| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 09/11/2010 , 10:33 (GMT+7)

10:33 - 09/11/2010

Quản lý kém cũng bằng không

Dự án Quy hoạch chống ngập úng bền vững cho TPHCM, do Bộ NN-PTNT thực hiện, hiện đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư.

Theo các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam, nếu dành ra 14.500-17.025 ha (chiếm 10,4-12,2% diện tích đất tự nhiên của thành phố) để làm khu trữ nước bổ sung (nước mưa), kết hợp với 6.400 ha kênh rạch hiện nay (chiếm 4,6% diện tích tự nhiên của thành phố), thì tổng diện tích vùng dự án sẽ từ 20.900-23.425 ha (14,9-16,8% diện tích thành phố), tổng dung tích chứa từ 81,6-90,5 triệu m3, và cao trình vận hành ở mức hợp lý nhất là 0,6 m. Với dung tích chứa như thế này, sau khi hoàn thành, Dự án chống ngập sẽ đảm bảo tới 90-95% không ngập cho TPHCM.

Thế nhưng có một câu hỏi lớn đang được đặt ra là nếu như tình hình quản lý đô thị quá yếu kém như hiện nay vẫn không được khắc phục, thì sau khi hoàn thành, Dự án này có đảm bảo chống được ngập cho thành phố hay không?

Sở dĩ có những câu hỏi trên, là bởi bên cạnh những nguyên nhân lớn về tự nhiên đang gây ngập cho TPHCM là mưa và triều cường, một nguyên nhân chủ quan đã được các nhà khoa học chỉ đích danh là quản lý đô thị yếu kém.

 Bằng chứng là theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, các đô thị phải đảm bảo diện tích mặt nước tối tiểu là 17% diện tích tự nhiên. Năm 1985, diện tích mặt nước ở TPHCM dư sức đáp ứng quy định trên khi chiếm tới trên 25% diện tích tự nhiên của TP.

 Nhưng do việc san lấp ồ ạt kênh rạch để làm nhà cửa, khu dân cư, nhất là việc phát triển ồ ạt các dự án đô thị ở vùng trũng Nam Sài Gòn, đến nay, diện tích mặt nước ở khu vực nội thành chỉ còn chiếm 10,43% tổng diện tích tự nhiên. Và đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng đang thường xuyên gây úng ngập nặng cho TP so với 25 năm trước.

Trong khi đó, tình trạng san lấp kênh rạch ở TPHCM vẫn đang tiếp tục diễn ra. Hàng loạt các khu dân cư, khu đô thị mới đang thi nhau mọc lên, không chỉ làm giảm mạnh dung tích trữ và diện tích thấm nước tự nhiên, mà chủ đầu tư còn không thèm quan tâm đến việc xây dựng các hồ nước vừa để tạo cảnh quan đô thị, vừa để trữ nước mưa.

Chính vì thế, nếu như công tác quản lý đô thị chưa được cải thiện, mà cụ thể là tình trạng lấn chiếm, san lấp kênh rạch vẫn còn tiếp diễn trong những năm tới, thì e rằng có đổ cả hàng chục ngàn tỷ đồng ra để làm hoàn thiện tất cả các hạng mục công trình của Dự án chống ngập này, thì kết quả chống ngập cho TPHCM vẫn sẽ rất thấp. Con số 90-95% đảm bảo không ngập cho thành phố vẫn chỉ mãi là một chỉ tiêu xa vời và người dân thành phố còn phải “sống chung” với ngập không biết đến bao giờ.

Bình luận mới nhất