| Hotline: 0983.970.780

Quản lý đất ở các LTQD: Rối và phức tạp

Thứ Sáu 11/11/2011 , 09:34 (GMT+7)

Hầu hết các lâm trường quốc doanh (LTQD) đã được chuyển đổi thành Cty TNHH một thành viên do Nhà nước quản lý từ giữa năm 2010. Tuy nhiên đến nay, việc quản lý đất đai vẫn là một trong những lỗ hổng của lĩnh vực kinh tế này.

Đất đai do các LTQD quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân lấn chiếm

Hầu hết các lâm trường quốc doanh (LTQD) đã được chuyển đổi thành Cty TNHH một thành viên do Nhà nước quản lý từ giữa năm 2010. Tuy nhiên đến nay, việc quản lý đất đai vẫn là một trong những lỗ hổng của lĩnh vực kinh tế này.

Tranh chấp, lấn chiếm nhiều hơn

Trước đây, các LTQD quản lý 4,1 triệu ha đất. Sau khi sắp xếp, các lâm trường dự kiến quản lý 3,4 triệu ha, đã giao về địa phương quản lý 491 nghìn ha, chủ yếu thuộc diện không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, đang có tranh chấp, bị lấn chiếm.

Thông tin trên mở đầu cho diễn đàn “Lâm trường quốc doanh đổi mới trong bối cảnh hội nhập” do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức hôm qua (10/11). Theo đó, cả nước có 51 tỉnh, TP, các Bộ ngành đã hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển LTQD. Kết quả là, từ 256 lâm trường, Cty lâm nghiệp, sau khi sắp xếp, 136 Cty TNHH một thành viên, 14 Cty cổ phần, 36 ban quản lý rừng đã được thành lập. Ngoài ra, 14 LTQD đã bị giải thể.

Tuy hầu hết các LTQD đã được tổ chức lại, song mô hình tổ chức còn nhiều bất hợp lý. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng TW Đảng, các LTQD chưa xây dựng được cơ chế quản lý mới và hình thức tổ chức phù hợp. Do đó, nhiều LTQD lâm vào tình trạng khó khăn hơn trước khi sắp xếp. Ngoài ra, việc thí điểm cổ phần hoá rừng trồng là rừng sản xuất chưa được triển khai thực hiện. Chất lượng rừng trồng và rừng tự nhiên nhiều nơi chưa được cải thiện, mục tiêu hình thành các vùng sản xuất lâm sản hàng hoá tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ chưa có chuyển biến…

Một thực trạng đáng báo động hơn cả, theo ông Tiến, đó là việc đất đai của các LTQD tiếp tục bị lấn chiếm. “Đất bị tranh chấp, lấn chiếm gia tăng nhiều so với trước khi sắp xếp với tổng diện tích lên đến gần 130 nghìn ha, tăng 76 nghìn ha so với trước chuyển đổi. Phần lớn các lâm trường chưa tiến hành đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSDĐ) đất hoàn chỉnh theo diện tích được giao, chưa thực hiện thuê đất hoặc giao đất có thu tiền; chưa tính giá đất, giá rừng vào tài sản DN. Tài nguyên rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá, hiện tượng chặt phá rừng vẫn diễn ra phổ biến, chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu”- ông Tiến cho hay.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Bách, Ban chính sách về các tổ chức quản lý rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng, trong quản lý và sử dụng đất đai của các Cty lâm nghiệp, việc tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng lấn vào đất đã giao cho các Cty lâm nghiệp chưa được xử lý dứt điểm. Nhiều địa phương như Đăk Lăk, Yên Bái… vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng cấp, giao đất của các LTQD một cách tràn lan cho cá nhân.

"Bình mới, rượu cũ"

Tại diễn đàn, nhiều nhà quản lý cho rằng, đổi mới LTQD mới chỉ thay được “cái vỏ”, chưa có chuyển biến về hiệu quả sản xuất kinh doanh. Công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển LTQD là khu vực yếu nhất, trì trệ nhất trong khối các DNNN thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá IX) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN.

Hơn nữa, hiện các lâm trường vẫn không chuyển biến và theo kịp tình hình mới của đất nước. Quản lý nhiều đất đai, nhưng hiệu quả cũng như đóng góp cho kinh tế xã hội của cả nước của các LTQD rất thấp, có nơi thu nhập của người lao động chỉ đạt 400.000-500.000 đồng.

Để giải quyết thực trạng này, theo ông Tiến, phải tạo được cơ chế quản lý mới và hình thức tổ chức phù hợp để LTQD kinh doanh tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phân biệt rõ chức năng của cơ quan chủ đại diện quyền chủ sở hữu của nhà nước với chức năng điều hành sản xuất, kinh doanh của LTQD. “Một trong những giải pháp căn bản là nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng; hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hoá tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ”, ông Tiến đề xuất.

“Kết quả báo cáo và khảo sát thực tế thấy rằng phần lớn các Cty TNHH một thành viên lâm nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu mới chỉ thực hiện được việc đổi tên; các yếu tố cơ bản của sản xuất, kinh doanh là đất đai, rừng các loại, vốn và lao động đều chưa được xác lập lại phù hợp với mô hình chuyển đổi. Vì vậy có thể nói đến nay mục đích đổi mới và phát triển LTQD vẫn trong giai đoạn lúng túng, khó khăn”, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị.

Về những bất cập trong quản lý đất đai của các LTQD ở thời điểm hiện tại, ông Lê Văn Bách cho rằng, cần giao đất và cấp GCNQSDĐ ổn định, lâu dài cho các Cty lâm nghiệp hiện nay với quy mô phù hợp quy hoạch phát triển lâm nghiệp được xác định. Ngoài ra, trong khi chưa thực hiện việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, giao đất và cấp GCNQSDĐ cho các DN, nên tạm dừng việc thu hồi đất của các đơn vị này dưới mọi hình thức (trừ phục vụ an ninh, quốc phòng).

Chủ trì diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hứa Đức Nhị cho rằng, không thể chấp nhận tình trạng quản lý đất đai lớn nhưng hiệu quả sản xuất lại thấp. “Đất sử dụng không hiệu quả, đất chưa sử dụng, đất sử dụng không đúng mục đích, đất cho thuê, cho mượn không đúng pháp luật đã được xác định qua thanh tra, kiểm tra, cần kiên quyết thu hồi bàn giao về cho địa phương để giao cho các đối tượng khác quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Đất đai. Đất còn đang tranh chấp thì chính quyền địa phương có trách nhiệm giải quyết dứt điểm”, ông Nhị nói.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.