| Hotline: 0983.970.780

Quản lý giá thuốc: Bất lực?

Thứ Ba 13/11/2012 , 20:39 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có tình trạng chênh lệch giá thuốc trong cùng một địa phương bởi nhiều nguyên nhân.

Có gần 1h chất vấn trước Quốc hội chiều 13/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhận được hàng chục câu hỏi từ các ĐB khi cho rằng, Bộ Y tế có vẻ bất lực trong việc quản lý giá thuốc trên thị trường hiện nay.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) và ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cùng có chung câu hỏi: Đang xảy ra một nghịch lý khi cùng một địa phương nhưng giá thuốc trong các bệnh viện, trong các cửa hàng thuốc lại bán khác nhau (thậm chí có nơi còn vênh tới 2 - 3 lần) cho dù đã có văn bản quản lý giá thuốc. Bộ trưởng nói sao về tình trạng này? Và phong trào “Nói không với phong bì” trong bệnh viện đã thực hiện đến đâu?

Mới đây, BHXH Việt Nam kiểm tra và phát hiện có 2 loại thuốc tương tự nhau đều trúng thầu vào một bệnh viện là Bạch Mai nhưng giá lại khác nhau. Đó là cùng hoạt chất Acetylleucine với hàm lượng 50mg nhưng thuốc Aleucin 500mg có số đăng ký VD-10076-10 của Cty Bidiphar (Việt Nam) có quy cách đóng gói hộp 3 vỉ x 10 viên với giá trúng thầu 1.260 đồng/viên. Nhưng cùng loại thuốc với hoạt chất và hàm lượng tương tự có tên Tanganil 500mg có số đăng ký VN-0556-06 của Cty Pierre Fabre (Pháp) trúng thầu giá 4.193 đồng/viên (cao gấp gần 4 lần thuốc nội cùng loại). Tương tự, cùng trúng thầu vào BV Bạch Mai nhưng thuốc Aspilets EC81mg của Cty United có giá 455 đồng/viên nhưng thuốc Aspirin 81mg của Cty Pharimexco chỉ có giá 147 đồng/viên, mặc dù cả 2 loại thuốc này đều chứa hoạt chất Acetylsalicylic Acid với hàm lượng tương đương.

Theo Bộ trưởng Tiến, đấy cũng là điều mà ngành Y tế đang rất quan tâm. Bà thừa nhận có tình trạng chênh lệch giá thuốc trong cùng một địa phương bởi nhiều nguyên nhân. Đó là giá thuốc bị đẩy lên bởi nhóm người trung gian tự nâng giá; bởi các hãng dược bắt tay thầy thuốc để hưởng chênh lệch, song chủ yếu vẫn là do một số quy định nằm trong các văn bản của nhà nước, cụ thể là Thông tư liên tịch 10 Hướng dẫn về công tác đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế công lập đang có nhiều kẽ hở như không chia theo nhóm sản xuất thuốc dẫn đến tình trạng thuốc Trung Quốc nhưng lại có giá của Mỹ. Thông tư cũng không có quy định giá thuốc đấu thầu phải thấp hơn giá thuốc đã kê khai nên các bệnh viện tự ý nâng giá bán. Bất cập cũng có ở quy định bệnh viện là người vừa quản lý xuất nhập khẩu vừa kê đơn thuốc, giống như “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

“Điều này không phù hợp, phải thay đổi trong thời gian tới và Bộ sẽ kiến nghị chỉnh sửa, nhất là trong việc quản lý giá thuốc, nhất định giá trúng thầu phải thấp hơn giá kê khai” - Bộ trưởng Tiến nói. Cũng theo người đứng đầu ngành Y tế, hiện nay, Cục quản lý dược nắm danh sách giá của khoảng 17.000 danh mục thuốc được nhập khẩu, doanh nghiệp bắt buộc phải tham khảo mức giá này rồi mới được nhập khẩu để hạn chế tình trạng “nhập đắt, bán đắt” cho người bệnh như hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ thúc đẩy phong trào người Việt dùng thuốc Việt. Đồng thời ban hành quy định bác sĩ phải kê đơn nhiều thuốc nội và hạn chế tối đa dùng thuốc biệt dược.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tiến, đây không phải là những giải pháp hữu hiệu nên Bộ Y tế cũng sẽ đề nghị, trong Luật Dược sắp trình sửa đổi sẽ kiến nghị chuyển việc quản lý giá cho một đơn vị khác mà không để cho bệnh viện phụ trách nữa.

Về việc quá tải bệnh viện, theo Bộ trưởng Tiến có phần do chính sách, như quy định người bệnh vượt tuyến vẫn thanh toán 30% chi trả BHYT là bất cập. Bộ trưởng cho hay, trong năm 2013 sẽ kiến nghị điều chỉnh Luật BHYT, trong đó siết chặt đối tượng “tự ý vượt tuyến” không được trả tiền BHYT.

Nhiều ĐB lo lắng khi 447 dịch vụ y tế tăng từ ngày 1/8/2012 đang đặt lên vai người bệnh nhiều gánh nặng. Nhưng cơ bản chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh chưa tăng theo, vẫn xảy ra tình trạng quá tải, bệnh nhân vẫn phải nằm ghép. Khẳng định lại vấn đề này, người đứng đầu ngành Y tế nói: Tôi không tin có gánh nặng đó, mà ngược lại, nhiều nhóm đối tượng còn hưởng lợi nhiều hơn. Đó là người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí; người nghèo được thanh toán 95%; các đối tượng hưu trí, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn đã được nhà nước mua thẻ BHYT, được thanh toán 100% khi khám, chữa bệnh tại trung tâm y tế xã, được thanh toán 95% tại các bệnh viện công lập từ tuyến huyện trở lên, chỉ phải chi trả 5% của phần giá dịch vụ tăng thêm. Đối tượng là người cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia bảo hiểm y tế, khi đi khám, chữa bệnh chỉ đồng chi trả 20% chi phí... Bộ Y tế đang tham mưu Chính phủ dùng Quỹ BHYT hỗ trợ cho những nhóm đối tượng này.

“Tình trạng quá tải bệnh viện không thể một sớm một chiều giải quyết được bởi tiền tăng viện phí còn phải dành ưu tiên ở khoa khám chữa bệnh, nâng cấp trang thiết bị” - Bộ trưởng Tiến nói thêm.

Các đại biểu nhận xét gì?

ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu): "Một số vấn đề đặt ra vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của ĐBQH cũng như cử tri. Đó là tính dứt khoát, còn tình trạng nói chung chung. Đây là điều đã tồn tại từ các kỳ họp trước nhưng vẫn chưa được cải thiện nhiều. Các câu hỏi liên quan đến chất lượng công trình, thất thoát lãng phí trong các dự án, công trình hỏi khá cụ thể nhưng trả lời chưa thật sự rõ ràng".

ĐB Cao Sĩ Kiêm: "Tôi mong muốn các vị Bộ trưởng phải xây dựng được các lộ trình cụ thể, điều kiện cụ thể, cách thực hiện cụ thể để giúp nền kinh tế nước ta thoát ra được tình trạng khó khăn như hiện nay. Còn nếu các vị lãnh đạo đó không có các bước đi cụ thể, hiệu quả thì các vấn đề này sẽ tiếp tục tồn tại và đến kỳ sau chúng ta lại sẽ chất vấn y hệt nội dung như vậy".

ĐB Ngô Thị Minh: "Rất nhiều vấn đề mà ĐBQH quan tâm như giải quyết hàng tồn kho, xử lý hàng tồn kho trong lĩnh vực BĐS nhưng nhiều Bộ trưởng chưa làm rõ giải pháp. Ví dụ trong lĩnh vực BĐS, theo tôi, phải có khảo sát nhu cầu thực của thị trường để cung gặp cầu, khi đó các nhà đầu tư sẽ cơ cấu lại sự đầu tư của mình cho hợp lý hơn. Có nghĩa việc quy hoạch và kế hoạch đầu tư phải có tính định hướng, dự báo cho thị trường, chứ không phải cứ đủ điều kiện, có giấy phép là có thể xây dựng ngay một khu đô thị hoành tráng nhưng rồi lại bỏ đấy".

Xem thêm
Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất