ủy quyền để chú ấy nhận tiền đền bù đất. Tôi rất ngạc nhiên bởi một là thư viết không có ngày tháng. Hai là sao em chồng tôi không vào trại thăm tôi để nói trực tiếp chuyện đó mà lại phải nhờ đến ông trưởng công an? Ba là trước nay ông trưởng công an luôn luôn coi những người như tôi là những kẻ bất hảo, chống đối chính quyền, nay bỗng nhiên sao ông ta lại tốt thế, lại cất công lên tận trại giam thăm tôi?

Ông Sơn bảo tôi, cứ viết giấy ủy quyền đi, sau khi em chồng tôi nhận tiền xong thì trại giam sẽ… tha cho về. Tưởng thật, tôi đã viết giấy ủy quyền theo yêu cầu của ông Sơn, ông ấy mang giấy về nhưng không đưa cái thư cho tôi. Nhưng rồi tôi vẫn không được tha. Mãn hạn về nhà, tôi hỏi chú em về chuyện cái thư, chú ấy bảo chẳng viết thư từ nào sất, chẳng nhờ ông Sơn mang thư vào trại bao giờ. Tôi lên xã đòi ông Sơn cái thư đó để làm rõ trắng đen, nhưng ông ấy bảo mất rồi.


Khu làng nghề Tề Lỗ ngày càng được lấp đầy bởi những biệt thự

Trong khi dùng mọi “quái chiêu” để ép người dân phải nhận số tiền đền bù rẻ mạt, mỗi m2 đất chưa bằng một bát phở ngoài thị trấn, thì một số vị “quan” ở Tề Lỗ cũng dùng những “quái chiêu” khác để chia chác phần đất của dự án làng nghề, mới hôm nào còn là đất nông nghiệp nhưng giờ đây đã trở thành “đất vàng”, có giá tới cả chục triệu đồng mỗi m2 trên thị trường. Tháng 12/2004, UBND xã Tề Lỗ thông báo “Giá thuê 50 năm cho một suất đất 100 m2 trong khu làng nghề là 55,5 triệu đồng. Ai muốn thuê thì lên xã đăng ký và phải đặt cọc 5 triệu đồng ngay sau khi đăng ký. Thời hạn đăng ký chỉ trong 3 ngày 20-22/12”. Hết 3 ngày, UBND xã tuyên bố “khóa sổ” với 525 người đăng ký.

Thế nhưng, từ năm 2007 đến năm 2009, đã có thêm hơn 400 suất đất nữa được cho thuê một cách “lặng lẽ” mà người dân không hề hay biết, do không được thông báo rộng rãi. Dự án cụm công nghiệp làng nghề - chợ sắt Tề Lỗ có 2 khu: khu làng nghề là khu làm nghề, sản xuất và dịch vụ. Khu chợ sắt là khu kinh doanh buôn bán. Bà con phản ánh: Theo quy định thì mỗi hộ chỉ được thuê một suất đất ở khu làng nghề. Nhưng theo chúng tôi nắm được, thì một số vị “quan xã” đã được thuê rất nhiều suất đất ở đây với cái giá “bèo bọt” là 55,5 triệu đồng/suất.

Cụ thể là ông Nguyễn Kim Hữu, nguyên Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ, hiện là Bí thư Đảng ủy, đứng tên thuê 2 suất (200 m2), vợ ông là bà Lê Thị Hướng đứng tên thuê 2 suất (200 m2), con trai ông là Nguyễn Kim Hưng đứng tên thuê 2 suất (200 m2), con gái ông là Nguyễn Thị Hằng đứng tên thuê 2 suất (200 m2). Như vậy chỉ riêng gia đình ông đã được thuê 8 suất đất với giá tổng cộng chỉ 444 triệu đồng. Ngoài ra, có thông tin cho rằng em vợ và em dâu ông Hữu là Lê Xuân Bắc và Tạ Thị Đàm tuy mỗi người cũng đứng tên thuê 2 suất (200 m2) nhưng sự thực họ chỉ đứng tên hộ, còn chủ thuê đích thực là ông Bí thư Đảng ủy, tuy nhiên thông tin này chúng tôi chưa có điều kiện kiểm chứng.

Ông Tạ Xuân Hòa, Phó bí thư Đảng ủy xã tuy không đứng tên thuê, nhưng vợ ông là bà Nguyễn Thị Vân đứng tên thuê 1 suất (100 m2), con trai ông là Tạ Duy Thiệu đứng tên thuê 1 suất (100 m2), con trai khác nữa là Tạ Quang Hiệp cũng đứng tên thuê 2 suất (200 m2). Chủ tịch MTTQ xã Tề Lỗ, ông Vũ Văn Lợi, bản thân mình đứng tên thuê 8 suất (800 m2), vợ ông là bà Nguyễn Thị Đăng đứng tên thuê 2 suất (200 m2), con trai ông là Vũ Văn Thắng đứng tên thuê 1 suất (100 m2). Ông Nguyễn Ngọc Khu, tuy chỉ là một thủ quỹ của UBND xã, cũng “kiếm” được tổng cộng 8 suất, trong đó vợ ông là bà Nguyễn Thị Dân đứng tên 2 suất (200 m2), con trai ông là Nguyễn Ngọc Khiêm đứng tên thuê 2 suất (200 m2), một người con trai khác của ông là Nguyễn Ngọc Khôi đứng tên thuê 4 suất (400 m2)…

Nhìn khu làng nghề càng ngày càng được lấp đầy bởi những ngôi nhà hai, ba tầng sang trọng, chúng tôi tự hỏi, trong số hàng trăm lô đất kia, ngoài những vị “quan xã” đã được thuê mỗi vị cả chục lô ra, còn những vị quan xã hay quan huyện nào được thuê nữa, và mỗi vị được thuê bao nhiêu lô, nhưng chưa bị nhân dân vạch mặt?
Ông Dương Văn Gia, một người dân ở thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ, cho biết: 22 hộ dân cho đến nay vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù đất, đương nhiên là không được thuê đất rồi. Nhiều hộ tuy đã nhận tiền đền bù đất với lời hứa sẽ được ưu tiên thuê đất trong khu làng nghề, thậm chí là “cứ bị thu hồi 1 sào đất (360 m2) thì sẽ được thuê 1 suất đất (100 m2), nhưng nay có nhu cầu thuê đất ở khu làng nghề Tề Lỗ, phải chấp nhận đấu giá quyền thuê với mức khởi điểm 420 triệu đồng/suất (xấp xỉ giá thuê 8 suất đất của gia đình ông bí thư đảng ủy xã Nguyễn Kim Hữu), đành phải bỏ cuộc vì không đào đâu ra tiền.

Điều không thể không nói nữa là tất cả những vị “quan xã” đã được thuê rất nhiều suất đất ở khu làng nghề kia, không ai bị thu hồi một mét vuông đất nào. Bản thân họ không làm nghề đã đành, mà vợ con họ cũng chẳng ai làm nghề cả. Thế thì họ thuê nhiều đất thế để làm gì? Một giả thiết được đưa ra để trả lời câu hỏi này là, chỉ cần “sang tay” cho những người thực sự có nhu cầu thuê đất để làm nghề với giá mỗi suất bằng giá khởi điểm đấu thầu thôi, thì họ đã có số tiền chênh lệch (420 triệu – 55,5 triệu) là 364,5 triệu rồi. Với cả chục suất như vậy, mỗi vị sẽ bỏ túi bao nhiêu tỷ? (Còn nữa)

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tiếp nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

CẦN THƠ Những sà lan chở cát từ mỏ Bình Phước Xuân (An Giang) đã về đến Cần Thơ phục vụ thi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.