| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Mùa vàng trong ngày đại hạn

Thứ Sáu 16/07/2010 , 10:41 (GMT+7)

Giữa lúc nông dân các tỉnh miền Trung nói chung và Quảng Bình nói riêng lo chạy cứu cho cây lúa đang hạn nặng thì ở vùng đồng quê Lệ Thủy, người nông dân đang hối hả kết thúc vụ lúa tái sinh.

Giữa lúc nông dân các tỉnh miền Trung nói chung và Quảng Bình nói riêng như sốt hầm hập vì lo chạy cứu cho cây lúa đang bị hạn hán nung hầm thì ở vùng đồng quê Lệ Thủy, người nông dân đang hối hả kết thúc vụ lúa tái sinh. Ông Bùi Hữu Sơn (thôn An Xá - Lộc Thủy - Lệ Thủy) hồ hởi cho hay: “Gia đình có 4 ha lúa tái sinh cộng thêm khoản thu từ khâu làm dịch vụ bơm nước cho bà con nữa là thu về được trên 30 tấn thóc...”.

Từ bao đời nay, ở tỉnh Quảng Bình, đã nói đến lúa là phải nói đến Lệ Thuỷ, bởi nơi đây là vùng trọng điểm, năng suất và sản lượng gần như luôn đứng đầu các địa phương. Vụ ĐX năm nay huyện bội thu và đó như là đòn bẩy cho vụ lúa tái sinh vượt lên hạn hán cho hạt lúa vàng. Ông Dương Đệ Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thuỷ cho chúng tôi con số khá ấn tượng: “Toàn huyện đưa vào diện tích làm vụ lúa tái sinh gần 7.000 ha. Vì năm nay thời tiết không được thuận lợi nhưng năng suất bình quân vẫn cho 30 tạ/ha. Đến cuối tháng 7/2010 này là xem như khóa sổ việc thu hoạch và có khoảng 21.000 tấn thóc đã được nông dân đưa về nhà...”.

 Trên cánh đồng Cồn Miệu, mấy bố con anh Trần Hữu Trí (thôn Tuy Lộc- Lộc Thủy) đang thu hoạch vạt lúa cuối cùng. Gặt tới đâu, anh thuê máy tuốt dựng bên bờ ruộng tuốt luôn. Lúa được đóng bao và đưa thẳng về nhà phơi. Anh cho hay: “Nhà tôi có 4 sào (mỗi sào Trung bộ là 500m2 - PV), vì chân ruộng nằm ở thế cao nên khô hơn thửa khác do đó năng suất cũng không được cao lắm nhưng cũng đạt được 1,6 tạ/sào (tương đương 32 tạ/ha)...”.

Khi tôi đặt câu hỏi vì sao lúa vụ 8 (hè thu) năng suất cao hơn lúa tái sinh mà bà con nông dân vẫn không mặn mà? Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, phụ trách nông nghiệp cho hay: “Nếu làm 1 sào lúa vụ 8 thì chi phí gồm các khoản gần như là cố định như giống, thuốc BVTV, phân bón; các khoản dịch vụ như làm đất, nước tưới, bảo vệ rồi công gieo, gặt, tuốt... tất cả hết khoảng 650 ngàn đồng, quy ra thóc khoảng 1,5 tạ. Năng suất bình quân vụ 8 đạt khoảng 2,2 tạ/sào, trừ đi chi phí còn lãi khoảng 70kg. Còn lúa tái sinh thì chỉ có chi phí phân bón và một số dịch vụ như thủy lợi, bảo vệ, gặt, tuốt... khoảng 250 ngàn đồng, quy ra thóc hết chừng 55kg. Năng suất bình quân của lúa tái sinh bình quân 1,6 tạ, trừ chi phí còn lãi trên 1 tạ. Tính rộng ra là 1 ha lúa vụ 8 lãi 1,4 tấn, trong khi đó làm 1 ha lúa tái sinh lãi được 2 tấn. Chênh nhau đến 6 tạ thóc đấy...”. Có lẽ vì có lãi và đỡ nhọc công hơn trong việc cơ cấu vụ lúa tái sinh nên nông dân xã Lộc Thủy đã đưa hết 550 ha lúa vụ đông xuân làm vụ tái sinh.

Dưới cái nắng như oi lửa trên đầu, chúng tôi về xã Liên Thủy (Lệ Thủy). Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hoài Khôn cho biết, vụ lúa ĐX toàn xã có 859 ha thì đã đưa 850 ha vào cơ cấu vụ lúa tái sinh. Trên cách đồng Quy Hậu, phần lớn diện tích lúa tái sinh đã được bà con thu hoạch. Gia đình được coi là nhất về diện tích và sản lượng vụ lúa này là bà Lê Thị Lịa (ở đội 5) với 3,5 sào và năng suất đạt 40 tạ/ha. Anh Nguyễn Tiến Thiệp, Chủ nhiệm HTX Quy Hậu trao đổi: “Quy Hậu cũng là một trong những đơn vị mạnh dạn đưa lúa tái sinh vào sản xuất từ những năm trước. Năm nay do một số diện tích lúa ĐX bị gió lốc tố làm gãy đổ nên ảnh hưởng đến sự phát triển của vụ tái sinh. Vì vậy năng suất bình quân chỉ đạt 27 tạ/ha. Toàn bộ giống lúa được chọn là Xi23, giống 94-11...”.

Ông Phạm Hữu Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy trao đổi với chúng tôi: “Thực tế cho thấy rõ là làm lúa tái sinh mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ nông dân. Tuy nhiên, cũng có những mặt làm ảnh hưởng đến việc đưa tiến bộ KHKT vào đồng ruộng. Chẳng hạn diện tích đưa vào vụ tái sinh thì khó đưa máy gặt liên hợp vào chân ruộng, vì máy gặt liên hợp sẽ làm dập, hỏng gốc rạ. Mặt khác, làm vụ 8, đất ruộng được cày nhuyễn; giống lúa thay đổi sẽ hạn chế được sâu bệnh hại cây trồng...”.
Cũng theo anh Thiệp thì lúa vụ ĐX sau khi thu hoạch giữ lại gốc rạ cho nó phát triển đơm bông cho đến khi thu hoạch gọi là lúa chét. Lúa tái sinh cũng dựa trên “nguyên lý” này nhưng được “quy hoạch” lại để điều tiết được nước tưới tiêu, có quy trình bón phân để có thu hoạch cao và hạt gạo chất lượng hơn. Cơ cấu vụ lúa tái sinh có được 2 lợi thế chính. Đó là do thời gian sinh trưởng ngắn nên cơ bản tránh được lũ sớm (Lệ Thủy luôn xảy ra thiệt hại bất thường trong sản xuất nông nghiệp và đời sống vì những cơn lũ sớm này) và lợi thế thứ 2 là không phải chạy đua trong khâu làm đất. Trước đây khi làm vụ 8, thu hoạch xong vụ ĐX, nông dân Lệ Thủy vắt chân mà chạy vì cày bừa. Do diện tích lớn, trâu và máy cày chưa có đủ để đáp ứng trong thời gian ngắn cho đúng với lịch thời vụ nên chuyện gieo sạ chậm là không tránh khỏi.

Tuy nhiên, việc đưa lúa tái sinh vào cánh đồng Lệ Thủy cũng đã có nhiều “tranh cãi” trong người dân và các cấp lãnh đạo địa phương. Điểm mấu chốt của việc “tranh cãi” chính là sản lượng lúa và vấn đề tăng thu nhập xã hội. Điều hiển nhiên ai cũng biết là làm lúa tái sinh thì từng hộ nông dân được hưởng lợi bởi chi phí thấp, lãi lớn, nhưng không làm vụ 8 thì thu nhập xã hội giảm lớn... Chẳng hạn, nếu làm vụ 8 trên diện tích gần 7.000 ha và có năng suất bình quân 44 tạ/ha thì tổng sản lượng lương thực đạt xấp xỉ 31 ngàn tấn; nếu cơ cấu vụ tái sinh có năng suất bình quân 30 tạ/ha thì có tổng sản lượng khoảng 21 ngàn tấn. Do đó, Lệ Thủy sẽ “mất” khoảng 10.000 tấn lương thực trong vụ này.

Nhìn ra cánh đồng rực trong cái nắng cháy, ông Lê Văn Quý (nguyên Chủ nhiệm HTX Quy Hậu) trầm ngâm: “Xét cho cùng thì nông dân thấy cái gì có lợi thì người ta làm chứ không thể “bắt ép” được. Nhưng nếu có tiến bộ mới trong SX hè thu, chắc chắn tư duy người nông dân sẽ thay đổi".

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm