| Hotline: 0983.970.780

Quan xã ăn chặn tiền hỗ trợ hộ nghèo?

Thứ Tư 27/04/2016 , 06:35 (GMT+7)

Là xã bãi ngang của huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 20%, đời sống người dân xã Hải An còn muôn vàn khó khăn. Nhiều hộ phải “sống nhờ” vào nguồn hỗ trợ ít ỏi hàng tháng. Thế mà họ lại bị cán bộ xã ăn chặn...

Lẽ ra với quyền hạn và trách nhiệm của mình, cán bộ xã phải đồng hành, ra sức chăm lo cuộc sống của bà con, thế nhưng những vị này lại “vào hùa” chiếm đoạt luôn số tiền hỗ trợ.

Nuốt không trôi

Theo đơn thư phản ánh của các gia đình thuộc diện hộ nghèo ở xã Hải An, không hiểu vì nguyên nhân gì, nhiều tháng nay họ không còn được nhận tiền điện hỗ trợ như trước. Thấy lạ, các hộ đã nhiều lần gửi đơn thư phản ánh nhưng không nhận được hồi âm.

Trước tình hình đó, PV NNVN đã vào cuộc. Quá trình tìm hiểu được biết, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Hải An rất cao. Đến hết năm 2015, toàn xã có 282 hộ nghèo, chiếm trên 22%.

Theo Quy định tại Thông tư 190/2014/TT-BTC, các hộ này được hỗ trợ tiền điện theo định mức 138.000 đồng/quý. Thực tế thì trong quý 1 và quý 2 năm 2015, xã Hãi An có chi trả đầy đủ cho các hộ. Tuy nhiên, thời gian về sau (quý 3, 4 năm 2015 và quý 1/2016) cán bộ chuyên trách của xã lại cố tình “lờ đi” mà không có lấy một lời giải thích.

17-42-40_1
Cán bộ xã Hải An “ký khống” vào danh sách nhận tiền

Quá sốt ruột, một số gia đình đã tìm đến trụ sở UBND xã để hỏi cho ra nhẽ. Vẫn chỉ là im lặng. Mãi đến ngày 15/4/2016, khi sự việc có nguy cơ bị phát giác thì cán bộ xã mới cuống cuồng “chữa cháy”, trả tại tiền cho một số thôn để xoa dịu.

PV NNVN đã liên hệ với ông Nguyễn Bá Linh, Chủ tịch UBND xã Hải An để tìm hiểu thực hư nhưng ông này cáo bận, rồi cử cấp dưới là ông Lường Hữu Sáng, cán bộ chính sách xã tiếp thay.

Ông Sáng cho biết: “Tổng tiền điện hỗ trợ mỗi quý là 38.916.000đ, địa phương đã thực hiện chi trả đầy đủ và tiến hành quyết toán sổ sách quý nào xong quý đó”.

Khẳng định chắc nịch là vậy, thế nhưng khi PV rà soát bản danh sách thì phát hiện hàng chục hộ dân vẫn chưa được nhận. Đáng nói hơn, danh sách này có dấu hiệu “tự biên tự diễn”, chủ động lập khống, khai man “chữ ký” để hợp thức hóa.

Ông Sáng chống chế: “Việc chi trả tiền cho các hộ luôn được triển khai nhanh chóng và kịp thời. Sở dĩ có những hộ chưa nhận là do địa bàn xã rộng, đa số hộ nghèo là người tàn tật, cao tuổi nên đi lại khó khăn. Cũng có hộ do chưa có nhu cầu sử dụng nên họ thường để dồn lại sau này rút một thể. Có nhiều trường hợp tự ký hoặc nhờ người ký thay. Từ năm 2014 đến hết năm 2015, tôi là người chi trả, đồng thời cũng là người trực tiếp ký nhận cho nhiều hộ (?!)”.

17-42-40_2
Ông Lường Hữu Sáng, cán bộ chính sách xã Hải An trả lời quanh co

Ngặt nỗi, dù là người trực tiếp chi trả nhưng bản thân ông Sáng không nắm rõ còn bao nhiêu hộ chưa nhận tiền của quý 3 và quý 4/2015, cũng lập lờ về số tiền mình đang giữ, khi thì nói còn 4 triệu, một lúc sau lại nói còn gần 10 triệu.

Dân tố cán bộ

Tìm hiểu được biết, gia cảnh của các hộ nằm trong diện chính sách ở xã Hải An rất khó khăn và thực sự cần sự giúp đỡ từ cộng đồng. 

Chị Bùi Thị Bình, ở đội 7, thôn 3 rơm rớm nước mắt: “Chồng tôi mất cách đây 3 năm, một mình quay quắt chạy đôn chạy đáo lo cho mẹ già (trên 80 tuổi) và 2 con nhỏ. Công việc không có, cả nhà chỉ biết trông vào mấy sào ruộng khô khốc nên bữa no bữa đói.

Cũng may nhờ nguồn hỗ trợ hộ nghèo nên đỡ cực hơn đôi chút. Nhưng chẳng biết vì lý do gì mà từ quý 3, 4 năm rồi gia đình không được nhận tiền. Tôi khẳng định chưa hề ký nhận và cũng không ủy quyền cho ai nhận hộ”.

17-42-40_4
Bà Lê Thị Thiện buồn bã khi nói về số tiền bị ăn chặn

Bà Lê Thị Thiện, hàng xóm chị Bình cũng nằm trong số những gia đình khó khăn. Năm nay dù đã 74 tuổi nhưng bà vẫn nai lưng nuôi người con gái đang bị bệnh tâm thần ngoài 40 tuổi nhưng hành động, ý thức như một đứa trẻ. 

Hoàn cảnh kinh tế quá bi đát, cuộc sống thiếu thốn đủ bề nên hai mẹ con chỉ biết dựa vào mấy đồng tiền hỗ trợ, rau cháo qua ngày.

Tương tự là hoàn cảnh nhà bà Lê Thị Bòng (79 tuổi, cũng trú tại thôn 3), ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng bà Bòng nào có được thảnh thơi, vui vầy bên con cháu. Ngược lại ngày ngày bà vẫn tất tả lo từng miếng ăn cho con và cháu gái bị động kinh. Khi được hỏi về số tiền hỗ trợ bị cán bộ xã “ăn chặn”, bà Bòng mếu máo nói không nên lời…

Tại điểm 6, điều 5 của Thông tư 190/2014/TT-BTC về “Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội” có ghi:

UBND cấp xã thực hiện rút kinh phí, phân công cán bộ LĐ, TB- XH, cán bộ làm công tác giảm nghèo, trưởng thôn, ấp, bản trực tiếp tiến hành chi trả bằng tiền mặt cho các hộ được hỗ trợ tiền điện trên địa bàn mỗi quý 1 lần và hoàn thành trước ngày 25 của tháng thứ 2 trong quý.

Số tiền hỗ trợ được cấp đủ một lần theo định mức, người nhận là chủ hộ hoặc thành viên trong hộ, trường hợp đặc biệt hộ gia đình được hỗ trợ tiền điện không có người nhận tiền trực tiếp thì viết giấy ủy quyền cho người nhận thay, người nhận tiền phải ký nhận và ghi rõ họ tên vào danh sách hộ nhận hỗ trợ tiền điện.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm