| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình nghẹn ngào đón đại tướng về đất mẹ

Chủ Nhật 13/10/2013 , 16:03 (GMT+7)

Chen giữa loa âu của hai cơn bão lớn, lòng người dân An Xá, lòng người dân toàn xứ Quảng Bình vẫn chùng lại, để đón đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng, người ông, người bác thân thương của họ lai hồi cố thổ.

Đi hết đất Quảng Bình, có cố tìm cũng khó có làng nào đáng gọi là làng giàu. Lọt thỏm giữa vùng chiêm trũng, làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, nơi đại tướng sinh ra cũng là một vùng chiêm khê mùa thối.

Dấu tích trận bão số 10 vẫn chưa qua hết, An Xá lại cùng bao nhiêu làng nghèo khác của Quảng Bình lại nơm nớp đợi cơn bão số 11 sắp tràn về trong vài ba ngày tới, nghe đâu sức tàn phá sẽ còn kinh khủng hơn nhiều. Nhưng, chen giữa loa âu của hai cơn bão lớn, lòng người dân An Xá, lòng người dân toàn xứ Quảng Bình vẫn chùng lại, để đón đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng, người ông, người bác thân thương của họ lai hồi cố thổ. Lần này, phút trùng phùng ngắn ngủi sẽ đồng nghĩa với chia ly vĩnh viễn. Ai cũng muốn được tận mắt chứng kiến cảnh đại tướng về với đất quê hương, một lần và mãi mãi.

Trưa 13/10/2013, hàng vạn người dân Quảng Bình đã nhịn bữa cơm trưa. Dù biết rõ hơn 12h trưa, máy bay chở di hài đại tướng mới hạ cánh, nhưng từ 9h sáng, hơn 10.000 người đã sắp hàng chật cứng hai bên đường 16-6 dẫn vào sân bay Đồng Hới. Họ đã đứng như thế suốt buổi sáng cho đến tận đầu buổi chiều, trong lặng lẽ và trật tự.  Một nửa người dân làng An Xá, những người có sứckhoẻ và đủ điều kiện cũng tụ tập về đây.

Mấy hôm trước, ngày nào Đồng Hới cũng mưa tầm tã, nhưng hôm này trời tạnh ráo, từ giữa buổi sáng nắng đã khá gay gắt. Dù vậy vẫn không ai rời chỗ. Ai cũng lo bỏ lỡ mất cơ hội được nhìn tận mắt phút quan tài của đại tướng đi qua, lo lỡ cuộc chia tay với một người con quê hương mà trong lòng họ đã thành hiển thánh.

Dòng người xếp hàng 4, hàng 5 nhưng khoảng cách 1km từ ngoài quốc lộ vào cổng sân bay vẫn không đủ sức chứa. Rất đông người, đa số là thanh thiếu niên, phải trèo lên đu bám trên những ngọn cây gần hai bên đường và vắt vẻo trên đó hàng tiếng đồng hồ trong nỗi đợi chờ khắc khoải.

Tầng thượng của những ngôi nhà tầng hai bên đường cũng chật cứng người đu bám. Nhiều người còn trèo lên vắt vẻo cả trên mái nhà, nóc tháp nhọn cao để hy vọng bao quát được tầm nhìn, không bỏ sót giây nào trong cuộc hành trình cuối cùng của cuộc đời đại tướng.

Bà Lê Thị Bời, 85 tuổi ở xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới dậy từ 5h sáng. Ra vườn, bà tự tay gom hái vài nhánh lá tươi, ít cành hoa dại còn sót lại sau cơn bão số 10, tự tay cắm vào độc bình rồi gọi cu Tí, đứa cháu nội mới lên 5 dậy đánh răng rửa mặt , áo quần tươm tất để đưa bà ra sân bay – cách nhà chỉ hơn 1km - đón đại tướng.

Bà bảo cháu: “Ông Giáp là thủ trưởng, là Anh Cả của ông nội con ngày xưa đó”. Lọt thỏm giữa dòng người đón tiễn, hai bà cháu với lọ hoa dại kết từ vườn nhà đã ngồi trọn buổi sáng đến quá trưa để chờ đợi. Chờ lâu, Cu Tí sốt ruột, mắt cứ nhóng lên trời. Lúc khảng 11 giờ, nó phát hiện có một chiếc máy bay bay qua trên đầu, bèn la toáng lên “Đến rồi, đến rồi!” và đưa tay chỉ. Sự ngây thơ, bồng bột của đứa trẻ, không dè cũng khiến đám đông đột nhiên nhốn nháo hẳn lên, trong phút chốc cũng ùa cả dậy. Khi hiểu ra nhầm lẫn, ai nấy lại lặng lẽ quay về chỗ cũ.

Từ nhiều tỉnh thành khác trên rẻo đất miền Trung lắm mưa nhiều lũ, rất đông người cũng kéo về Đồng Hới hoà cùng người dân Quảng Bình làm nên một cuộc tiễn đưa vĩ đại. Càng gần trưa, đoàn người tụ về đưa tiễn đại tướng càng đông hơn.

Xe và người xếp hàng tư tạo thành một đoàn dài 4km theo trục Nam Bắc trên quốc lộ 1 đoạn rẽ vào sân bay Đồng Hới. Ước tính phải trên 2 vạn người.

Từ TP HỒ Chí Minh, noi gương Đại tướng, ba bạn trẻ Vương Văn Toản, Bùi Kim Quốc và Đỗ Khắc Việt đã rủ nhau làm một cuộc trường chinh nhiều ý nghĩa của riêng họ: đi xe đạp vượt 1300 km ra Đồng Hới đón tiễn Đại tướng.

Toản là sinh viên năm cuối Đại học Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Kim Quốc vừa tốt nghiệp ĐHKHXH Nhân văn, còn Việt đã đi làm. Không hẹn mà gặp nhau trong ý tưởng, ba bạn đã quyết tâm lên đường ngay sau khi được tin Đại tướng từ trần.

Đi qua 10 tỉnh thành, ở mỗi tỉnh, họ đều bốc theo một gói đất, đi ròng rã để đem 10 nắm đất đến thắp hương cho đại tướng kịp giờ làm lễ truy điệu sáng 13/10 tại Hội trường UBND tỉnh Quảng Bình. Việt, Quốc và Toản còn cho biết thêm, sáng 13/10, hoà cùng cả nước nhóm bạn của họ ở lại sẽ tổ chức một lễ truy điệu riêng cho Đại tướng tại tổ đình Phước Tường, quận 9, TP Hồ Chí Minh. Đã chuẩn bị kỹ trước, buổi lễ này sẽ có 103 sinh viên – thanh niên tham dự, đúng với số tuổi thọ của đại tướng!

Được truyền lửa từ cuộc đời Đại tướng, tinh thần sinh viên không chỉ được thể hiện từ những người trẻ, nó còn sống lại ngay cả với người đã già. Cụ Ngủyễn Văn Sự, nhà ở số 13 Cao Bá Quát, Hà Nội đi xe lửa suốt đêm từ Hà Nội vào chờ ở sân bay Đồng Hới từ lúc 7h sáng.

Cụ Sự đã 85 tuổi, người thấp, nhỏ, lưng đã còng, nói không ra hơi, đi lại đã phải chống ba-toong run rẩy. Vậy nhưng giữa trưa nằng, cụ vẫn cố nhoài ra, chụp rất nhiều bức ảnh cảnh tiễn đưa. Cụ Sự cho biết: “Tôi là sinh viên khoá I, khoa Lịch sử trường ĐHTH Hà Nội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một người anh hùng lịch sử, ông ấy còn là Chủ tịch danh dự của Hội Lịch sử Việt Nam. Với một sinh viên ngành lịch sử như tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người thầy lớn, một người thầy vĩ đại. Không còn ai xứng đáng hơn ông ấy để tôi được nghiêng mình. Được vào đến tận đây để cúi đầu tiễn người, với tôi chính là hạnh phúc”.

Chuyến bay chở di hài đại tướng đáp xuống sân bay Đồng Hới sớm hơn dự định gần 20 phút. Từ bên ngoài, dù không được thông báo, đoàn người chờ đợi vẫn nhận ra ngay. Toàn bộ đám đông đang im lặng bỗng vỡ oà tiếng khóc. Đường vào sân bay có hai làn, không ai bảo ai, đột nhiên toàn bộ đám đông từ hai bên đường đã dồn về một làn đường khiến phút chốc, lối đi trở nên tắc nghẽn. Nhưng khi những chiếc xe dẫn đường vừa xuất hiện, đám đông lại tự động trật tự dạt ra ngay, nhường chỗ cho những tiếng nấc nghẹn ngào.

Xe chở thi hài xuất hiện, lăn bánh qua rất chậm. Đám đông cứ vậy khép vòng tròn hoà dần vào giữa lòng đường sắp thành một biển người theo sau linh xa. Tinh thần của Đại tướng quả thật vĩ đại. Ngay cả khi nằm xuống, người vẫn khiến hàng vạn người dân quê xích lại gần nhau thành một khối, chung một tấm lòng.

Dài như bất tận, đoàn người ấy lại tiếp tục tiễn đưa Đại tướng về nơi yên nghỉ cuối cùng tại Vũng Chùa - Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình.

Tượng đài người anh hùng vẫn chưa kịp dựng, nhưng trong lòng dân Quảng Bình, hình ảnh và tinh thần của đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mọc lên từ lâu, thân thương và sừng sững. 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Xuất siêu nông sản 3 tháng đầu năm 2024 tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái

Ba tháng đầu năm 2024, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá. Năng suất, sản lượng nhiều; sản phẩm chủ lực tăng; đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã - 'Sóng ngầm' ở vùng biên: [Bài 1] Điểm tập kết thú rừng

Các loại thú rừng, từ thông thường đến quý hiếm, nằm trong sách đỏ, vẫn được các đầu nậu âm thầm tuồn từ biên kia biên giới về Việt Nam, phục vụ các 'thượng đế'.

Bình luận mới nhất