| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình đổi mới mô hình quản lý

Thứ Năm 27/09/2012 , 10:53 (GMT+7)

Quảng Bình phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ có 80% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Công trình nước sạch ở xã Hương Hóa (huyện Tuyên Hóa) phát huy hiệu quả tốt

Ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (NSH-VSMTNT)  tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Quảng Bình phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ có 80% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Để đạt mục tiêu này, các cấp, các ngành phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và chú trọng đổi mới mô hình quản lý, nhất là quản lý sau đầu tư".

Người dân hưởng lợi

Xã Xuân Trạch là một trong những địa phương thuộc diện khó khăn của huyện Bố Trạch. Đời sống của người dân còn gặp nhiều thiếu thốn. Do địa hình sông suối xa nên mùa hè, tình trạng thiếu nước xảy ra nghiêm trọng. Năm 2000, Xuân Trạch được đầu tư hệ thống dẫn nước từ trên núi về các trụ vòi công cộng. Mỗi cụm vòi được chia cho khoảng vài ba chục hộ dân. Tuy nhiên, do công trình ngày càng xuống cấp, lượng nước thất thoát nhiều trong khi nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng tăng nên không đáp ứng được.

Đầu năm 2011, Trung tâm NSH - VSMTNT tỉnh Quảng Bình, đã thực hiện dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình nước sạch cho Xuân Trạch với quy mô lớn hơn, nhằm phục vụ cho nhu cầu của trên 1.500 người dân trong vùng. Kinh phí dự án này trên 3 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp gần 1 tỷ đồng. Bốn tháng sau, công trình đã được đưa vào sử dụng.

Đánh giá hiệu quả công trình, ông Lê Thanh Huy, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch, cho biết: “Hơn năm nay, người dân các thôn Vĩnh Sơn, Vĩnh Thuỷ... đã hết cảnh thiếu nước. Có nước sạch dùng, vệ sinh nông thôn cũng thay đổi hẳn, nhiều loại bệnh như đau mắt đỏ, đau bụng... giảm đi".

Niềm vui của người dân xã Xuân Trạch cũng chính là niềm vui của hàng nghìn người dân ở các xã vùng sâu vùng xa khác như: Bắc Trạch (huyện Bố Trạch); Quảng Kim, Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch); Hương Hóa (huyện Tuyên Hoá)… vì các công trình nước sạch được đầu tư và đưa vào hoạt động có hiệu quả.

Tại xã miền núi Hương Hóa, trước đây, bà con chủ yếu dùng nước khe suối, mùa đông thì bị nhiễm bẩn do mưa xói lở đất đá. Sau khi Trung tâm NSH-VSMTNT tỉnh đầu tư hai công trình nước với tổng số vốn gần 3,5 tỷ đồng và đưa vào sử dụng đã cải thiện cơ bản tình trạng thiếu nước của người dân. Nhà ông Nguyễn Văn Tam ở thôn Tân Ấp (xã Hương Hóa) đã bắt hệ thống nước về tận đầu hồi nhà bếp. Ông hồ hởi cho hay: "Thời gian vừa qua, gia đình tôi và bà con trong thôn không còn lo cảnh thiếu nước. Thấy cái lợi nên ai cũng phải có ý thức giữ gìn công trình để còn sử dụng được lâu dài".

Thay đổi cách quản lý

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa, cho hay: “Hơn năm nay, sau ngày đưa vào sử dụng, công trình nước sạch của chúng tôi đã pháy huy hiệu quả rất tốt. Quy mô của công trình phục vụ cho 400 hộ dân nhưng trên thực tế bà con đang ký sử dụng đã lên con só gần 500 hộ”.

Rút bài học từ những địa phương khác, do thiếu sự quản lý đồng bộ đối với công trình nước nên hiệu quả thấp, mau hư hỏng, Hương Hóa đã thay đổi việc quản lý, vận hành phù hợp với thực tế. Xã lập ra ban quản lý công trình gồm 5 người (do ông Cao Phương Hướng, Phó chủ tịch UBND xã, làm trưởng ban và 4 trưởng thôn làm thành viên). Ban quản lý có nhiệm vụ vận hành, phục vụ hệ thống cấp nước cho bà con; quản lý, sửa chữa hư hỏng và thực hiện thu lệ phí sử dụng nước.

Ông Cao Phương Hướng cho biết: “Do bà con còn gặp khó khăn nên mức thu phí chỉ 2.000 đồng/m3 nước. Thời gian đầu, công trình ít bị hư hỏng nên chúng tôi dùng số tiền thu được hỗ trợ kéo tuyến nước về các cụm dân cư ở xa để bà con có nước sạch dùng. Với cách quản lý gắn chặt với trách nhiệm nên bà con rất ý thức gìn giữ của công”.

Ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Trung tâm NSH-VSMTNT tỉnh Quảng Bình, cho rằng để chương trình nước sạch thực sự phát huy hiệu quả, ở mỗi địa phương cần phải có nhiều hoạt động thiết thực, như: mở các lớp tập huấn cho cán bộ, nhân dân về sử dụng, bảo trì các công trình cấp nước; lập ra các quỹ đóng góp cho việc tu sửa, bảo dưỡng công trình. Một nhiệm vụ cũng khá quan trọng là tăng cường hoạt động tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng và lợi ích của các công trình này để người dân cùng tham gia bảo quản, gìn giữ.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất