| Hotline: 0983.970.780

Quản lý chăn nuôi - thú y, kinh nghiệm từ Thái Lan

Thứ Ba 19/04/2011 , 11:43 (GMT+7)

Kinh nghiệm lớn nhất chính là Hợp nhất chăn nuôi - thú y trong cùng một tổ chức Nhà nước...

* Kinh nghiệm lớn nhất: Hợp nhất chăn nuôi - thú y trong cùng một tổ chức Nhà nước.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương làm Trưởng đoàn, vừa có chuyến đi thực tế nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về quản lý chất lượng vật tư chăn nuôi và ATVSTP tại Thái Lan. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương về mô hình chăn nuôi-thú y của nước này.

Xin ông cho biết về hệ thống quản lý ngành chăn nuôi ở Thái Lan?

Cục Phát triển Chăn nuôi Thái Lan (Cục PTCN, Bộ Nông nghiệp và HTX Thái Lan) là cơ quan quản lý Nhà nước có nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo VSATTP để cạnh tranh có hiệu quả thị trường tiêu dùng nội địa và XK. Xây dựng và ban hành 6 văn bản pháp chế gồm Luật Dịch tễ, Luật Chăn nuôi, Luật Kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi, Luật Lâm sàng, Luật Bệnh dại, Luật Kiểm soát giết mổ, buôn bán vật nuôi và các sản phẩm chăn nuôi.

Cục PTCN quản lý 5 lĩnh vực với 19 đơn vị, phòng ban chức năng khác nhau. Ở cấp tỉnh, Cục quản lý 9 Trung tâm vệ sinh thú y vùng và Chi cục Chăn nuôi ở 76 tỉnh với 887 Ban chăn nuôi huyện. Các Ban chăn nuôi huyện cộng tác với khoảng 7.800 tổ chức, đơn vị chuyển giao công nghệ về chăn nuôi, thú y nằm trên toàn quốc. Ngoài ra còn có 34.197 người đăng ký tình nguyện viên hoạt động về chăn nuôi, thú y ở các xã, phường và thôn bản...

Việc quản lý, kiểm soát dịch bệnh ra sao, thưa ông?

Các nguồn bệnh của động vật được Cục PTCN phân ra các loại gồm bệnh lây từ động vật sang người, bệnh phát sinh trong nước và bệnh ngoại lai. Khi có dịch xảy ra, trước hết phải giám sát bệnh qua môi trường không khí, nước... và quản lý dịch bệnh qua biểu hiện lâm sàng và phân tích mẫu bệnh phẩm. Các mẫu bệnh phẩm đều phải gửi về phòng thí nghiệm tại Viện Thú y hoặc tại các Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thú y Vùng để xác định, phân lập virus, vi khuẩn, các tác nhân gây bệnh khác để đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

Đối với những bệnh có tên trong danh mục quy định của Luật trong vòng 24 giờ phải báo cáo ngay với cơ quan quản lý chức năng. Khi các nước lân cận có bệnh, Cục PTCN phải khẩn trương có cảnh báo để ngăn ngừa. Khi có bệnh nguy hiểm xảy ra, Cục yêu cầu các cơ sở chăn nuôi phải tiêu huỷ gia súc, gia cầm và Nhà nước có chính sách hỗ trợ 75% giá thị trường. Cơ quan thú y của Cục PTCN phối hợp với Y tế khảo sát và kiểm soát vùng có dịch và vùng lân cận.

Việc quản lý tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm được khuyến khích người dân thực hiện. Đối với bệnh LMLM cấp miễn phí đối với bò, đối với lợn các hộ chăn nuôi phải tự chịu chi phí. Đối với bệnh Newcastle trên gia cầm, giai đoạn đầu Nhà nước cấp miễn phí, sau đó dân phải bỏ tiền ra mua. Bệnh dịch tả lợn việc tiêm vacxin do người dân tự nguyện, Nhà nước không quy định bắt buộc. Đối với bệnh tai xanh, Cục Thú y thực hiện tuyên truyền phổ biến kiến thức.

Đối với tất cả những bệnh nêu trên, Cục PTCN đều có tiêu chuẩn cụ thể để quản lý. Ví dụ, năm 2010 xảy ra dịch LMLM, sau thời gian ngắn đã phân lập xác định là virus chủng O và bệnh xảy ra đối với cả các gia súc vận chuyển chính ngạch và tiểu ngạch. Tỷ lệ tiêm phòng đạt ngưỡng an toàn đối với các bệnh truyền nhiễm phải đạt mức bình quân 80% tổng số vật nuôi.

Để quản lý tốt dịch bệnh, ngoài việc quản lý tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm, Cục PTCN còn thực hiện việc đánh dấu thẻ tai đối với gia súc lớn, quy định thẻ màu đỏ theo dõi động vật NK, màu xanh đối với động vật kiểm soát trong vùng và màu vàng đối với động vật từ các vùng khác đến.

Khâu quản lý TĂCN và VSATTP có được chú trọng?

Thái Lan khuyến cáo việc quản lý và giám sát chất lượng TĂCN tại các nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP, GMP và đối chiếu với tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Tần suất kiểm tra không có quy định giới hạn bắt buộc, có thể kiểm tra 1 năm 2 lần, nếu cơ sở nào không đạt tiêu chuẩn có thể kiểm tra 3 lần. Việc cấp phép danh mục nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi được phép sản xuất kinh doanh và nhập khẩu do Cục PTCN cấp.

Trong chăn nuôi, Thái Lan áp dụng nhiều công nghệ trong xử lý môi trường, trong đó phổ biến là xây dựng hầm biogas. Các trại chăn nuôi xử lý chất thải thông qua việc xây dựng các bể biogas có dung tích 500m3 theo kỹ thuật UASB. Tuy nhiên hệ thống này chỉ xử lý nước thải chứ chưa xử lý côn trùng và mùi. Do vậy, khi trang trại phát triển cần xử lý thêm bằng những hồ mở có diện tích lớn hơn 2 mẫu, bể ủ mỗi năm phải khơi thông 1 lần lấy lắng đọng và làm phân vi sinh để bón cho cây trồng.

Ở Thái Lan đã hình thành các DN lớn phát triển chăn nuôi khép kín từ nuôi bò sữa đến chế biến các sản phẩm sữa. Chẳng hạn Tập đoàn ChokeChai được đánh giá là Tập đoàn chăn nuôi bò sữa lớn nhất Đông Nam Á với 8.000 ha đất, 2.400 lao động, tổng đàn bò sữa trên 3.000 con, làm nông nghiệp công nghệ cao, du lịch trang trại... Đàn bò có tỷ lệ 70% giống HF do Tập đoàn chọn tạo ra thích nghi cao với điều kiện ở Thái Lan và 30% bò là HF thuần. Tập đoàn khép kín toàn bộ quá trình sản xuất từ sản phẩm đầu vào đến sản phẩm đầu ra.

Nhà nước và các tỉnh đều rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý môi trường chăn nuôi; mức hỗ trợ thường từ 50-60% kinh phí xây dựng, có chương trình hỗ trợ tới 100% kinh phí xây dựng cho các nông hộ chăn nuôi; hình thức hỗ trợ bằng tiền sau đầu tư trên cơ sở có ý kiến nghiệm thu của Hội đồng thẩm định nếu công trình xây dựng đạt các yêu cầu kỹ thuật đề ra.

Theo ông, thành công nhất trong việc quản lý chăn nuôi-thú y của Thái Lan là gì?

Đó là sự hợp nhất lĩnh vực chăn nuôi - thú y trong cùng một tổ chức Nhà nước, đảm bảo tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và quản lý thống nhất, thông suốt những vấn đề có liên quan trong chăn nuôi, thú y, ATVSTP từ TƯ đến địa phương. Hiệu quả và hiệu lực quản lý chăn nuôi, thú y và ATVSTP của Thái Lan khá tốt, do pháp chế phù hợp, tổ chức thống nhất, kinh phí đủ, trách nhiệm rõ ràng và hành động quyết liệt. Công chức tác nghiệp trong lĩnh vực này được DN và người dân Thái Lan xem họ như những nhân viên cảnh sát thực thụ.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất