| Hotline: 0983.970.780

Quản lý bệnh đốm trắng thanh long: Cần hạ chuẩn

Thứ Năm 13/11/2014 , 10:05 (GMT+7)

Theo quy luật thì diện tích nhiễm bệnh đốm trắng trên cây thanh long đang giảm nhanh.

* Thiệt hại quá lớn!

Thống kê của Cục BVTV cho thấy, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 11, diện tích nhiễm loại nấm chưa có thuốc đặc trị này đã giảm 1.305 ha (từ 12.578 ha giảm chỉ còn 11.273 ha).

Thực ra, không đợi đến đầu tháng 11 mà chỉ đến giữa tháng 10, khi thời tiết chuyển mùa, mưa ít hơn và dịu mát hơn thì cơn "thủy triều" nhiễm nấm gây bệnh đốm trắng trên thanh long cũng qua đỉnh vào ngày 15/10 với diện tích nhiễm cực đại là 14.399 ha.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ con số “thống kê chưa đầy đủ” ở 3 tỉnh có diện tích thanh long tập trung là Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, trong lúc dịch bệnh trên thanh long đã lan rộng ra 10 tỉnh. Nếu thống kê đầy đủ thì diện tích nhiễm ước khoảng 17.000 ha, chiếm 50% diện tích thanh long trên cả nước.

Cũng theo Cục BVTV, trong số diện tích bị nhiễm bệnh đốm trắng thì có khoảng 10% bị nặng, còn lại phần lớn tỷ lệ bệnh nằm trong khoảng 10 - 20%.

Cứ lấy con số 14.399 ha bị nhiễm bệnh đốm trắng của Cục BVTV làm chuẩn thì con số thiệt hại về sản lượng tương đương 2.160 ha, trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra nhà vườn còn phải tăng nhiều chi phí đầu tư, phải phun hết thuốc này lại sang thuốc khác. Ước vườn bị nhiễm tốn thêm 1 triệu đ/ha/lần phun, bình quân mỗi ha tốn thêm 15 triệu đ/năm, như vậy với 14.399 ha bị bệnh, người trồng thanh long phải chi thêm 215 tỷ đồng.

Cộng cả 2 khoản thất thu sản lượng và tăng chi phí, người trồng thanh long năm 2014 bị thiệt hại 1.215 tỷ đồng, tương đương với giá trị của 14.294 ha lúa 3 vụ. Thiệt hại này vượt xa dịch vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa năm 2006, tương đương với thiệt hại khủng khiếp của đại dịch rầy nâu trên vụ lúa ĐX 1992 - 1993 ở ĐBSCL.

VÌ SAO BỆNH TRẦM TRỌNG?

Nấm gây nên bệnh đốm trắng (còn gọi bệnh đốm nâu, bệnh tắc kè) có tên là Neoscytalidium dimidiatum. Căn bệnh với những triệu chứng mới này đã từng được người trồng thanh long ở Bình Thuận phát hiện từ năm 2008, khi diện tích bị nhiễm mới chỉ khoảng dăm bảy chục trụ không đáng kể.

Mãi đến năm 2011, khi nông dân ở 3 tỉnh trồng thanh long trọng điểm bắt đầu nháo nhác, phun thuốc “búa xua” thì căn bệnh “không có trong y văn” mới được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam phân lập và định danh. Sớm hơn Việt Nam một chút, Malaysia, Đài Loan và sau đó là Quảng Đông (Trung Quốc) cũng đã có những báo cáo về nấm Neoscytalidium dimidiatum gây hại trên thanh long với mức độ từ 20 - 50%.

Tuy nhiên, một báo cáo về nấm gây hại xoài được khảo sát, nghiên cứu từ năm 1993 - 2008 ở Kimberley, Tây Australia đã có đề cập đến Neoscytalidium dimidiatum, như là một trong những tác nhân quan trọng làm chết cành non.

Việc giảm stress với thanh long ở ta hiện nay hầu như là không thể, bởi 100% vườn đều phải ép cây cho ra nghịch vụ bằng cách chong đèn, phải cho ra nhiều cành mới bằng cách bón nhiều phân đạm, lân, muốn bán được giá thì trái phải to, vỏ phải dày màu phải đỏ, tai phải xanh nên việc dùng kích thích tố tăng trưởng NAA, GA3 là chuyện đương nhiên.

Không nói đâu xa, ở ngay tại Nam bộ, Neoscytalidium dimidiatum cũng không chỉ gây hại trên thanh long mà cả trên bưởi, cam, vú sữa, chanh dây… tuy nhiên, không có cây trồng nào lại trầm trọng như thanh long.

Các nhà BVTV của Australia cho rằng việc việc quản lý tốt, đảm bảo vệ sinh vườn thông thoáng, xử lý tốt tàn dư bệnh và sau thu hoạch là chìa khóa để quản lý bệnh chết cành xoài non ở Kimberley. Ngoài ra người làm vườn cần phải hạn chế stress cho cây.

CẦN HẠ CHUẨN

Trong khi chưa có thuốc đặc trị, chưa có tiến bộ kỹ thuật nào được công nhận nên để hạn chế thiệt hại do nấm bệnh, Cục BVTV đã ban hành quy trình phòng chống tạm thời theo hướng IPM gồm các biện pháp như sử dụng giống sạch bệnh, biện pháp canh tác. Riêng biện pháp hóa học thì tạm thời sử dụng các thuốc gốc đồng, gốc mencozeb.

Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, hiện chưa tìm được chế phẩm nào đủ điều kiện để được đăng ký đặc cách vào danh mục nhưng qua các thí nghiệm trong phòng và ngoài đồng đã tìm ra được 3 gốc thuốc có hiệu lực khá, đó là Azoxystrobin, Difenoconazole và lưu huỳnh.

Nếu biết sử dụng hợp lý 3 gốc thuốc trên thì hiệu lực thuốc lên đến 60% và nếu kết hợp với các biện pháp IPM, không phun thuốc vào buổi chiều tối, không để cành non trong mùa mưa, rút nụ đúng lúc thì hiệu lực lên đến 80%.

Theo gợi ý của các chuyên gia Đài Loan, việc sử dụng thuốc phòng trừ bệnh đốm trắng trên thanh long phải đảm bảo cùng lúc vừa chống vừa phòng, chống bằng chế phẩm hạn chế sợi nấm phát triển, phòng bằng cách hạn chế bào tử nấm nảy mầm.

Tham gia cùng các cơ quan chức năng trong cuộc chạy đua tìm ra giải pháp phòng trừ có hiệu quả phải kể đến đội ngũ đông đảo doanh nghiệp thuốc BVTV và phân bón. Ngoài yếu tố thị trường, nấm Neoscytalidium dimidiatum còn tạo cơ hội lớn cho bất cứ ai muốn khẳng định thương hiệu.

Trong hàng trăm mô hình khảo nghiệm, đáng kể nhất phải kể đến giải pháp của Cty CP Nông dược H.A.I, giải pháp này là sự kết hợp và luân phiên sử dụng 4 hoạt chất, trong đó có 3 hoạt chất có hiệu lực phòng trừ bệnh 60% như kết luận của Trung tâm BVTV phía Nam (đó là Azoxystrobin, Difenoconazole và lưu huỳnh) và thêm carbendazim.

Giải pháp trên cũng trùng với gợi ý của các chuyên gia Đài Loan với đủ dạng từ tiếp xúc xông hơi đến nội hấp, lưu dẫn. Ngoài ra các thuốc của Syngenta, giải pháp thuốc kết hợp với dinh dưỡng có tính kích kháng cao của Cty TNHH Hợp Trí cũng được kỳ vọng.

Tuy có hiệu lực khá nhưng tất cả đều “dưới chuẩn” vì hiệu lực phòng trừ chỉ đạt 60 - 65%, khiến cho các Chi cục BVTV lúng túng không dám khẳng định cũng như bác bỏ. Việc im lặng của các chi cục sẽ gây khó cho công tác quản lý nấm bệnh này mà bằng chứng là tháng 7 vừa qua, các tiệm bách hóa ở xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đều bất ngờ cháy hàng với mặt hàng... dung dịch vệ sinh dành cho phụ nữ vì người trồng thanh long ở đây đổ xô mua để dùng thử.

Xem thêm
Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất